Doanh nghiệp Việt Nam gia tăng thị phần ở châu Mỹ
Sau 3 năm thực thi Hiệp định đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam là quốc gia duy nhất gia tăng thị phần ở khu vực châu Mỹ.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) đánh giá, CPTPP chính là hiệp định thương mại đầu tiên mà các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt để gia nhập vào thị trường châu Mỹ.
Theo thống kê, Việt Nam là thành viên CPTPP duy nhất gia tăng thị phần ở Canada, Mexico. Các nước khác, thị phần đều giảm, hoặc đi ngang. Ví dụ như Nhật Bản vốn là quốc gia quen thuộc với thị trường châu Mỹ nhưng thị phần của họ chỉ đi ngang, còn Việt Nam thì gia tăng thị phần.
Cụ thể, ở Canada, thị phần của Việt Nam vào năm 2017 là 0,9%; Năm 2019 - năm đầu tiên thực thi CPTPP, thì thị phần của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Canada đã tăng lên là 1,2% và đến năm 2021 đã lên 1,6%. Việt Nam được đánh giá là nước có tốc độ tăng cao nhất về mặt thị phần.
Tương tự, ở Mexico, năm 2018, thị phần của Việt Nam là 0,9% nhưng đến năm 2021 thị phần của chúng ta là 1,7%.
Bà Võ Hồng Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu châu Mỹ (Bộ Công Thương) - cho biết, sau 3 năm thực thi CPTPP, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường CPTPP khu vực châu Mỹ có mức tăng trưởng hết sức ấn tượng.
“Ví dụ, với Canada, năm 2021, chúng ta xuất khẩu sang Canada khoảng 5,3 tỷ USD, tức là tăng trưởng khoảng 75% so với thời điểm trước khi hiệp định có hiệu lực. Hoặc Mexico, năm 2021, chúng ta xuất khẩu sang Mexico khoảng 4,6 tỷ USD - tăng trưởng tới hơn 100 % so với thời điểm trước khi Hiệp định có hiệu lực. Những kết quả này cho thấy, Hiệp định CPTPP đã có những tác động tích cực, dù là trực tiếp hay gián tiếp tới cái xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này”, bà Hồng Anh nói.
Lý giải về nguyên nhân thị phần hàng Việt Nam gia tăng tại các nước CPTPP, bà Trần Thu Trang cho biết, trong danh sách 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của các nước với Việt Nam, có những mặt hàng mà hầu như chỉ Việt Nam có, các nước thành viên khác không có. Ví dụ giày dép hoặc cao su.
Tuy nhiên, cũng có những mặt hàng mà Việt Nam có thể trùng với thế mạnh của các quốc gia khác, ví dụ như đồ gỗ, dệt may trùng với Mexico nhưng xét sản phẩm cụ thể thì sản phẩm của Việt Nam lại khác biệt.
“Vì thế, chúng tôi nhìn thấy cơ hội của chúng ta ở các thị trường CPTPP là rất lớn”, bà Trang khẳng định.
Đáng chú ý, không chỉ gia tăng thị phần, các doanh nghiệp Việt còn có thể tận dụng các thị trường CPTPP làm cửa ngõ, để vào thị trường châu Mỹ. Cả bốn nước CPTPP tại khu vực châu Mỹ đều là những nước có độ mở nền kinh tế tương đối là cao. Như Canada có tới 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), Chile có tới 29 FTA. Mexico và Peru cũng có số FTA nhiều không kém.