Doanh nghiệp Việt vẫn lận đận trong hành trình logistics xanh

Khi tham gia quá trình logistics xanh, doanh nghiệp Việt Nam phải giải quyết bài toán về nhận thức, thói quen cũng như hạ tầng, chi phí, lựa chọn công nghệ.

Logistics xanh – lá chắn kinh tế giữa bối cảnh biến động

Logistics xanh (hậu cần xanh) được giải nghĩa là hoạt động logistics hướng đến các mục tiêu bền vững, thân thiện và bảo vệ môi trường, giảm tối đa tác động tiêu cực đến môi trường.

Thông qua việc đầu tư vào phương tiện vận tải tiết kiệm nhiên liệu, sử dụng container thông minh, tối ưu lộ trình, số hóa quản lý kho bãi, logistics xanh còn hỗ trợ doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí dài hạn.

“Khi giá dầu, giá vận chuyển luôn biến động, đây là “lá chắn kinh tế” rất cần thiết”, ông Trần Thanh Hải, Cục phó Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, nhấn mạnh tại Diễn đàn Logistics xanh do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều ngày 11/7.

Theo ông Hải, trước xu hướng phát triển bền vững của toàn cầu, logistics xanh đang trở thành tiêu chuẩn mới của thị trường xuất khẩu và yêu cầu của khách hàng, trong đó, thị trường lớn châu Âu đã triển khai cơ chế CBAM – đánh thuế carbon lên hàng nhập khẩu có phát thải cao.

Đặc biệt, sở hữu chứng chỉ xanh, doanh nghiệp đang tạo cho mình lợi thế cạnh tranh vượt trội trong thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho biết, tại Việt Nam, ngành logistics đang tạo nhiều điều kiện thuận lợi khi Đảng, Nhà nước rất quan tâm đầu tư và mở rộng hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông với hệ thống đường cao tốc trọng điểm giúp doanh nghiệp vận tải tiết kiệm thời gian, chi phí vận chuyển.

Ngành logistics đang đón nhận cơ hội lớn khi Việt Nam đang trở thành một trong những quốc gia bùng nổ thương mại điện tử. Dữ liệu cho thấy năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam đạt 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm trước.

Phát triển logistics xanh không còn là xu hướng mà dần trở thành yêu cầu tất yếu. Ảnh: Hoàng Anh

Phát triển logistics xanh không còn là xu hướng mà dần trở thành yêu cầu tất yếu. Ảnh: Hoàng Anh

Đồng quan điểm, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công khẳng định, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là yêu cầu tất yếu, không thể đảo ngược và là xu thế chung toàn cầu trong giai đoạn hiện nay.

Khảo sát của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững của VCCI đã chỉ ra rằng, chuyển đổi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị theo hướng bền vững hơn là một trong những xu thế mà cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đang rất quan tâm và dành nhiều ưu tiên. Theo đó, quản lý chuỗi cung ứng xanh gắn liền với quản trị các mắt xích của nó, bao gồm thiết kế xanh, sản xuất xanh, vận hành xanh, thu mua xanh, logistics xanh, quản lý chất thải…

Ông Công nhấn mạnh, khi các mắt xích đó đều xanh thì doanh nghiệp sẽ có thể nâng cao năng lực vận hành, đồng thời hình thành nên hệ sinh thái xanh, bền vững xoay quanh doanh nghiệp, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh và gia tăng khả năng thích ứng, chống chịu, phục hồi của doanh nghiệp trước các cú sốc của thị trường.

Từ những yêu cầu chung của chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay, phát triển logistics xanh không còn là xu hướng mà dần trở thành yêu cầu tất yếu với các hoạt động xuyên suốt từ khâu mua nguyên vật liệu, sản xuất, phân phối, giao hàng, xử lý phế thải, với toàn bộ chu kỳ sống của sản phẩm.

Nghị quyết số 163/NQ-CP của Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam cũng đã xác định “phát triển logistics gắn với chuỗi cung ứng bền vững”.

Gian nan hành trình chuyển đổi

Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư và xây dựng Phúc Khang cho biết, trong bối cảnh Việt Nam cam kết mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và ngày càng hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là khối vừa và nhỏ, đang đối mặt với áp lực ngày càng lớn trong quá trình chuyển đổi xanh và phát triển chuỗi cung ứng bền vững.

Tuy nhiên, doanh nghiệp lại gặp phải nhiều hạn chế, bao gồm tài lực và nhân lực.

Với tài lực, Việt Nam hiện có hơn 90% doanh nghiệp logistics là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ trong khi chi phí chuyển đổi xanh không hề rẻ, đặt ra thách thức rất lớn trong vấn đề đầu tư.

“Vậy làm sao để các doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường, cải tiến quy trình sản xuất và làm sao để giúp họ có nguồn lực chuyển đổi xanh dễ hơn?”, bà Mẫu đặt câu hỏi.

Một thách thức khác đến nhu cầu nguồn nhân lực. “Muốn có sản phẩm xanh thì con người phải xanh, tuy nhiên, nguồn nhân lực về chuyển đổi xanh gần như khủng hoảng, bởi nếu đào tạo ra được nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu về chuyển đổi xanh, chúng ta sẽ phải mất 20 năm. Do đó, chúng ta phải đầu tư con người một cách linh hoạt để hình thành văn hóa, bởi có những con người xanh mới có những chuyển đổi xanh và một đất nước xanh”, lãnh đạo Phúc Khang phân tích.

Bên cạnh đó, ông Yap Kwong Weng, CEO Vietnam SuperPort, cho rằng, điều cốt lõi hiện nay là cần thúc đẩy mô hình logistics tích hợp đa phương thức, song song với việc xây dựng hành lang chính sách và tài chính bền vững để hỗ trợ doanh nghiệp thực thi chuyển đổi một cách thực chất.

Theo ông Yap, các nỗ lực chuyển đổi xanh của doanh nghiệp chỉ thực sự hiệu quả khi có sự đồng hành từ chính sách và tài chính. Từ đó, ông đề xuất cần khuyến khích tài chính xanh và các cơ chế kết hợp công – tư, không chỉ từ ngân hàng thương mại mà cả từ các tổ chức quốc tế cũng như ưu đãi thuế và miễn trừ pháp lý.

Ở góc độ của cơ quan quản lý, đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho biết khi tham gia quá trình xanh hóa, doanh nghiệp sẽ gặp một số thách thức, trước hết về nhận thức, thói quen, hạ tầng chưa đáp ứng cho sự phát triển của phương tiện vận chuyển xanh.

Không chỉ vậy, chuyển đổi xanh hóa đòi hỏi chi phí đầu tư không nhỏ gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp SME. Ngoài ra, doanh nghiệp gặp thách thức khi lựa chọn công nghệ hay việc thiếu đội ngũ chuyên gia có kiến thức và năng lực triển khai.

Với doanh nghiệp, ông Hải cho rằng, cần xây dựng chiến lược phù hợp với định hướng phát triển xanh; nâng cấp và mở rộng hệ thống kho bãi, đầu tư các tranh thiết bị hiện đại; ưu tiên sử dụng các phương tiện vận tải thân thiện với môi trường.

Doanh nghiệp cũng cần chia sẻ và nỗ lực hợp tác; áp dụng công nghệ mới và ứng dụng AI để tối ưu hóa hoạt động; xây dựng mô hình logistics xanh tích hợp.

Kiều Mai

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/doanh-nghiep-viet-van-lan-dan-trong-hanh-trinh-logistics-xanh-d41060.html