Doanh nghiệp Việt phải tuân thủ 'luật chơi' để tăng trưởng xanh và phát triển bền vững
Ông Quách Quang Đông- Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương vừa có chia sẻ nhiều vấn đề liên quan đến tăng trưởng xanh...
Phát triển bền vững không chỉ là xu thế mà còn là một yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp Việt Nam muốn vươn ra thị trường thế giới. Để doanh nghiệp Việt Nam vươn mình ra thế giới, khẳng định được thương hiệu, mới đây, tại tọa đàm "Tăng trưởng xanh - Xu thế toàn cầu, sự lựa chọn tất yếu" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, ông Quách Quang Đông - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương đã có những chia sẻ về vấn đề này.
Doanh nghiệp Việt Nam muốn vươn mình ra thế giới, khẳng định thương hiệu Việt cần phải nhận thức rõ tính tất yếu của quá trình phát triển xanh, bền vững. Nhận định của ông về quan điểm trên như thế nào và xin ông chia sẻ rõ hơn về vai trò dẫn dắt của ngành Công Thương trong thực hiện mục tiêu phát triển xanh của nước ta thời gian qua?
Tôi hoàn toàn đồng tình với nhận định và đánh giá về xu thế, bối cảnh chúng ta áp dụng các rào cản kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu về môi trường, về biến đổi khí hậu cũng như phát triển bền vững. Hiện nay, Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Vương quốc Anh và Bắc Ireland… Những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới này đều có cam kết về tỉ lệ xóa bỏ những thuế quan nhập khẩu đối với những nước tham gia Hiệp định có thể lên đến 100%. Điều này sẽ tạo ra thách thức đối với những nước phát triển trong việc bảo vệ nền sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh về giá thành sản xuất từ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, vốn có lợi thế về giá nhân công thấp hơn, chi phí năng lượng thấp hơn cũng như những tiêu chuẩn về môi trường.
Do đó, điều này cũng đặt ra những khó khăn, thách thức đối với các nước phát triển. Họ dựng lên và áp dụng thêm hàng rào kỹ thuật, trong đó có liên quan đến những yếu tố như chất lượng hàng hóa, xuất xứ nguồn gốc hay những tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường. Từ đó, hạn chế sản phẩm giá rẻ từ những nước đang phát triển. Với những mức thuế nhập khẩu tại các nước tham gia Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới có thể về đến 0 phần trăm, đây sẽ là cơ hội rất lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam muốn vươn ra thế giới.
Tuy nhiên, song hành với quá trình này, các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải quyết liệt đổi mới tư duy, dổi mới chiến lược để đáp ứng những yêu cầu về phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. Nghĩa là phải lưu ý các yếu tố liên quan đến chất lượng hàng hóa và những tiêu chuẩn về môi trường và chúng ta phải tuân thủ luật chơi của các nước phát triển. Ở đây chúng ta phải tranh thủ những lợi thế quốc gia như chi phí nhân công vẫn đủ ở mức cạnh tranh được.
Để hỗ trợ các chương trình chuyển đổi của các doanh nghiệp theo hướng xanh và bền vững, Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng và triển khai nhiều chương trình hỗ trợ trực tiếp như chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giai đoạn 2019-2030, Chương trình quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững, giai đoạn 2021-2030 cũng như Kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh đến năm 2030 có tính đến năm 2050. Các chương trình này nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi theo hướng sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, nguyên nhiên liệu, năng lượng cũng như tiến đến phát thải thấp trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Qua đây, chúng tôi cũng muốn gửi thông điệp đến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hãy nỗ lực, tích cực và kiên trì đổi mới, chuyển đổi theo hướng xanh, bền vững; xây dựng chiến lược phát triển dài hạn đồng thời tiếp tục đồng hành và hưởng ứng, hỗ trợ những chương trình của Chính phủ và Bộ Công Thương.
Dưới góc nhìn của ngành Công Thương, xin ông chia sẻ thêm những khó khăn thách thức chính sách là gì, từ cấp vĩ mô đến vi mô?
Ở góc độ của ngành Công Thương, chúng tôi thấy có một số khó khăn, thách thức cơ bản như sau:
Thứ nhất là về cơ chế, chính sách, chúng ta cần có những nhận định, phân tích, đánh giá, đồng thời phải có sự ghi nhận, cổ vũ và hỗ trợ để tăng cường nhận thức và định hướng cho việc tiêu dùng và sản xuất bền vững, hướng tới hàng hóa, dịch vụ xanh, sạch. Cần tạo động lực cho doanh nghiệp đi đầu, tiên phong, giữ những vị trí đầu tàu, dẫn dắt, từ đó lan tỏa để thu hút các doanh nghiệp khác đi theo.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ, các bộ, ngành cần bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách đáp ứng với bối cảnh, tình hình mới của thế giới, đồng thời bảo vệ những lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển và hạn chế rủi ro. Tăng cường hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành cũng như giữa Trung ương và địa phương.
Thứ hai, hiện nay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, để phát triển theo hướng xanh, bền vững thì việc thay đổi, chuyển đổi cũng như nâng cao, cải thiện dây chuyền công nghệ sản xuất là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc này cũng đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, do đó để hỗ trợ các doanh nghiệp, Chính phủ cần phát huy, hỗ trợ để khai thác tối đa nguồn lực trong nước và quốc tế, trong đó có những nguồn tài chính mới như tài chính xanh hoặc thị trường carbon để thêm nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển.
Thứ ba là tầm nhìn và chiến lược của một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn hạn chế, vẫn mang tính thời vụ, ngắn hạn và trước mắt. Do đó để chuyển đổi theo hướng xanh, bền vững, vươn mình ra thế giới, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có tầm nhìn chiến lược, dài hạn, bảo đảm lợi ích lâu dài, bảo đảm tính cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa và đáp ứng xu thế chung của toàn cầu. Nếu chúng ta không thực hiện điều này thì việc chuyển đổi sẽ trở thành xa vời.
Tăng trưởng xanh là một yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp muốn phát triển bền vững. Chúng ta đã bàn sâu về những khó khăn, thách thức, vậy giải pháp đặt ra là gì, thưa ông?
Theo tôi, tính tất yếu của xu hướng này được thể hiện trong mọi khía cạnh từ kinh tế, xã hội, môi trường, về yêu cầu của cách mạng 4.0 cũng như bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam muốn vươn mình ra thế giới thì phải nhận thức một cách sâu sắc và bảo đảm chiều hướng này để làm sao đưa doanh nghiệp phát triển một cách dài hạn và có chiến lược. Điều này chúng ta yêu cầu các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, quá trình cung ứng dịch vụ phải tính đến các yếu tố về giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, đến giảm phát thải, đến các yếu tố về phát huy nguồn lực, đổi mới công nghệ, sáng tạo và không ngừng nâng cao sức cạnh tranh cũng như khả năng hạn chế rủi ro và chống chịu, nhận thức thấu đáo và áp dụng kinh tế tuần hoàn trong quá trình sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ và tăng cường hội nhập và trách nhiệm đối với toàn cầu.