Doanh nghiệp Việt Nam còn gặp nhiều trở ngại khi đổi mới sáng tạo

Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở Việt Nam trải qua một năm với nhiều mảng sáng tối. Doanh nghiệp muốn tiếp tục tồn tại bền vững được trong thế giới, cần ưu tiên thích ứng với xu hướng từ thế giới.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Theo Báo cáo "Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo Mở Việt Nam 2023” vừa được phát hành, Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam trải qua một năm với nhiều mảng sáng tối và để có thể tiếp tục tồn tại bền vững được trong thế giới hiện tại, doanh nghiệp cần ưu tiên thích ứng với xu hướng liên đới từ thế giới cũng như bảo đảm về tài sản trí tuệ của mình.

Đây là năm thứ 3 báo cáo được thực hiện, bởi Nền tảng kết nối Đổi mới sáng tạo mở BambuUP dưới sự bảo trợ của Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (NATEC) và Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia (NSSC).

Khó khăn vẫn đang bao trùm doanh nghiệp Việt trong năm 2023 và 2024

Năm 2023 tiếp tục là một năm nhiều sóng gió và khó khăn của kinh tế thế giới. Báo cáo chỉ ra tính đến tháng 8/2023, tổng vốn đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp toàn cầu trị giá 187,6 tỷ USD, giảm 46,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trung bình mỗi tháng 23,4 tỷ USD được đầu tư cho startup, sụt giảm rõ rệt so với 37 tỷ USD/tháng của năm 2022.

Tốc độ tăng trưởng "kỳ lân" cũng đã giảm mạnh, chỉ tăng 8,5% (từ 2022 đến 2023) so với 67% (từ 2021 đến 2022) và 80% (từ 2020 đến 2021). Số lượng doanh nghiệp "kỳ lân" mới trung bình hằng tháng của năm 2023 cũng đánh dấu mốc thấp nhất trong vòng hơn 4 năm qua (tổng hợp từ StartupBlink, Crunchbase, CBInsights)

 Hệ sinh thái khởi nghiệp & đổi mới sáng tạo thế giới không có nhiều con số tăng trưởng nổi bật.

Hệ sinh thái khởi nghiệp & đổi mới sáng tạo thế giới không có nhiều con số tăng trưởng nổi bật.

Năm vừa qua đánh dấu sự suy giảm của các hệ sinh thái khởi nghiệp hàng đầu, gây ra bởi những sai lầm trong chính sách của những thành phố lớn của từng quốc gia.

Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng ảnh hưởng khi hàng trăm ngàn doanh nghiệp đã không còn khả năng duy trì cũng như tìm ra hướng đi mới để vượt qua khó khăn.

Số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng năm 2023 là 103.658, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp rút lui trong 8 tháng năm 2023 là 72.634, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm 2022. (Theo Báo cáo Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo Mở Việt Nam 2023, tổng hợp từ số liệu của Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp).

Bên cạnh những khó khăn chung, Việt Nam vẫn có không ít điểm sáng trong bức tranh chủ đạo của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở.

Theo Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2023 (GII 2023) do Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) công bố, Việt Nam tăng 2 bậc so với năm 2022, đạt xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế.

Với xếp hạng trên, Việt Nam đang duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp, xếp sau Ấn Độ. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam xếp sau Singapore (5), Malaysia (36) và Thái Lan (43). Theo WIPO, Việt Nam là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua và cũng là một trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp.

 Những con số của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023. (Nguồn: Báo cáo hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo Mở Việt Nam 2023)

Những con số của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023. (Nguồn: Báo cáo hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo Mở Việt Nam 2023)

Tuy nhiên, phương diện đầu tư vốn cho hoạt động khoa học-công nghệ đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn chưa được cải thiện. Mức đầu tư vào R&D so với GDP của Hệ sinh thái Việt Nam vẫn còn thấp và có xu hướng giảm.

Năm 2023, con số được ghi nhận về mức đầu tư R&D so với GDP của Việt Nam là 0,4%, thấp hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á, xếp hạng 66 toàn cầu, giảm 7 bậc so với năm 2022.

 Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Cũng theo báo cáo Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2023, doanh nghiệp Việt còn gặp nhiều trở ngại khi đổi mới sáng tạo.

