Doanh nghiệp Việt nửa thế kỷ vươn mình: Bài 1- Hành trình của những thương hiệu nghìn tỷ

50 năm sau ngày giải phóng chúng ta chứng kiến nhiều câu chuyện vươn mình, lớn lên của các doanh nghiệp. Hàng hóa, dịch vụ của họ ở khắp mọi nơi, được tin dùng.

Một nửa thế kỷ kể từ ngày non sông liền một dải, vững vàng vươn mình bước vào kỷ nguyên độc lập và hội nhập, kinh tế tư nhân Việt Nam đã viết nên một chương mới đầy tự hào trong lịch sử phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Và 50 năm sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta đã chứng kiến nhiều câu chuyện vươn mình, lớn lên của các doanh nghiệp. Từ những xưởng thủ công nhỏ lẻ, những cửa hàng gia đình manh nha trong những năm đầu hậu chiến, cho đến các tập đoàn tư nhân đa ngành nghìn tỷ vươn ra khu vực và quốc tế. Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của họ phổ biến khắp mọi nơi, được nhiều thế hệ người Việt Nam tin dùng. Đó là hành trình bền bỉ, khẳng định mạnh mẽ vai trò là động lực quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đồng Tâm - từ cơ sở nhỏ đến thương hiệu quốc gia; Petrovietnam - gã khổng lồ năng lượng của Việt Nam; Thiên Long - "thành công vì tin vào người khác"hay Nhạy bén trước thay đổi của thị trường - Biti's khẳng định vị thế hàng Việt; Petrovietnam đổi tên - mặt trời mới mọc trên vai tập đoàn quốc gia... là những câu chuyện truyền cảm hứng mạnh mẽ về sự vươn lên mạnh mẽ của nhiều doanh nghiệp sau ngày giải phóng. Họ không chỉ làm chủ thị trường trong nước mà còn khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế. Hành trình phát triển của họ là minh chứng sống động cho tinh thần đổi mới, sáng tạo và khát vọng vươn lên của dân tộc Việt Nam.

Đồng Tâm - từ cơ sở nhỏ đến thương hiệu quốc gia

Ngày 25/6/1969, giữa lòng Sài Gòn hoa lệ, cơ sở sản xuất gạch bông Đồng Tâm chính thức khai sinh dưới bàn tay gây dựng của ông Võ Thành Lân.

Từ những viên gạch thủ công đầu tiên, Đồng Tâm đã thầm lặng góp phần làm nên diện mạo mới cho nhiều công trình biểu tượng của thành phố như Bệnh viện Chợ Rẫy, cư xá Thanh Đa, Y viện Phước Kiến (nay là Bệnh viện Nguyễn Trãi).

Ông Võ Quốc Thắng cầm những viên gạch đầu tiên ra lò từ dây chuyền sản xuất nhập khẩu. Ảnh: Dongtam Group

Ông Võ Quốc Thắng cầm những viên gạch đầu tiên ra lò từ dây chuyền sản xuất nhập khẩu. Ảnh: Dongtam Group

Trong giai đoạn trước năm 1975, gạch bông Đồng Tâm được xem như “hàng hiệu” của giới thượng lưu, xuất hiện trong các biệt thự, khách sạn và công trình lớn, biểu trưng cho sự tinh tế và đẳng cấp.

Tuy nhiên, lịch sử không bao giờ phẳng lặng. Sau ngày đất nước thống nhất, hoạt động xây dựng tại trung tâm Sài Gòn gần như đóng băng. Cùng với đó, cơ sở Đồng Tâm buộc phải sáp nhập vào Tổ hợp Đồng Hiệp theo cơ chế bao cấp.

Nhưng, chính trong khúc quanh tưởng chừng tối tăm đó, hạt mầm hồi sinh âm thầm nảy nở. Năm 1986, khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới, ông Võ Quốc Thắng - người con trai kế tục sự nghiệp của ông võ Thành Lân - quyết tâm tái lập Đồng Tâm từ con số gần như bằng không, chỉ với 4 công nhân. Anh thợ trẻ năm xưa, vừa làm thợ, vừa làm chủ, vừa bán hàng, đã chứng minh rằng: Nếu biết đổi mới tư duy và dấn thân, tư nhân Việt Nam hoàn toàn có thể vực dậy và khẳng định mình.

Nhà máy gạch bông Đồng Tâm tại TP. HCM năm 1993. Ảnh: Dongtam Group

Nhà máy gạch bông Đồng Tâm tại TP. HCM năm 1993. Ảnh: Dongtam Group

Với tầm nhìn chiến lược, ông Thắng đã đưa Đồng Tâm không chỉ trở lại sản xuất gạch bông mà còn mạnh dạn mở rộng sản phẩm: Ván trang trí, tôn lợp, ngói màu, đặc biệt là tiên phong sản xuất gạch men ceramic - loại vật liệu xây dựng vốn trước đó phải nhập ngoại.

