Doanh nghiệp xây dựng hạ tầng kỳ vọng bứt phá nhờ đẩy mạnh đầu tư công

Đầu tư công được xem là động lực tăng trưởng của các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng; tác động tích cực đến cổ phiếu thép, xi măng, nhựa đường, xây lắp hạ tầng, logistics...

Giới phân tích kỳ vọng đầu tư công sẽ nhanh chóng được thúc đẩy ngay từ đầu năm 2025, ngay khi các luật mới ban hành đi vào hiệu lực. Bên cạnh đó, giai đoạn 2026-2030, Chính phủ sẽ tiếp tục quyết liệt triển khai hàng loạt dự án trọng điểm. Đây được xem là động lực thúc đẩy tăng trưởng của các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng; tác động tích cực đến cổ phiếu doanh nghiệp thép, xi măng, nhựa đường, xây lắp hạ tầng, logistics, bất động sản dân dụng và khu công nghiệp.

Dự án đầu tư công nút giao Phú Thứ (xã Tiên Hiệp, thành phố Phủ Lý, Hà Nam). Ảnh: A.N/BNEWS

Dự án đầu tư công nút giao Phú Thứ (xã Tiên Hiệp, thành phố Phủ Lý, Hà Nam). Ảnh: A.N/BNEWS

Theo chuyên gia phân tích Đỗ Tiến Đạt, tới từ Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán ACB (ACBS), tình hình ngân sách nhà nước và nợ công của Việt Nam hiện đang ở trạng thái rất tích cực, từ đó tạo nhiều dư địa cho việc gia tăng thêm nợ vay của Chính phủ và thúc đẩy chi tiêu đầu tư công.

Ông Đạt kỳ vọng đầu tư công sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Năm 2025, năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021- 2025, ghi nhận mức đầu tư công kỷ lục lên tới 791.000 tỷ đồng (tương đương 6,4% GDP) đã được Quốc hội phê duyệt. Khoản ngân sách này sẽ giúp đẩy mạnh thi công các công trình trọng điểm như tuyến cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2, sân bay quốc tế Long Thành và tuyến đường sắt Bắc Nam.

Thực tế cho thấy, để đẩy mạnh giải ngân vốn cho các dự án hạ tầng trọng điểm, liên tiếp các biện pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công được Chính phủ ban hành.

Cụ thể, ngày 19/9/2024, quyết định số 1008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Ban hành Kế hoạch triển khai đợt thi đua cao điểm “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc”; ngày 7/11/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 115/CĐ-TTg về việc quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.

Đáng chú ý, vào ngày 29/11/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/1/2025 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực từ ngày 15/1/2025.

Chuyên gia từ ACBS, ông Đỗ Tiến Đạt đánh giá việc sửa đổi luật sẽ giúp giải quyết các vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng.

Bên cạnh đó, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và chính thức có hiệu lực từ ngày 15/1/2025.

Đáng chú ý, Chính phủ đưa ra một loạt đề xuất để tháo gỡ vướng mắc cho các dự án PPP, nhằm đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho dự án hạ tầng công cộng. Từ đó giúp cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện,thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đến nay, cả nước đã có 2.001 km đường bộ cao tốc. Chính phủ yêu cầu phát động phong trào thi đua 500 ngày để hoàn thành 3.000 km cao tốc trước ngày 31/12/2025. Tầm nhìn đến 2030, cả nước sẽ có 5.000 km đường cao tốc.

Dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 có tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng. Tổng dự án có chiều dài 729 km được chia thành 12 dự án thành phần và đã bắt đầu thi công trong năm 2023 tiến độ cơ bản hoàn thành dự kiến trong năm 2025, đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.

Đây là dự án mà Bộ Giao thông vận tải chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, xây lắp, di dời hạ tầng kỹ thuật, đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư, với yêu cầu rút ngắn thời gian, đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng thi công.

Những doanh nghiệp xây lắp như Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (mã chứng khoán: VCG), Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (mã chứng khoán: HHV) và Công ty cổ phần Tập đoàn CIENCO4 (mã chứng khoán: C4G) được Bộ Giao thông vận tải chỉ định thầu cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2. Do đó, giai đoạn 2025-2026 được xem là điểm rơi lợi nhuận của các doanh nghiệp này.

Đối với dự án Đường vành đai 4 Hà Nội, các gói thầu được thực hiện bởi doanh nghiệp niêm yết gồm: Đoạn tuyến từ Km13+017,92 đến Km36+166,74 do VCG đảm nhiệm; đoạn tuyến từ Km48+314,71 đến Km58+200 do C4G thực hiện; dự án Đường song hành (đường đô thị) địa phận tỉnh Hưng Yên do Công ty cổ phần LIZEN (mã chứng khoán: LCG) thực hiện.

Đối với Đường vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh, gói thầu XL4 đoạn qua Tp. Thủ Đức do HHV thực hiện; gói thầu XL5 đoạn qua Tp. Thủ Đức do VCG, Công ty cổ phần Tập đoàn Đạt Phương (mã chứng khoán: DPG) và Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC) thực hiện.