75% doanh nghiệp được khảo sát trong báo cáo khẳng định rằng việc chưa được nhận thức đầy đủ về vai trò của đổi mới sáng tạo mở dẫn đến động lực hiện thực hóa chưa rõ ràng.

Trong bối cảnh hệ sinh thái đổi mới sáng tạo năm 2023, các doanh nghiệp Việt Nam cho thấy sự thay đổi về ưu tiên thực hiện đổi mới sáng tạo mở giữa các lĩnh vực hoạt động, cụ thể: Lĩnh vực Marketing và Bán hàng được 73% số doanh nghiệp khảo sát lên kế hoạch thực hiện đổi mới sáng tạo ở trong tương lai, tăng 48% so với năm 2022. Trong khi đó, lĩnh vực Nghiên cứu và Phát triển (R&D) vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch đổi mới sáng tạo.

Doanh nghiệp phải tăng "đề kháng" để thoát khỏi "bẫy tăng trưởng âm"

Dựa trên các nội dung của báo cáo, các chuyên gia đã có những chia sẻ về việc liệu có một viễn cảnh nào tươi sáng hơn cho doanh nghiệp trong năm 2024.

Bà Dương Thanh Tâm - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Canifa cho biết mỗi doanh nghiệp sẽ có một cách đón một "cơn bão" khác nhau, hiện Canifa đã lựa chọn đầu tư vào công nghệ và đổi mới sáng tạo để có thể vượt qua cơn bão hoàn hảo của kinh tế thế giới. "Chủ nghĩa kinh nghiệm đã lạc hậu và doanh nghiệp cần trải qua giai đoạn tái khởi động và nâng cao năng lực (Unskill - Reskill - Upskill) doanh nghiệp liên tục với công nghệ," bà Tâm cho hay.

 Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Theo ông Trần Bằng Việt - CEO Đông Á Solution, một trong các chuyên gia cố vấn của báo cáo năm nay tổng kết, có 6 điểm mà lãnh đạo có thể thay đổi cách tiếp cận của mình để doanh nghiệp "vượt bão". Thứ nhất là không đợi "bão tan," tình hình tốt mới đầu tư. Phải đầu tư đổi mới sáng tạo để tăng sức đề kháng cho doanh nghiệp.

Thứ hai là doanh nghiệp nên chuyển đổi tư duy trước Chuyển đổi Số.

Thứ ba là đảm bảo yếu tố “tích hợp” và “phù hợp” thì mới mong tạo ra giá trị, hiệu suất và lợi thế cạnh tranh.

Thứ tư là sự thông hiểu trong doanh nghiệp giúp khởi tạo một chu kỳ: Thông hiểu - thông cảm sẽ đem lại các giải pháp hiệu quả thông suốt (giữa các cấp và chức năng trong tổ chức) giúp khách hàng tin tưởng và giúp cho nỗ lực kinh doanh của ta thông thoáng.

Thứ năm là muốn ra số (doanh số) thì phải có số (dữ liệu hiểu biết khách hàng). Dữ liệu là "dầu mỏ mới" và là nguyên liệu quan trọng giúp doanh nghiệp đổi mới sáng tạo thông minh dựa trên kết nối các giá trị dữ liệu đã có sẵn.

Thứ sáu là sự thông hiểu, thấu suốt từ bên trong với nguồn dữ liệu thực sự về năng lực và nguồn lực nội bộ sẽ giúp doanh nghiệp đưa ra những giải pháp thông minh cho thị trường và người tiêu dùng, đáp ứng sự vận động của thế giới hiện tại.

Ông Phạm Quang Chiến - Phó Tổng giám đốc Citek lại chia sẻ từ góc nhìn của một đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ. Theo ông Chiến, hiện nay doanh nghiệp cần phải linh hoạt hơn trong việc ứng dụng các mô hình kinh doanh cũng như lộ trình ứng dụng công nghệ.

"Doanh nghiệp Việt Nam cần biết cách tích hợp, linh hoạt hơn khi ứng dụng công nghệ. Công nghệ lõi sẽ là giải pháp giúp doanh nghiệp giải phóng khỏi các áp lục về việc đổi mới sáng tạo nhỏ lẻ, rời rạc giữa các quy chuẩn," ông Chiến nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/doanh-nghiep-viet-nam-con-gap-nhieu-tro-ngai-khi-doi-moi-sang-tao-post920651.vnp