Cột mốc 1996 ghi dấu bước chuyển mình quan trọng khi Đồng Tâm ra đời dòng gạch men cao cấp đầu tiên trong nước, mở ra thời kỳ phát triển thần tốc. Sản phẩm Đồng Tâm nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường nội địa và vươn ra quốc tế.

Đến năm 2019, Đồng Tâm Group đã sở hữu hơn 3.500 cán bộ công nhân viên, vận hành 8 nhà máy, 14 công ty thành viên, 4 công ty liên kết, cùng hệ thống phân phối rộng khắp từ Bắc tới Nam. Không chỉ vậy, sản phẩm Đồng Tâm còn hiện diện tại 29 quốc gia, góp phần ghi dấu ấn doanh nghiệp Việt trên bản đồ vật liệu xây dựng thế giới.

Ngày nay, trên khắp đất nước, sản phẩm Đồng Tâm hiện diện khắp đó đây từ trong nhà dân cho đến các công trình lớn ở Đà Lạt, Sapa, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Huế, Hội An... Ảnh: Thành Nguyễn

Ngày nay, trên khắp đất nước, sản phẩm Đồng Tâm hiện diện khắp đó đây từ trong nhà dân cho đến các công trình lớn ở Đà Lạt, Sapa, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Huế, Hội An... Ảnh: Thành Nguyễn

Ngày nay, trên khắp đất nước, sản phẩm Đồng Tâm hiện diện khắp đó đây từ nhà dân cho đến các công trình lớn ở Đà Lạt, Sapa, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Huế, Hội An... Đồng Tâm không chỉ là câu chuyện của một thương hiệu gạch. Đồng Tâm là câu chuyện về nghị lực, về niềm tin vào kinh tế tư nhân trong công cuộc tái thiết đất nước sau chiến tranh.

Thiên Long - "thành công vì tin vào người khác"

Cùng với thương hiệu Đồng Tâm, Thiên Long - thương hiệu bút bi quen thuộc với hàng triệu người Việt cũng là một câu chuyện truyền cảm hứng về khát vọng vươn lên.

Năm 1981, khi đất nước còn bộn bề khó khăn, ông Cô Gia Thọ ở Sài Gòn đã khởi nghiệp chỉ với hai chỉ vàng, cùng khát vọng sản xuất bút bi “made in Vietnam”. Từ xưởng nhỏ tại Quận 6 với vỏn vẹn 20 công nhân, ông Thọ không chỉ chế tạo ra những cây bút đầu tiên, mà còn khởi dựng một niềm tin: Người Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ sản phẩm, phục vụ nhu cầu trong nước, thay thế hàng nhập ngoại khan hiếm và đắt đỏ.

Thiên Long - thương hiệu bút bi quen thuộc với hàng triệu người Việt cũng là một câu chuyện truyền cảm hứng về khát vọng vươn lên. Ảnh: Tập đoàn Thiên Long

Thiên Long - thương hiệu bút bi quen thuộc với hàng triệu người Việt cũng là một câu chuyện truyền cảm hứng về khát vọng vươn lên. Ảnh: Tập đoàn Thiên Long

Không chọn con đường dễ dàng, ông Thọ đích thân đạp xe khắp các nẻo đường Sài Gòn, vừa bán hàng, vừa lắng nghe thị trường. Chính sự kiên trì, tận tâm ấy đã biến Thiên Long từ cái tên vô danh trở thành lựa chọn hàng đầu của học sinh, sinh viên, cán bộ văn phòng suốt những năm tháng gian khó.

Bước ngoặt lớn đến vào năm 1996 khi Công ty TNHH Thiên Long chính thức được thành lập. Với tư duy hiện đại, Thiên Long không ngừng đổi mới công nghệ, đầu tư dây chuyền sản xuất, thành lập phòng R&D, xây dựng nhà máy hiện đại tại Khu công nghiệp Tân Tạo năm 2000, từng bước chuyên nghiệp hóa mọi khâu từ sản xuất đến quản trị chất lượng.

Năm 2005, Thiên Long chuyển đổi thành công ty cổ phần với vốn điều lệ 100 tỷ đồng, và năm 2010 chính thức niêm yết trên HOSE với mã TLG - đánh dấu sự trưởng thành về quản trị minh bạch, sẵn sàng đón nhận chuẩn mực quốc tế - Ảnh: Tập đoàn Thiên Long

Năm 2005, Thiên Long chuyển đổi thành công ty cổ phần với vốn điều lệ 100 tỷ đồng, và năm 2010 chính thức niêm yết trên HOSE với mã TLG - đánh dấu sự trưởng thành về quản trị minh bạch, sẵn sàng đón nhận chuẩn mực quốc tế - Ảnh: Tập đoàn Thiên Long

Năm 2005, Thiên Long chuyển đổi thành công ty cổ phần với vốn điều lệ 100 tỷ đồng, và năm 2010 chính thức niêm yết trên HOSE với mã TLG - đánh dấu sự trưởng thành về quản trị minh bạch, sẵn sàng đón nhận chuẩn mực quốc tế.