Gói thầu XL10 đoạn qua Bình Chánh do HBC và C4G thực hiện; gói thầu XL1 đoạn qua Bình Dương do VCG và HHV thực hiện.

Đối với Sân bay Long Thành, các hạng mục như san lấp mặt bằng và thoát nước do Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam thực hiện; nhà ga hành khách do Liên danh Vietur: Công ty cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings (mã chứng khoán: PHC), Tổng Công ty Xây dựng số 1 – CTCP (mã chứng khoán: CC1) và VCG thực hiện.

Với hạng mục đường băng và sân đỗ nhà ga hành khách do VCG và C4G thực hiện. Hạng mục đường nối T1,T2 do HHV và Tổng Công ty Thăng Long – CTCP (mã chứng khoán: TTL) thực hiện.

Công trình nhà ga hành khách Sân bay Long Thành dự kiến hoàn thành cơ bản trước tháng 12/2025 và tiếp tục hoàn thiện, lắp đặt thiết bị vận hành thử từ đầu năm 2026, hoàn tất toàn bộ để có thể đưa vào vận hành trong quý III/2026. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Công trình nhà ga hành khách Sân bay Long Thành dự kiến hoàn thành cơ bản trước tháng 12/2025 và tiếp tục hoàn thiện, lắp đặt thiết bị vận hành thử từ đầu năm 2026, hoàn tất toàn bộ để có thể đưa vào vận hành trong quý III/2026. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Bên cạnh đó, ngày 30/11, Quốc hội đã thông qua dự án đường sắt tốc độ cao 350 km/h trên trục Bắc – Nam với tổng vốn đầu tư 67,3 tỷ USD - dự án đầu tư lớn nhấttừ trước đến nay tại Việt Nam.

Dự án dự kiến khởi công xây dựng vào năm 2027 và dự kiến hoàn thành vào năm 2035. Tuyến đường này sẽ bắt đầu từ tổ hợp ga Ngọc Hồi ở Hà Nội và kết thúc tại ga Thủ Thiêm tại Tp. Hồ Chí Minh, với tổng chiều dài 1.541 km, bao gồm 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa.

Dự án được đánh giá có thể đóng góp khoảng 1 điểm % tăng trưởng GDP mỗi năm trong giai đoạn 2025 - 2037 theo số liệu đánh giá tác động của bộ Giao thông vận tải phối hợp với Tổng cục Thống kê.

Theo ACBS, nhóm ngành hưởng lợi trực tiếp nhờ đẩy mạnh đầu tư công gồm nguyên vật liệu (đá xây dựng, thép, xi măng, nhựa đường…) và nhóm xây dựng hạ tầng. Nhóm ngành hưởng lợi gián tiếp nhờ đẩy mạnh đầu tư công: bất động sản dân cư và khu công nghiệp.

Chuyên gia từ Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá tiến độ giải ngân đầu tư công sẽ cải thiện tích cực hơn trong năm 2025 nhờ việc xây dựng bảng giá đất mới cho từng địa phương giúp giá đền bù được điều chỉnh sát hơn với giá thị trường, đẩy nhanh quá trình giải phóng mặt bằng; kỳ vọng hoạt động đầu tư công sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng GDP trong bối cảnh mục tiêu tăng trưởng được Quốc hội đề ra cho năm 2025 là tương đối cao (6,5% - 7%); áp lực hoàn thành chỉ tiêu cao hơn khi năm 2025 là năm cuối trong kế hoạch trung hạn 2021 – 2025.

VCBS cho rằng, đối với doanh nghiệp xây dựng hạ tầng, đây là giai đoạn then chốt cần cân đối dòng tiền. Theo đó, giai đoạn năm 2025 - 2026, việc kiểm soát dòng tiền, hiệu quả dự án đối với các doanh nghiệp hạ tầng cần thận trọng hơn.

Lý do được VCBS nêu ra là do việc thanh toán dựa theo tiến độ công trình trên cơ sở kết quả nghiệm thu khối lượng đã hoàn thành. Do đó, những doanh nghiệp chậm tiến độ thi công hoặc gặp khó khăn trong quyết toán, nghiệm thu. Các doanh nghiệp có chi phí thực tế quá xa so với định mức cũng sẽ gặp nhiều bất lợi.

Bên cạnh đó, việc kiểm soát dòng tiền, hiệu quả dự án đối với các doanh nghiệp hạ tầng cần thận trọng hơn là vì nguồn vốn tạm ứng về cơ bản được sử dụng hết, nguồn tài chính của các nhà thầu phụ bắt đầu thiếu hụt, cần bù đắp bởi nhà thầu chính.

VCBS đánh giá cao các doanh nghiệp sở hữu năng lực tài chính bền vững, không bị thâm hụt dòng tiền nhiều trong hoạt động thi công và phải phụ thuộc vào nợ vay; có khả năng tự chủ được một phần nguồn nguyên vật liệu; có hiệu quả kinh tế cao trên từng gói thầu; đảm bảo tốt về tiến độ công trình và hiệu quả dòng tiền.

Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/doanh-nghiep-xay-dung-ha-tang-ky-vong-but-pha-nho-day-manh-dau-tu-cong/358963.html