Doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn đủ năng lực triển khai các dự án lớn

Doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để tổ chức triển khai và kiểm soát các dự án lớn. Chính phủ có thể 'đặt đề bài' cho các doanh nghiệp tầm cỡ trong nước, bảo lãnh cho họ trực tiếp vay vốn và đàm phán với các đối tác nước ngoài để thực hiện các dự án lớn, như đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam…

Tham dự cuộc gặp mặt sáng 4/10 của Thường trực Chính phủ với các đại diện doanh nghiệp nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, đại diện các doanh nghiệp đã nêu nhiều ý kiến tâm huyết về các giải pháp thúc đẩy kinh tế, phát triển đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trên nhiều lĩnh vực.

Xem xét đề án thu hút nguồn vốn trong dân

Theo ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam, việc đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư công của Nhà nước, đặc biệt là hai siêu dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là hết sức cấp thiết để tạo nền tảng bứt phá cho các vùng, địa phương thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2026 và những năm tiếp tới.

Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam

Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam

Một trong những thách thức đặt ra khi triển khai các dự án này là "nguồn vốn" để thực hiện các dự án, làm sao để các dự án đúng tiến độ, hiệu quả và đặc biệt là "tiết kiệm chi phí hợp lý".

Do đó, Hiệp hội DNNVV Việt Nam kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét có một đề án cụ thể về "Thu hút nguồn vốn trong nhân dân" để phục vụ hai dự án nêu trên, có thể thông qua hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ với mức lãi suất hấp dẫn để khuyến khích người dân tham gia. “Đặc thù của doanh nghiệp và người dân Việt Nam là khi Tổ quốc, đất nước cần thì sẵn sàng ủng hộ hết mình”, ông Nguyễn Văn Thân nói.

Ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề nghị Chính phủ hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực du lịch.

Sau đại dịch Covid-19, nhân lực ngành du lịch thiếu trầm trọng, hiện ngành chỉ đạt 60-70% lực lượng lao động so với trước kia. Để phát triển lực lượng này, bên cạnh sự cố gắng từ phía doanh nghiệp, về lâu dài, Nhà nước vẫn cần hỗ trợ trực tiếp, giao cho doanh nghiệp để họ trực tiếp làm và có sự giám sát của các cơ quan liên quan.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV nhấn mạnh doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để tổ chức triển khai và kiểm soát các dự án lớn. Chính phủ có thể "đặt đề bài" cho các doanh nghiệp tầm cỡ trong nước, bảo lãnh cho họ trực tiếp vay vốn và đàm phán với các đối tác nước ngoài (để mua công nghệ, thuê chuyên gia...).

Điều này, một mặt sẽ tiết giảm chi phí rất lớn từ việc tham gia của cơ quan nhà nước trong tất cả các khâu, mặt khác sẽ gia tăng hiệu quả và tránh được rủi ro cho các nhà thầu.

Để thực sự tạo nên lực lượng doanh nghiệp có năng lực dẫn dắt, ông Nguyễn Văn Thân cũng kiến nghị Chính phủ cần trao đổi và giao nhiệm vụ cụ thể cũng như ban hành những chính sách hỗ trợ đặc thù cho các doanh nghiệp lớn để họ tập trung phát triển một lĩnh vực ngành nghề mũi nhọn.

Còn đối với lực lượng 5 triệu hộ kinh doanh trên cả nước, đông gấp 6 lần lực lượng doanh nghiệp), đại diện Hiệp hội DNNVV cho rằng đối tượng này chỉ được dành một phần trong Luật Doanh nghiệp là rất thiệt thòi. Do vậy, kiến nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành Luật riêng cho hộ kinh doanh. Trong đó, để "chính thức hóa" chuyển đổi các hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, kiến nghị Chính phủ đưa ra các tiêu chí, định mức cụ thể để các hộ kinh doanh khi đạt được "phải" chuyển đổi thành doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cũng cần có những chính sách hỗ trợ về thuế, vốn, mặt bằng, lãi suất... để thúc đẩy các hộ kinh doanh sớm phát triển thành doanh nghiệp.

Sớm xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế

Quan tâm đến thị trường tài chính, thị trường vốn, bà Huỳnh Bích Ngọc - Phó Chủ tịch thường trực Tập đoàn TTC kiến nghị các cơ quan chức năng sớm ban hành các hướng dẫn cụ thể để tạo điều kiện phát triển thị trường vốn, tăng cường tính minh bạch và hiệu quả.

Theo đó, Chính phủ kiến tạo cơ chế với các chính sách khuyến khích khối doanh nghiệp tư nhân niêm yết các loại hình hàng hóa mới trên thị trường chứng khoán để thu hút thêm nguồn vốn đầu tư nước ngoài dài hạn.

Ngoài ra, để đạt được mục tiêu kinh tế xanh, tài chính xanh, cần có chính sách khuyến khích việc phát triển chỉ số ETF chuyên đầu tư vào các doanh nghiệp đạt được những tiêu chuẩn ESG quốc tế, vừa để nhà đầu tư nước ngoài có nhiều lựa chọn cơ hội đầu tư - gia tăng hấp thụ nguồn vốn ngoại cho thị trường vốn Việt Nam, vừa khuyến khích doanh nghiệp phát triển theo chuẩn ESG quốc tế hướng đến bền vững.

Bà Huỳnh Bích Ngọc - Phó Chủ tịch thường trực Tập đoàn TTC

Bà Huỳnh Bích Ngọc - Phó Chủ tịch thường trực Tập đoàn TTC

Để hỗ trợ thị trường vốn Việt Nam phát triển, Phó Chủ tịch TTC nhấn mạnh việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế là rất cần thiết, bởi Việt Nam có tiềm năng lớn về dân số và sự phát triển nhanh chóng của thị trường tài chính trong nước, lợi thế về múi giờ đối với 21 trung tâm tài chính lớn nhất thế giới hiện hữu.

Việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế sẽ hỗ trợ thị trường vốn Việt Nam phát triển đa dạng, đóng góp tỷ trọng lớn về nguồn vốn bền vững bên cạnh thị trường tiền tệ; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân. Việt Nam có nhiều lợi thế để hoàn toàn có thể xây dựng và phát triển thành một trung tâm tài chính khu vực, thu hút các nhà đầu tư lớn và đóng góp vào sự phát triển bền vững của thị trường vốn, bà Huỳnh Bích Ngọc nhận định./.

Tháo gỡ cho 500 dự án để tăng cung, giảm giá nhà

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh bày tỏ mong muốn các cơ quan quản lý cùng phối hợp để tháo gỡ vướng mắc cho hơn 500 dự án bất động sản, qua đó tăng cung, giảm giá nhà, đồng thời thực hiện được mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội mà Chính phủ đã phát động.

“Đối với lĩnh vực bất động sản, chúng ta phải làm sao có nhiều nhà ở thương mại mà vừa túi tiền người dân, giảm giá nhà, phải tham gia để phát triển được 1 triệu căn nhà ở xã hội và mong Thủ tướng quan tâm đến vấn đề 500.000 chủ nhà trọ trên phạm vi cả nước đang giải quyết chỗ ở cho hàng triệu công nhân và người có thu nhập thấp đô thị nhưng họ chưa được hưởng chính sách gì” - ông Lê Hoàng Châu đề xuất.

Dương An

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/doanh-nghiep-viet-nam-hoan-toan-du-nang-luc-trien-khai-cac-du-an-lon-161023.html