Doanh nghiệp Vĩnh Phúc 'khát' lao động

Thời điểm này, do mở rộng sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đẩy mạnh tuyển dụng lao động. Nhu cầu tuyển dụng tăng cao trong những tháng đầu năm với đa dạng các vị trí việc làm, là cơ hội để người lao động tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống.

Công ty TNHH CellMech International Vina, khu công nghiệp Khai Quang, tỉnh Vĩnh Phúc là một trong số các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, chuyên may vỏ ghế ô tô xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Thảo/TTXVN

Công ty TNHH CellMech International Vina, khu công nghiệp Khai Quang, tỉnh Vĩnh Phúc là một trong số các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, chuyên may vỏ ghế ô tô xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Thảo/TTXVN

Là doanh nghiệp may mặc có vốn đầu tư 100% Hong Kong (Trung Quốc), với đa dạng các sản phẩm như quần âu, áo sơ mi, dệt kim..., Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất hàng may mặc Việt Nam (TAL) thường xuyên duy trì lực lượng lao động ổn định để đáp ứng các đơn hàng đã ký kết với đối tác. Trong năm 2025, Công ty dự kiến mở rộng thêm 10 dây chuyền sản xuất nên sẽ cần tuyển mới số lượng 800 lao động. Tuy nhiên, đến nay, Công ty mới tuyển dụng được 46% nhu cầu.

Ông Phạm Hồng Quân, Giám đốc nhân sự, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất hàng may mặc Việt Nam (TAL) (khu công nghiệp Bá Thiện II, huyện Bình Xuyên) cho biết, công tác tuyển lao động của công ty hiện đang gặp rất nhiều khó khăn do cạnh tranh tuyển dụng với các công ty khác trong khu vực; lao động trẻ ít quan tâm đến ngành may; yêu cầu về chất lượng và kỹ thuật sản phẩm của công ty cao trong khi lao động ứng tuyển chủ yếu là chưa có tay nghề.

Để khắc phục tình trạng đó, công ty đã đưa ra nhiều chính sách đãi ngộ về lương, thưởng hấp dẫn; chủ động thành lập bộ phận kỹ thuật để đào tạo lao động từ cơ bản đến chuyên sâu, mở rộng tuyển dụng lao động ngoại tỉnh như Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ với chính sách hỗ trợ chỗ ở và đi lại cho lao động.

Công ty Công ty Trách nhiệm hữu hạn Haesung Vina Vĩnh Phúc (khu công nghiệp Khai Quang, thành phố Vĩnh Phúc) đang có nhu cầu tuyển dụng 500 lao động phổ thông với mức lương từ 7 - 10 triệu đồng/tháng, không yêu cầu bằng cấp, kinh nghiệm để phục vụ dây chuyền sản xuất mới. Chị Nguyễn Thị Thanh Hòa, Phòng Nhân sự công ty cho hay, công tác tuyển dụng được làm thường xuyên, trên nhiều kênh tuyển dụng khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay vẫn không tuyển đủ dù công ty đã có nhiều ưu đãi đối với người lao động.

Hội chợ việc làm Vĩnh Phúc 2025 có 30 gian hàng của các doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng, trường nghề trên địa bàn. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Hội chợ việc làm Vĩnh Phúc 2025 có 30 gian hàng của các doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng, trường nghề trên địa bàn. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Theo tìm hiểu của chị Hòa, hiện nay người lao động không “mặn mà” làm việc trong tỉnh vì các địa phương khác có mức lương trung bình cao hơn. Lãnh đạo công ty chị cũng đã đề xuất mong muốn tỉnh Vĩnh Phúc tháo gỡ các khó khăn trong tuyển dụng lao động, chủ động kết nối với các doanh nghiệp cung ứng và cho thuê lại lao động để đảm bảo sản xuất, giao hàng đúng tiến độ.

Theo Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc, dự kiến 6 tháng đầu năm 2025, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có nhu cầu tuyển dụng gần 22.000 lao động mới, trong đó có hơn 14.500 lao động chưa qua đào tạo (chiếm 66,5% nhu cầu tuyển). Các ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao gồm: ngành điện tử, may mặc, kinh doanh, cơ khí, nhân viên kỹ thuật...

Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng số lượng lao động lớn như Công ty Trách nhiệm hữu hạn BH Flex Vina cần tuyển 1.500 lao động; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Arcadyan Technology (Việt Nam) tuyển hơn 1.700 lao động; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghiệp Chính xác Việt Nam 1 tuyển hơn 1.500 lao động; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Solum Vina cần 1.500 lao động…

Không chỉ tham gia tuyển dụng lao động qua các sàn giao dịch việc làm, nhiều doanh nghiệp đăng tuyển qua mạng xã hội, có chính sách thưởng đối với người giới thiệu thành công lao động mới… Tuy nhiên, kết quả tuyển dụng không khả quan trong bối cảnh hiện nay.

Theo đánh giá của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Phúc, mặc dù các khu công nghiệp lớn tạo nhiều cơ hội việc làm, nhưng tỉnh Vĩnh Phúc vẫn gặp khó khăn trong việc thu hút lao động từ các tỉnh khác do điều kiện sinh hoạt như nhà ở công nhân, chi phí sinh hoạt, dịch vụ hỗ trợ chưa tốt; môi trường làm việc chưa thực sự hấp dẫn. Vĩnh Phúc phải cạnh tranh lao động với các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh… nơi có phúc lợi tốt về mức lương, ký túc xá, hỗ trợ đưa đón… Bên cạnh đó, nhiều lao động trẻ chưa được đào tạo nghề bài bản, dẫn đến không đáp ứng được yêu cầu công việc, đặc biệt trong các ngành như cơ khí, kỹ thuật.

Để đáp ứng nguồn lực cho các doanh nghiệp sản xuất các đơn hàng trong năm, tỉnh Vĩnh Phúc đẩy mạnh các sàn giao dịch, tổ chức các hội chợ việc làm để kết nối cung - cầu lao động. Đồng thời, tỉnh tăng cường cập nhật thông tin tuyển dụng trên các trang website, mạng xã hội để người lao động tìm kiếm việc làm phù hợp; tuyên truyền sâu rộng chính sách lao động, việc làm đến nhân dân và người lao động.

Hội chợ việc làm Vĩnh Phúc 2025 thu hút hàng trăm học sinh, sinh viên, người lao động đến tìm việc. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Hội chợ việc làm Vĩnh Phúc 2025 thu hút hàng trăm học sinh, sinh viên, người lao động đến tìm việc. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Theo dự báo, thời gian tới, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo cũng như nhân lực kỹ thuật cao sẽ ngày càng tăng do định hướng thu hút đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc là các dự án công nghệ, có giá trị gia tăng lớn, sử dụng lao động chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh, tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị về điện tử, ô tô, xe máy; ưu tiên dự án công nghệ bán dẫn, công nghệ trí tuệ nhân tạo, tăng hàm lượng công nghệ trong sản xuất.

Trước nhu cầu đó, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp về tuyển dụng lao động đảm bảo cả về số lượng và chất lượng theo nhu cầu sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; tạo sự kết nối giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp về công tác đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, thường xuyên thông tin cho người lao động và doanh nghiệp về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và nhu cầu tìm việc làm của người lao động,

Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp cũng như đề nghị các doanh nghiệp quan tâm hơn về phúc lợi để góp phần thu hút, giữ chân lao động, như xây dựng các tiện ích công cộng, thiết yếu, nhà ở xã hội cho công nhân…

Nguyễn Thảo (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/doanh-nghiep-vinh-phuc-khat-lao-dong-20250507081425481.htm