Doanh nghiệp Việt xoay xở tìm nguồn cung thép HRC mới
Sau khi Việt Nam áp thuế chống bán phá giá (CBPG) tạm thời với HRC Trung Quốc, các doanh nghiệp trong nước đang phải tìm kiếm nguồn cung thay thế, trong đó ưu tiên hàng nội địa.
Nhập khẩu thép từ một số quốc gia đang tăng lên
Nhập khẩu thép từ một số quốc gia đang tăng lên. Theo số liệu Hải quan Việt Nam, nhập khẩu thép từ Trung Quốc trong tháng 5 giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 702.586 tấn. Tính chung trong 5 tháng đầu năm, lượng nhập khẩu giảm 23% xuống còn khoảng gần 3,7 triệu tấn. Với con số trên, Trung Quốc vẫn là nước xuất khẩu nhiều thép vào Việt Nam nhất, chiếm 57%. Tuy nhiên, tỷ trọng này đã giảm rất nhiều so với mức 68% của cùng kỳ năm ngoái.
Việc giảm nhập khẩu thép từ Trung Quốc trong năm nay diễn ra trong bối cảnh Việt Nam áp thuế chống bán phá giá (CBPG) tạm thời đối với hai sản phẩm nhập khẩu từ nước này là thép cuộn cán nóng (HRC) và tôn mạ.
Mức thuế CBPG tạm thời được áp với một số sản phẩm thép cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Trung Quốc là từ 19,38% đến 27,83% và chính thức có hiệu lực sau 15 ngày kể từ khi có quyết định được ban hành (21/2). Thời hạn áp dụng là 120 ngày.
Mặt hàng HRC thường chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam, có thời điểm lên tới trên 60%. Năm ngoái Việt Nam nhập khẩu khoảng 9 triệu tấn HRC từ Trung Quốc, trong khi sản lượng trong nước chỉ ở mức 6,8 triệu tấn.
HRC là nguyên liệu đầu vào quan trọng của nhiều doanh nghiệp thép, đặc biệt là doanh nghiệp tôn mạ, ống thép. Do đó, việc áp thuế CBPG tạm thời đối với HRC Trung Quốc trong khi nguồn cung trong nước chưa đáp ứng đầy đủ đòi hỏi các doanh nghiệp này phải tìm nguồn cung bổ sung.
Theo ước tính của các doanh nghiệp trong ngành, nhu cầu thép HRC trong nước là khoảng 11 - 13 triệu tấn trong khi công suất tối đa của hai doanh nghiệp sản xuất thép HRC trong nước là Hòa Phát và Formosa mới chỉ đạt mức 8,6 triệu tấn.
Ngoài ra năm nay, Hòa Phát dự kiến sẽ hoàn thiện và vận hành dự án Dung Quất 2, bổ sung thêm khoảng 5,6 triệu tấn. Hiện tại, dự án này đang chạy thử nghiệm giai đoạn 1 và quý IV năm nay sẽ hoàn thành chạy thử nghiệm giai đoạn 2.
Như vậy, lượng HRC tối đa mà các nhà máy trong nước có thể cung cấp ra ngoài thị trường là 14,2 triệu tấn. Số thép này sẽ dùng cho cả nội địa và xuất khẩu.
Một điểm đáng lưu ý là tỷ trọng tiêu thụ ở hai thị trường này đã điều chỉnh mạnh trong vòng một năm qua trong bối cảnh thương mại đầy biến động, đặc biệt là ảnh hưởng của chính sách thuế quan Mỹ. Trong quý I, tỷ trọng tiêu thụ HRC nội địa chỉ ở mức 11% trong khi cùng kỳ năm ngoái con số này lên tới 43%.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 diễn ra hồi tháng 4, ông Nguyễn Việt Thắng, CEO Tập đoàn Hòa Phát, cho biết sau khi Bộ Công Thương áp thuế CBPG tạm thời với hàng Trung Quốc, các khách hàng nâng tỷ trọng sử dụng HRC nội địa.
“Tỷ trọng thép HRC Hòa Phát sử dụng trong các doanh nghiệp tôn mạ đang tăng lên. Năm ngoái, tỷ trọng này là 15 - 20% thì năm nay con số này đã nâng lên 40%”, ông Thắng nói. Đồng thời, ông cũng chia sẻ năm nay doanh nghiệp sẽ giữ tỷ trọng xuất khẩu dưới 20% do tình hình thuế quan diễn ra phức tạp.