Hôm nay, sau hơn 40 năm, Thiên Long đã vươn lên trở thành nhà sản xuất văn phòng phẩm lớn nhất Việt Nam, chiếm 60% thị phần nội địa. Năm 2024, doanh thu lũy kế 11 tháng đầu năm đạt trên 3.400 tỷ đồng, trong đó doanh thu xuất khẩu tăng mạnh 21% so với cùng kỳ, mở rộng tới hơn 65 quốc gia.

Không chỉ là những con số ấn tượng, điều Thiên Long gây dựng được còn lớn hơn: đó là niềm tin. “Tôi thành công vì tôi tin vào người khác” - ông Cô Gia Thọ chia sẻ. Niềm tin ấy tạo nên đội ngũ hơn 5.000 lao động gắn bó, tạo nên một hệ sinh thái sản phẩm đa dạng và bền vững, một thương hiệu Việt Nam vững vàng giữa làn sóng toàn cầu hóa.

Con đường từ một xưởng bút nhỏ ven kênh Tàu Hủ năm nào đến một “ông lớn” ngành văn phòng phẩm hôm nay là minh chứng thuyết phục rằng: khi doanh nghiệp Việt dám mơ lớn và hành động bài bản, thì không gì là không thể - Ảnh: Tập đoàn Thiên Long

Con đường từ một xưởng bút nhỏ ven kênh Tàu Hủ năm nào đến một “ông lớn” ngành văn phòng phẩm hôm nay là minh chứng thuyết phục rằng: khi doanh nghiệp Việt dám mơ lớn và hành động bài bản, thì không gì là không thể - Ảnh: Tập đoàn Thiên Long

Câu chuyện Thiên Long cũng là một thông điệp thời sự: Trong bối cảnh kinh tế hội nhập sâu rộng, doanh nghiệp Việt chỉ có thể trường tồn khi lấy nội lực làm gốc, lấy chữ tín làm kim chỉ nam, và lấy đổi mới sáng tạo làm sức bật. Con đường từ một xưởng bút nhỏ ven kênh Tàu Hủ năm nào đến một “ông lớn” ngành văn phòng phẩm hôm nay là minh chứng thuyết phục rằng: Khi doanh nghiệp Việt dám mơ lớn và hành động bài bản, thì không gì là không thể.

Nhạy bén trước thay đổi của thị trường - Biti's khẳng định vị thế hàng Việt

Ra đời năm 1982 tại Quận 6, TP. Hồ Chí Minh, sau hơn 40 năm, Biti’s - tên đầy đủ là Công ty Sản xuất Hàng tiêu dùng Bình Tiên không đơn thuần là câu chuyện kinh doanh thành công, mà còn là biểu tượng cho tinh thần bền bỉ, tự lực tự cường của doanh nghiệp vươn lên sau chiến tranh.

Từ một xưởng nhỏ sản xuất dép cao su, Biti’s đã vượt qua loạt sóng gió - từ cơ chế thị trường cạnh tranh khốc liệt với hàng ngoại nhập cho đến thách thức toàn cầu hóa để khẳng định vị thế “nâng niu bàn chân Việt”.

Đáng chú ý, trong quá trình hơn 40 năm xây dựng thương hiệu, thương hiệu Biti’s không chạy đua sản xuất số lượng ồ ạt, doanh nghiệp này chọn lối đi “nhỏ mà tinh”, tập trung cải tiến sản phẩm, đầu tư chiều sâu công nghệ, đa dạng hóa thị trường. Đây chính là tư duy quản trị được đa số doanh nghiệp lựa chọn trong những năm gần đây: Phát triển thị trường bền vững, không đánh đổi chất lượng lấy số lượng, đặt giá trị thương hiệu làm cốt lõi, thay vì lợi nhuận trước mắt.

Một trong những điểm sáng của Biti’s là sự nhạy bén trước thay đổi của thị trường và người tiêu dùng. Từ những sản phẩm truyền thống như dép quai hậu, Biti’s đã mạnh dạn đầu tư vào các dòng giày thời trang, thể thao cao cấp, hợp tác với các nghệ sĩ trẻ, “làm mới” hình ảnh thương hiệu mà không đánh mất bản sắc. Đây là chiến lược đổi mới sáng tạo mà bất kỳ doanh nghiệp Việt nào cũng cần học hỏi để không bị tụt lại.

