Doanh nghiệp Việt phải làm gì trước quy định chống phá rừng của EU?
Mới đây, Liên minh châu Âu đã đưa ra quy định chống phá rừng (EUDR), theo đó, những sản phẩm như cà phê, ca cao, gỗ và cao su... nếu xuất xứ từ vùng đất có rừng bị tàn phá, suy thoái sau ngày 31/12/2020 sẽ không được xuất khẩu (XK) vào thị trường EU.
Trước những yêu cầu của thị trường, để XK bền vững doanh nghiệp (DN) Việt cần chủ động tìm các phương án, công cụ đáp ứng quy định, đồng thời tạo lợi thế cạnh tranh trong chinh phục thị trường.
Là doanh nghiệp (DN) đầu tiên của Việt Nam vừa được cấp chứng nhận tuân thủ EUDR, ông Lê Thanh Sơn, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco DakLak) cho biết, EUDR là quy định rất ngặt nghèo đối với những DN XK vào châu Âu. Hiện nay, châu Âu đưa ra những yêu cầu rất khắt khe về phát triển bền vững, đặc biệt là hai tiêu chí: Chống phá rừng và chống phát thải carbon. Nếu một DN ở châu Âu vi phạm nhập khẩu từ 1 đơn vị không đáp ứng được điều kiện này thì mức phạt rất cao, lên đến 4% trên tổng doanh thu của công ty trong 1 năm. Do đó các DN nước ngoài rất quan tâm đến EUDR.
Theo phân tích của giới chuyên gia, EUDR có thể ảnh hưởng đến 12 sản phẩm nông nghiệp. Về vấn đề này, bà Trần Như Trang, đại diện quốc gia Chương trình Xúc tiến Nhập khẩu Thụy Sỹ (SIPPO) cho rằng, những quy định hiện nay của EU đưa ra có thể DN chưa hình dung ra yêu cầu cụ thể của họ là gì và thực sự chứng minh được yêu cầu này, đây là quá trình khó khăn và gian nan và là thách thức của DN.
Xu hướng ở châu Âu cho thấy, điều đầu tiên khiến khách mua hàng tìm đến DN là DN có đủ các loại chứng chỉ, chứng nhận, đáp ứng các tiêu chí của thị trường nhập. Điều đó cho thấy, nếu DN và các nhà XK Việt Nam chủ động nắm bắt cơ hội và chuẩn bị sẵn sàng thì việc XK bền vững, chiếm ưu thế tại thị trường là rất lớn. Đề nghị các cơ quan hữu quan có chính sách, chỉ đạo để DN có thể được tiếp cận, làm việc với các lãnh đạo các địa phương có vùng trồng để đáp ứng được những tiêu chí trên. Đồng thời, ông Sơn cho rằng, XK cà phê hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào thị trường châu Âu. Do đó, đề nghị Bộ Công Thương tập trung xúc tiến thương mại nhiều hơn vào các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản. Cần làm trọng tâm để cà phê Việt Nam bớt phụ thuộc lớn vào thị trường châu Âu vì không phải DN nào XK cà phê cũng đều đáp ứng được các tiêu chí phát thải carbon và EUDR của châu Âu.
Ở góc độ địa phương, ông Lưu Văn Khôi, Giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk cho biết, cà phê Đắk Lắk XK đến hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó Nhật Bản hiện là thị trường lớn nhất, với kim ngạch chiếm khoảng 10% kim ngạch XK cà phê của tỉnh, tiếp sau là các thị trường Italia, Thụy Sỹ, Đức, Nga, Hà Lan... Để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm cà phê XK, Sở Công Thương Đắk Lắk cho rằng, cần hỗ trợ các DN trong việc truy xuất nguồn gốc theo chuỗi cung ứng phù hợp với quy định không gây mất rừng (EUDR) của Liên minh châu Âu và cà phê là một trong 3 mặt hàng của Việt Nam nằm trong nhóm 7 mặt hàng nông sản chịu sự kiểm soát của EUDR.
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú cho biết, Simexco DakLak đã có chứng chỉ chứng nhận đầu tiên về EUDR, đây thực sự là một dấu ấn rất quan trọng trong việc phát triển thị trường, đặc biệt là tuân thủ những tiêu chuẩn mới của EU. Các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ cũng sẽ theo EU bởi đây là xu thế tất yếu trong chuyển đổi xanh, giảm thải carbon, hướng đến phát triển bền vững.
Do vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn DN, hợp tác xã, hộ nông dân đẩy mạnh sản xuất theo hướng bền vững, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng kênh phân phối, khai thác các kênh thương mại điện tử, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá thương hiệu và bảo hộ nhãn hiệu, nâng cao sức cạnh tranh, đảm bảo đáp ứng yêu cầu và quy định ngày càng khắt khe của các thị trường XK, để tiến sâu hơn trong chuỗi cung ứng, phân phối toàn cầu.