Doanh nghiệp với lộ trình áp dụng IFRS tại Việt Nam

Đó là chủ đề của Kỳ sinh hoạt lần thứ 51 Câu lạc bộ Kế toán trưởng toàn quốc do Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính) và Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam tổ chức ngày 17/10.

Gần 300 đại biểu là kế toán trưởng đã tham dự Hội nghị.

Gần 300 đại biểu là kế toán trưởng đã tham dự Hội nghị.

Tại Hội nghị, ông Trịnh Đức Vinh- Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính) - cho biết: Theo lộ trình triển khai áp dụng IFRS (Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế), từ năm 2019 đến hết năm 2021, Bộ Tài chính chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện Đề án, như: Ban hành Thông tư hướng dẫn việc áp dụng IFRS và công bố bản dịch IFRS từ tiếng Anh sang tiếng Việt; xây dựng và ban hành các tài liệu hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ thực hiện IFRS; bổ sung, sửa đổi và ban hành mới cơ chế tài chính liên quan đến việc áp dụng IFRS; đào tạo nguồn nhân lực, quy trình triển khai cho các DN.

Sau đó, quá trình triển khai sẽ gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (Giai đoạn tự nguyện) 2022-2025, công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước quy mô lớn hoặc có các khoản vay được tài trợ bởi các định chế tài chính quốc tế, công ty mẹ là công ty niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn là công ty mẹ chưa niêm yết, các công ty mẹ khác tự nguyện áp dụng IFRS để lập báo cáo tài chính hợp nhất. Các DN có 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tự nguyện áp dụng IFRS để lập báo cáo tài chính riêng.

Giai đoạn 2 (Giai đoạn bắt buộc) từ sau năm 2025, báo cáo tài chính hợp nhất sẽ áp dụng cho: công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ là công ty niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn là công ty mẹ chưa niêm yết.

Ngân hàng Nhà nước quy định phương án, thời điểm bắt buộc áp dụng IFRS để lập báo cáo tài chính hợp nhất cho từng đối tượng cụ thể thuộc nhóm các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng.

Các công ty mẹ khác không thuộc đối tượng bắt buộc áp dụng nêu trên có nhu cầu và đủ nguồn lực, thông báo cho Bộ Tài chính trước khi tự nguyện áp dụng IFRS để lập báo cáo tài chính hợp nhất.

Đối với báo cáo tài chính riêng, trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện áp dụng IFRS của giai đoạn 1, Bộ Tài chính căn cứ nhu cầu, khả năng sẵn sàng của các DN và tình hình thực tế, quy định phương án, thời điểm áp dụng tự nguyện hoặc áp dụng bắt buộc IFRS để lập báo cáo tài chính riêng cho từng nhóm đối tượng, đảm bảo tính hiệu quả và khả thi.

Ngân hàng Nhà nước quy định việc áp dụng bắt buộc hoặc áp dụng tự nguyện IFRS để lập báo cáo tài chính riêng cho từng đối tượng cụ thể thuộc nhóm các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng.

Khi áp dụng IFRS, DN phải đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin và giải trình rõ ràng, minh bạch với cơ quan thuế, cơ quan quản lý, giám sát và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc xác định nghĩa vụ với NSNN.

Tại Hội nghị, các DN như Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), Công ty cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai áp dụng IFRS tại DN.

Cùng với đó, đại diện Deloitte Việt Nam, Công ty Kiểm toán An Việt… cũng đã nêu những công việc cần thiết mà DN cần chuẩn bị để áp dụng IFRS.

Đồng thời, các câu hỏi của DN về IFRS đã được đại diện cơ quan quản lý và các công ty tư vấn giải đáp. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã đề xuất nhiều giải pháp cần thực hiện để việc triển khai áp dụng IFRS đạt hiệu quả.

Theo Thùy Anh/baokiemtoannhanuoc.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/ke-toan-kiem-toan/doanh-nghiep-voi-lo-trinh-ap-dung-ifrs-tai-viet-nam-314230.html