Doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi cái nhìn về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ
Đó là nội dung tham luận chính tại hội nghị Quốc tế về xây dựng hình ảnh doanh nghiệp gắn với bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được tổ chức vào sáng nay, ngày 29 tháng 12 năm 2020 tại Hà Nội với đông đảo các lãnh đạo các bộ, ngành, cán bộ quản lý, chuyên gia kinh tế, chuyên gia lĩnh vực sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp, …
Chương trình có sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS), Công ty Cổ phần Nhiên liệu bay Petrolimex.
Với mong muốn nâng cao nhận thức cho xã hội về sở hữu trí tuệ, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp thực thi có hiệu quả các cam kết về sở hữu trí tuệ trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với quốc tế, sáng ngày 29/12, tại Hà Nội, Trung tâm Ứng dụng Công nghệ Khai thác Quyền sở hữu trí tuệ (IPTA) phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI) tổ chức “Hội nghị về xây dựng hình ảnh doanh nghiệp gắn với bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ”.
Thực tế cho thấy, trong khi các doanh nghiệp đa quốc gia trên thế giới đều đầu tư nhiều nguồn lực cho việc đăng ký bảo hộ độc quyền tài sản trí tuệ của doanh nghiệp thì tại nước ta hiện nay chưa có nhiều doanh nghiệp hiểu đúng tầm quan trọng của vấn đề này.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Ninh Giang, Giám đốc IPTA cho biết việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho xã hội về sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo là hết sức quan trọng, đặc biệt là việc tuyên truyền sâu rộng về vai trò và sự gắn kết giữa đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ trong cộng đồng sinh viên và doanh nghiệp khởi nghiệp. Đã có nhiều doanh nghiệp Việt đầu tư rất nhiều vào xây dựng thương hiệu của mình ở trong nước, giúp sản phẩm tốt được nhiều người tiêu dùng trong nước biết đến, tuy nhiên khi ra thị trường quốc tế lại trở nên vô danh, thậm chí bị “cướp” thương hiệu do bị một doanh nghiệp nước ngoài khác đăng ký trước. Điều này đã gây ra thiệt hại cho doanh nghiệp.
Luật sư Phạm Duy Khương, Công ty Luật SB Law cũng có bài tham luận cho rằng doanh nghiệp Việt cần có chiến lược đăng ký nhãn hiệu ra quốc tế để bảo vệ thương hiệu của mình cũng như nâng cao uy tín trên thị trường quốc tế.
Theo đó, doanh nghiệp phải cân nhắc về chi phí, thời gian, số lượng và quốc gia đăng ký. Cụ thể, có thể đăng ký trên 4 quốc gia, so sánh thời gian đăng ký trực tiếp và đăng ký qua định thư hay thỏa ước. Một số quốc gia đã cho phép đăng ký với thủ tục rút gọn mà doanh nghiệp có thể cân nhắc như: Campuchia, Úc, Hàn Quốc…
Đồng thời, ông Khương nhấn mạnh tới việc các doanh nghiệp cần tìm hiểu kĩ trước khi lựa chọn quốc gia và cách thức đăng ký, từ đó có thể tiết kiệm về thời gian, chi phí và đem lại hiệu quả tốt nhất cho quá trình đăng ký nhãn hiệu của doanh nghiệp.
Tại Hội nghị, các đại biểu, chuyên gia đã chia sẻ về các nội dung: Một số chính sách và định hướng hoàn thiện các quy định pháp luật trong phát triển hoạt động sở hữu trí tuệ gắn với thương mại; cạnh tranh thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường nước ngoài; phát triển khung pháp lý cho hoạt động sở hữu trí tuệ; mất tài sản sở hữu trí tuệ ở nước ngoài và bài học kinh nghiệm dành cho doanh nghiệp; lưu ý về vấn đề sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay; xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp Việt Nam.