Doanh nghiệp vô tư nhập nghìn tấn phế liệu trái phép

Doanh nghiệp ngừng sản xuất vẫn được 'tạo điều kiện' nhập lô phế liệu làm nguyên liệu với khối lượng hơn 3.000 tấn.

Thanh tra tỉnh Nam Định vừa ban hành kết luận việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với hoạt động nhập khẩu sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất của Công ty cổ phần Xơ sợi và Nhựa tổng hợp Lục Bảo (Công ty Lục Bảo, trụ sở tại Khu công nghiệp Hòa Xá, Nam Định).

Vô tư vi phạm

Theo kết luận, năm 2015, Công ty Lục Bảo có thông báo gửi các cơ quan chức năng về việc ngừng sản xuất từ tháng 10/2014 đến hết quý I/2016. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này, doanh nghiệp vẫn tiến hành nhập khẩu 1.367 tấn phế liệu, nhưng không có thông báo nhập khẩu phế liệu và báo cáo số liệu về khối lượng phế liệu nhập khẩu gửi Sở Tài nguyên và Môi trường Nam Định.

 Khu công nghiệp Hòa Xá, Nam Định - nơi Công ty Lục Bảo đặt trụ sở và nhập hàng nghìn tấn phế liệu trái phép.

Khu công nghiệp Hòa Xá, Nam Định - nơi Công ty Lục Bảo đặt trụ sở và nhập hàng nghìn tấn phế liệu trái phép.

Ngày 1/3/2015, Công ty Lục Bảo lập hợp đồng với Công ty TNHH Đầu tư dệt may Poly ( Công ty Poly, trụ sở tại Khu Nghĩa Phương, phường Minh Đức, quận Đồ Sơn, TP.Hải Phòng) với nội dung thuê gia công hạt nhựa PP, vảy nhựa PET.

Sau đó, Công ty Lục Bảo đã chuyển cho Công ty Poly 1.327 tấn phế liệu để gia công. Điều đáng nói, Công ty Poly không có giấy chứng nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất theo quy định.

Tiếp đó, đầu 2016, Công ty Lục Bảo nhập khẩu thêm 3.301 tấn phế liệu. Toàn bộ số phế liệu này, doanh nghiệp đem về tập kết tại kho của Công ty TNHH Dũng Lộc ( trụ sở tại số 58 Tân Hà, Lãm Hà, Kiến An, TP.Hải Phòng).

Không lâu sau, Công ty Lục Bảo chuyển giao cho Công ty TNHH Đầu tư dệt may Poly 2.475 tấn để thuê gia công. Phần còn lại 826 tấn chuyển về xưởng của công ty tại Nam Định để tái chế.

Cũng như Công ty Poly, Công ty TNHH Dũng Lộc không có giấy chứng nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất theo quy định.

Trước đó, năm 2014, Công ty Lục Bảo nhập khẩu 3.653 tấn phế liệu nhưng lại báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường Nam Định chỉ có 2.643 tấn.

Ngoài ra, quá trình thanh tra cũng phát hiện doanh nghiệp này chưa có xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường đối với dây chuyền tái chế phế liệu mới lắp đặt năm 2016 nhưng vẫn tiến hành tái chế phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.

Lập biên bản vi phạm rồi... để đấy

Vẫn theo kết luận thanh tra, ngày 10/3/2016, đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Nam Định đã lập biên bản làm việc với Công ty Lục Bảo. Nội dung có đoạn: “... Bên cạnh việc công ty thuê nhà kho của Công ty TNHH Dũng Lộc tại Kiến An, Hải Phòng làm khi trung chuyển thì trong thời gian tới công ty dự định mở rộng khu vực tập kết phế liệu tại trụ sở công ty từ 400m2 lên 1.700m2...”.

“Như vậy, công ty (Lục Bảo - PV) thuê nhà kho để trung chuyển, tập kết phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất tại Hải Phòng đã được Chi cục Bảo vệ môi trường nắm rõ. Tuy nhiên, Chi cục Bảo vệ môi trường không yêu cầu công ty chấm dứt việc làm sai phạm này, cũng không tiến hành kiểm tra, có biện pháp xử lý đối với vi phạm”, kết luận của Thanh tra tỉnh Nam Định nêu.

Bên cạnh đó, với diện tích 400m2 nhà kho hiện có của Công ty Lục Bảo và việc thông báo ngừng sản xuất từ tháng 10/2014 và dự kiến quý II/2016 mới sản xuất trở lại nhưng từ tháng 1 đến tháng 3/2016, Sở Tài nguyên và Môi trường Nam Định vẫn ban hành văn bản nhất trí để Công ty Lục Bảo kiểm tra, thông quan các lô phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất với khối lượng 3.301 tấn là không phù hợp.

Từ đó, cơ quan thanh tra kiến nghị làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Nam Định có liên quan đến sai phạm của Công ty Lục Bảo.

Nguồn VTC: https://vtc.vn/doanh-nghiep-vo-tu-nhap-nghin-tan-phe-lieu-trai-phep-d484049.html