Doanh nghiệp Việt và áp lực chi phí sản xuất
Sau tác động lần 2 của dịch Covid-19, việc tái cấu trúc bộ máy, áp dụng mô hình quản lý tinh gọn để thoát khỏi áp lực chi phí sản xuất đối với các doanh nghiệp Việt càng đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết.
Kết quả khảo sát mới đây của Tổng cục Thống kê đối với các doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực xây dựng cho thấy tổng chi phí sản xuất kinh doanh trên một đơn vị sản phẩm xây dựng sẽ có xu hướng tăng trong quý IV/2020 so với quý III/2020 (có 43,8% DN dự báo tăng).
Vẫn lo chi phí gia tăng
Theo các DN ngành xây dựng thì chi phí nguyên, vật liệu trực tiếp dùng cho hoạt động sản xuất luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng chi phí sản xuất của họ.
Như hồi quý III/2020, tỷ lệ chi phí nguyên, vật liệu trực tiếp cho hoạt động xây dựng chiếm 51,9% trong tổng chi phí sản xuất kinh doanh của các DN xây dựng và tỷ lệ này có xu hướng tăng so với quý II/2020.
Ngoài ra, chi phí nhân công trực tiếp trên một đơn vị sản phẩm xây dựng chiếm tỷ trọng lớn thứ hai sau chi phí nguyên, vật liệu trực tiếp với 14,5% tổng chi phí sản xuất kinh doanh của các DN xây dựng.
Có 36,9% DN được khảo sát cho biết chi phí nhân công trực tiếp trong quý III/2020 đã tăng so với quý trước đó. Và có 39,3% DN xây dựng dự báo chi phí nhân công trong quý IV/2020 sẽ tăng so với quý III/2020.
Ngoài ra, cũng theo kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê với các DN ngành chế biến, chế tạo thì có 89,7% DN dự báo chi phí SX cho một đơn vị sản phẩm chính tăng và giữ ổn định trong quý IV/2020 so với quý trước đó.
Tuy vậy, có vài ngành được dự báo chi phí sản xuất trong quý IV/2020 sẽ giảm nhiều nhất so với quý III/2020, gồm: Sản xuất đồ uống, sản xuất xe có động cơ, sản xuất kim loại, sản xuất da và các sản phẩm có liên quan, sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy…
Có thể thấy, tác động của dịch Covid-19 ở Việt Nam lần 1, rồi lần 2 như vừa qua khiến cho việc gia tăng chi phí sản xuất là một trong những áp lực lớn đối với các DN Việt hiện nay, nhất là với các DN vừa và nhỏ. Điều này đòi hỏi các DN cần sớm tái cấu trúc sản xuất, áp dụng mô hình quản lý tinh gọn để kéo giảm chi phí sản xuất.
Anh Nguyễn Ngọc Hà, giám đốc một công ty xây dựng ở Đồng Nai, cho biết DN của anh từng vấp phải những khó khăn, sai lầm và đối mặt với nguy cơ phá sản. Nhưng từ cách đây 2 năm, nhờ tái cấu trúc DN, nhất là áp dụng mô hình quản lý DN tinh gọn để vừa kéo giảm chi phí vừa gia tăng năng xuất nên trong hai đợt dịch Covid-19 thì công ty đã vượt qua khó khăn rất lớn.
Do đó, theo anh Hà, trước khó khăn từ dịch Covid-19 thì càng đòi hỏi các DN xây dựng cũng cần phải phát triển chuyên nghiệp, linh hoạt, nhất là tinh gọn bộ máy để thích ứng với những thay đổi mới trên thị trường.
Một số thông tin mới đây cũng cho thấy đang có những DN Việt thể hiện sự hiệu quả từ việc dùng đến giải pháp quản lý sản xuất tinh gọn (Lean) để kéo giảm chi phí. Chẳng hạn như Công ty TNHH Thắng Lợi (Vico) hoạt động trong lĩnh vực cơ khí chế tạo sau 5 năm áp dụng giải pháp quản lý Lean thì năng suất lao động tăng từ 20-25%.
Có “tinh gọn” được không ?
Hoặc như một công ty trong lĩnh vực sản xuất công nghệ kỹ thuật cao tại quận 9 (Tp.HCM) là một trong những doanh nghiệp đã triển khai Lean thành công từ cách đây 7 năm nhờ biết cách ứng dụng linh hoạt, đã giúp tăng năng suất DN từ 10 – 15%.
Thực ra, giải pháp quản lý sản xuất tinh gọn nêu trên (xuất phát từ một tập đoàn ô tô ở Nhật Bản) đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới nhưng số DN Việt áp dụng giải pháp này còn khá khiêm tốn.
Trong khi đó, đây là giải pháp nhằm loại bỏ lãng phí và những bất hợp lý trong quá trình sản xuất, để có chi phí thấp hơn và tính cạnh tranh cao hơn đối thủ của người sản xuất.
Mô hình giải pháp Lean có 3 cấp độ là “Sản xuất tinh giản” (Lean Manufacturing), “DN tinh gọn” (Lean Enterprise) và “Tư duy tinh gọn” (Lean Thinking). Vài năm trước, nhiều DN ở Việt Nam trong các ngành da giày, dệt may, điện – điện tử…đã áp dụng mô hình này nhưng chỉ có khoảng 2% DN thành công.
Trên thực tế, hiện tại đa phần DN Việt vẫn còn đang loay hoay trong cấp độ đầu tiên của ứng dụng “Sản xuất tinh giản”, rất ít DN tiến đến giai đoạn “DN tinh gọn” hoặc “Tư duy tinh gọn”.
Nguyên nhân được chỉ ra là vì nhiều DN Việt chưa hiểu đúng về giải pháp này. Trong khi đó, tại Việt Nam, chi phí ẩn và lãng phí trong vận hành DN có thể chiếm tới 40% tổng doanh thu. Nếu như DN hiểu đúng và áp dụng đúng về sản xuất tinh gọn như Lean thì sẽ là cách giảm thiểu chi phí ẩn hiệu quả nhất.
Trước những lo lắng về chi phí gia tăng hậu Covid-19 lần 2 của các DN trong ngành công nghiệp chế biến như kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng các chủ DN phải suy nghĩ sáng tạo, thay đổi tư duy để có thể áp dụng đúng mô hình quản lý tinh gọn để kéo giảm chi phí sản xuất.
Nhất là các DN cần phải thay đổi mô hình quản lý phù hợp với những thách thức trong sản xuất kinh doanh đối với DN của mình. Muốn trụ vững giữa khó khăn thì chủ DN phải sẵn sàng để thay đổi và có tầm nhìn dài hạn để chi phí sản xuất của DN không là áp lực quá lớn.