Đối với nguồn cung nhập khẩu, ngoài thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp còn có lựa chọn Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Ấn Độ, theo công ty phân tích thị trường thép quốc tế MEPS International.
Ngoại trừ Ấn Độ, lượng nhập khẩu thép từ ba nước còn lại vào Việt Nam đều tăng mạnh. Điển hình như lượng nhập khẩu từ Indonesia tăng gấp đôi lên 446.413 tấn; lượng nhập khẩu từ Nhật Bản cũng tăng 52% lên 836.390 tấn - trở thành thị trường cung cấp thép lớn thứ hai cho Việt Nam.

Nguồn: Cục Hải quan Việt Nam
Đối với Ấn Độ, thép HRC nhập khẩu từ quốc gia này thời gian qua nằm trong diện bị Việt Nam điều tra chống bán phá giá. Tuy nhiên, Bộ Công Thương không áp thuế CBPG tạm thời vì tỷ lệ nhập từ Ấn Độ ở mức không đáng kể (dưới 3%). Mặc dù vậy, lượng thép nhập khẩu từ Ấn Độ trong 4 tháng đầu năm nay giảm sâu tới 97% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 4.937 tấn.
Tuy nhiên, CEO Hòa Phát cho rằng lượng hàng từ Nhật Bản và Hàn Quốc nhập khẩu vào Việt Nam có thể tăng lên nhưng sẽ không quá nhiều do năng lực sản xuất của các nước này giới hạn.
Bên cạnh đó, theo phản ánh của các doanh nghiệp vẫn còn lượng HRC “né thuế” để thâm nhập vào thị trường Việt Nam.
Trao đổi tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, ông Nghiêm Xuân Đa, Tổng giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel), đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), cho biết vừa rồi có hiện tượng lách thuế chống bán phá giá từ Trung Quốc bằng cách bán thép cuộn cán nóng có khổ rộng khoảng 1,88 - 2m, mặt hàng không nằm trong danh mục bị áp thuế CBPG, rồi gia công lại.
Hiện tại các doanh nghiệp thép đang thu thập chứng cứ để báo cáo lên Cục Phòng vệ Thương mại về vấn đề này. Tuy nhiên, phía Trung Quốc cũng đã thuê luật sư để phản bác lại rằng mặt hàng cán nóng khổ lớn này không phải hàng hóa tương tự với hàng Việt Nam sản xuất do thép HRC của Hòa Phát và Formosa có khổ hẹp hơn.
“Hiện nay, Cục Phòng vệ Thương mại và các đơn vị liên quan cũng đang chuẩn bị phương án nếu trong trường hợp doanh nghiệp nhập hàng khổ lớn về, cắt ra và sử dụng như hàng khổ nhỏ thì sẽ xử lý dưới dạng ‘chống lẩn tránh’ - theo quy định của WTO”, CEO Hòa Phát cho biết.
Mặc dù vậy, dưới góc độ của doanh nghiệp sử dụng HRC làm nguyên liệu sản xuất, đại diện của Thép Nam Kim cho rằng việc mua hàng khổ lớn không hiệu quả về mặt kinh tế: “Theo phân tích của chúng tôi, mặc dù thép HRC khổ lớn không nằm trong danh mục chịu thuế chống bán phá giá nhưng xét về các thông số kỹ thuật như độ dày, khổ rộng và giá thì việc nhập hàng này về cũng không hiệu quả. Do đó, chúng tôi chưa có ý định mua máy móc, thiết bị về xử lý loại thép HRC”.
Đồng thời, đại diện công ty này cũng nói thêm mức chênh lệch của loại thép này so với việc mua HRC từ Hòa Phát và Formosa cũng không nhiều. Do đó, doanh nghiệp này vẫn đang lựa chọn nguồn cung HRC trong nước.
Sản lượng HRC trong nước sẽ ngày càng tăng
Sản lượng HRC trong nước được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trong tương lai khi ngày càng nhiều doanh nghiệp đang lên kế hoạch tham gia vào sản xuất mặt hàng thép thượng nguồn này.