Câu chuyện thành công của Biti’s cho thấy: Để doanh nghiệp tư nhân vững mạnh, cần sự kiên trì từ bản thân doanh nghiệp, nhưng cũng rất cần một môi trường thể chế thuận lợi - nơi doanh nghiệp được trao quyền tự chủ thực sự, được tiếp cận nguồn lực công bằng, và được khuyến khích đổi mới sáng tạo. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, do vậy, không thể chỉ dừng lại ở khẩu hiệu, mà phải được thể chế hóa thành các chương trình hành động cụ thể, dài hạn và bền vững.

Câu chuyện Petrovietnam - mặt trời mới mọc trên vai tập đoàn quốc gia

Ngày 9/4/2025, cái tên “Tập đoàn Dầu khí Việt Nam” - gắn liền với gần nửa thế kỷ hình thành và phát triển - chính thức khép lại hành trình của mình. Thay vào đó, một cái tên mới xuất hiện trên bản đồ kinh tế quốc gia: “Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam”.

Một sự thay đổi có vẻ kỹ thuật, tưởng chừng như chỉ là câu chuyện “thay biển hiệu”, nhưng thực chất là lời tuyên bố rõ ràng về một cuộc xoay trục chiến lược tầm quốc gia trong bối cảnh toàn cầu đang dịch chuyển mạnh mẽ sang năng lượng sạch và bền vững.

Petrovietnam không phải là một doanh nghiệp bình thường mà đã trở thành biểu tượng. Từ giếng dầu Bạch Hổ những năm 1980, đến những dàn khoan trên Biển Đông, từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất đến chuỗi điện - khí - đạm trải dài cả nước, tập đoàn này đã đóng vai trò như “bàn tay kiến tạo” trong công cuộc công nghiệp hóa của Việt Nam. Không ngoa khi nói, Petrovietnam là “doanh nghiệp quốc gia mang sứ mệnh lịch sử”.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trao quyết định đổi tên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam. Ảnh: Cấn Dũng

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trao quyết định đổi tên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam. Ảnh: Cấn Dũng

Thập niên 1990, khi đất nước còn thiếu điện, thiếu xăng, Petrovietnam bước vào cuộc chơi hạ tầng năng lượng. Năm 2009, họ vận hành Dung Quất - nhà máy lọc dầu đầu tiên - biến Việt Nam từ nước 100% nhập khẩu xăng dầu thành quốc gia có chủ quyền năng lượng từng phần. Giai đoạn 2010 - 2020, trong khi nhiều doanh nghiệp quốc doanh trượt dài vì quản trị yếu kém, Petrovietnam vẫn là điểm sáng khi đóng góp trên 20% ngân sách Nhà nước trong nhiều năm liên tiếp.

Tuy nhiên, 5 năm trở lại đây, thế giới xoay trục. Các tập đoàn dầu khí lớn đang đầu tư hàng chục tỷ USD vào năng lượng tái tạo, pin lưu trữ, carbon capture (thu giữ carbon), công nghiệp hydro. Chính vì vậy, tên mới, sứ mệnh mới, Petrovietnam không chỉ là một tập đoàn dầu khí, năng lượng truyền thống, mà là trung tâm của công nghiệp, dịch vụ và trụ cột năng lượng quốc gia - mang trong mình sứ mệnh phát triển bền vững, đổi mới công nghệ, đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam.

Một vài câu chuyện kể trên là minh chứng rõ ràng nhất cho sự vươn mình của các doanh nghiệp sau ngày giải phóng. Sau ngày 30/4/1975, các doanh nghiệp như được tiếp thêm sức mạnh từ những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để chuyển mình mạnh mẽ. Hành trình của họ cho thấy tầm quan trọng của việc đổi mới tư duy, đầu tư vào công nghệ và chú trọng phát triển nguồn nhân lực.

Nhìn lại chặng đường 50 năm sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, có thể thấy rằng các doanh nghiệp Việt Nam đã không ngừng nỗ lực, vượt qua khó khăn để vươn lên mạnh mẽ. Với tinh thần đổi mới và khát vọng phát triển, các doanh nghiệp này sẽ tiếp tục đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Còn nữa...

Từ những xưởng thủ công nhỏ lẻ, những cửa hàng gia đình manh nha trong những năm đầu hậu chiến, cho đến các tập đoàn tư nhân đa ngành nghìn tỷ vươn ra khu vực và quốc tế ngày nay đó là hành trình bền bỉ, khẳng định mạnh mẽ vai trò là động lực quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nhóm Phóng viên

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doanh-nghiep-viet-nua-the-ky-vuon-minh-bai-1-hanh-trinh-cua-nhung-thuong-hieu-nghin-ty-385536.html