Điển hình như Tập đoàn Xuân Thiện chuẩn bị làm Dự án Nhà máy Thép Xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định với tổng vốn đầu tư 88.000 tỷ đồng trên diện tích gần 285 ha. Công suất của nhà máy khoảng 7,5 triệu tấn thép HRC/ năm.
Dự án này được thực hiện tại huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định và được chia làm 3 giai đoạn, theo Sở Thông tin & Truyền thông Nam Định. Giai đoạn I thực hiện trong 36 tháng, hoàn thành dây chuyền cán nguội chế biến sâu, công suất 1 triệu tấn/ năm, sản phẩm thép tấm mạ kẽm, thép tấm sơn phủ, là mặt... và các hạng mục phụ trợ khác với giá trị đầu tư dự kiến 10.000 tỷ đồng.
Giai đoạn II thực hiện trong 48 tháng, hoàn thành dây chuyền 1, công suất khoảng 5,1 triệu tấn/năm, chủ yếu là thép cuộn cán nóng HRC với giá trị đầu tư khoảng 46.000 tỷ đồng. Giai đoạn III, sau 60 tháng, hoàn thành dây chuyền 2, công suất khoảng 2,4 triệu tấn/năm, chủ yếu là thép cuộn cán nóng HRC với giá trị đầu tư khoảng 32.000 tỷ đồng.
Theo Báo Nam Định, trong cuộc họp diễn ra ngày 25/4, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định yêu cầu các cơ quan phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh hoàn thiện hồ sơ pháp lý, phấn đấu khởi công 2 dự án Nhà máy thép xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng và Nhà máy thép xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định trước ngày 10/6.
Ngoài Xuân Thiện, một doanh nghiệp Nhà nước khác cũng đang quan tâm đến mảng này là Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel). Trao đổi với chúng tôi bên lề ĐHĐCĐ thường niên 2025, ông Nghiêm Xuân Đa, Tổng Giám đốc VNSteel, cho biết hướng của công ty trong thời gian tới là gia tăng chuỗi giá trị, tham gia sâu hơn vào thép thượng nguồn, đồng thời gia tăng khả năng cạnh tranh.
Trong năm 2025 - 2026, công ty sẽ nghiên cứu để sản xuất thép HRC. Dự án này là một phần nằm trong chiến lược phát triển công ty đến năm 2035. “Việc đầu tư sản xuất HRC nhằm phủ chuỗi giá trị sản xuất thép của công ty”, ông Đa nói. Hiện tại, tổng công suất của VNSteel là 4 triệu tấn/ năm, trong đó 60% là thép dài. Còn đối với thép dẹt, các sản phẩm mới chỉ dừng lại ở thép cán nguội và tôn mạ.
Về việc lựa chọn công nghệ để sản xuất HRC, ông Đa chia sẻ: “Đôi khi việc đầu tư muộn hơn lại có lợi thế. Công nghệ sẽ hay hơn và không nhất thiết dùng tới lò cao”.
Cụ thể, nhiều phương án sẽ được tính đến trong đó có việc sử dụng công nghệ sản xuất HRC mới của Trung Quốc. Công nghệ này không nhất thiết phải dùng đến than cốc và dùng trực tiếp than cám. Điều này giúp giảm 30% khí thải ra môi trường và việc vận hành trở nên đơn giản hơn, không phải trải qua khâu luyện cốc.
Bên cạnh đó, dây chuyền sản xuất không yêu cầu quặng sắt chất lượng quá cao, hàm lượng từ 40 - 50%Fe, thấp hơn so với công nghệ lò cao thông thường, yêu cầu hàm lượng từ 62%Fe trở lên. Công nghệ thứ hai được doanh nghiệp xem xét là sử dụng lò điện.
Ông Đa cho biết công nghệ này được được công ty thép Tokyo Steel sử dụng. Chi phí năng lượng lò điện sẽ rẻ hơn so với lò cao truyền thống.
Với những dự án mới sắp được hoàn thành và những dự án chuẩn bị được thực hiện, nguồn cung thép HRC được kỳ vọng sẽ tăng lên. Điều này sẽ đáp ứng không chỉ về mặt nguyên liệu sản xuất các sản phẩm thép hạ nguồn mà còn giúp các doanh nghiệp dễ dàng đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ khi bán hàng sang các thị trường khó tính như Mỹ và EU.