Doanh nghiệp xây dựng tìm cách thoát khỏi 'vòng kim cô' nợ đọng
Những khó khăn của thị trường bất động sản nhà ở như hàn thử biểu đo lường sức khỏe và sức chịu đựng của các doanh nghiệp xây dựng. Một số nhà thầu thua lỗ, rơi vào vòng nguy hiểm khi các doanh nghiệp bất động sản chậm dòng tiền, hạn chế khả năng thanh toán. Cũng từ đây, nhóm công ty xây dựng buộc phải tìm kiếm các giải pháp thay thế lĩnh vực truyền thống để làm mới mình và thích nghi với khó khăn.
Lao đao vì bất động sản
Ngành xây dựng và bất động sản có quan hệ chặt chẽ với nhau, được ví như răng với môi. Giai đoạn vừa qua, khi ngành bất động sản gặp khó khăn, “môi hở” nên “răng lạnh”, các doanh nghiệp xây dựng cũng lao đao theo. Tình trạng chủ đầu tư chậm thanh toán, mất khả năng chi trả; chủ đầu tư không có tiềm lực để triển khai, dự án tồn đọng… đã dồn ngành xây dựng vào bước đường cùng. Một số doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền, đứng trước nhiều hiểm họa, thậm chí thua lỗ triền miên.
Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã có 4 quí liên tiếp lỗ đậm, tính từ quí 4-2022. Chỉ tới quí 4-2023, tình hình kinh doanh mới được cải thiện khi công ty lãi 109 tỉ đồng. Tuy nhiên, cú ngược dòng này không phải đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi là thi công công trình. Bởi doanh thu quí 4 cũng đã giảm 32% so với cùng kỳ năm trước, đạt 2.190 tỉ đồng và công ty liên kết còn mang lại khoản lỗ 32 tỉ đồng. Doanh nghiệp được cứu bàn thua trông thấy từ việc hoàn nhập 223 tỉ đồng phí quản lý doanh nghiệp (hoàn nhập khoản trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi 310 tỉ đồng).
Cả năm 2023, Xây dựng Hòa Bình đã lỗ 777 tỉ đồng, tiếp tục đi lùi trong bức tranh tăng trưởng. Đến thời điểm này, công ty do ông Lê Viết Hải sáng lập với lịch sử trên 35 năm đã lỗ lũy kế gần 2.900 tỉ đồng và nợ vay tài chính đang hơn 4.700 tỉ đồng, gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu.
Sự sa sút của Xây dựng Hòa Bình có nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể tới các khoản nợ khó đòi từ các đối tác là chủ đầu tư đã bó hẹp dòng tiền của doanh nghiệp qua nhiều năm. Trong lần gặp cổ đông gần nhất vào tháng 10-2023, lãnh đạo tập đoàn này đã hé lộ danh sách gần 10 chủ đầu tư nợ số tiền gần 9.200 tỉ đồng, bao gồm nhiều cái tên sừng sỏ trên thị trường địa ốc.
Với Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons, câu chuyện có một phần giống như Hòa Bình. Giai đoạn 2021-2022, công ty bắt đầu trích lập dự phòng nợ khó đòi với các dự án tồn đọng cùng những khó khăn của ngành xây dựng đã tạo áp lực lớn lên biên lợi nhuận. Có những thời điểm như quí 2-2022, vì trích lập dự phòng lớn Coteccons đã lỗ gần 24 tỉ đồng, biên lợi nhuận gộp âm.
Gần đây nhất, trong quí 4-2023, Coteccons đã phải trích lập dự phòng 625 tỉ đồng đối với các dự án của Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh), Công ty TNHH Saigon Glory (thuộc Tập đoàn Bitexco), Công ty cổ phần Đầu tư Minh Việt…
Khoản trích lập này không phải là mất đi mà khi doanh nghiệp thu hồi được nợ thì sẽ hoàn nhập. Tuy nhiên ở giai đoạn hiện tại, khi dòng tiền vận hành eo hẹp thì Cotecons đã không ưu tiên lợi nhuận mà tập trung quản lý tài chính và dự phòng rủi ro. Đồng thời doanh nghiệp cũng thiết lập “báo động đỏ” với những khoản nợ khó đòi để đảm bảo an toàn.
Lãnh đạo Coteccons từng cho biết, tùy tình hình thị trường công ty có thể hoàn nhập hoặc tiếp tục trích lập dự phòng nếu khách hàng là các chủ đầu tư khó khăn hoặc phát sinh vấn đề trong thu hồi công nợ. Thị trường bất động sản vẫn ảm đạm, các khách hàng của Coteccons vẫn gặp khó khăn về dòng tiền. Vì vậy, công ty vẫn tiếp tục trích lập dự phòng và dự kiến trích lập khoảng 90 tỉ đồng cho năm tài chính 2024.
Nhiều doanh nghiệp xây dựng khác cũng chịu sức ép nợ đọng khiến họ phải gia tăng trích lập dự phòng. Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) trong nhiều năm qua cũng phải trích lập dự phòng nhiều khoản nợ xấu liên quan tới các chủ đầu tư. Đơn cử năm 2023, nợ xấu của doanh nghiệp gần 887 tỉ đồng và phải trích lập dự phòng khoản tương tự.
Không chỉ nhà thầu xây dựng bị ảnh hưởng từ bất động sản, công ty vật liệu xây dựng cung cấp vật tư cho các chủ đầu tư cũng “dính đòn”. Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại SMC đã chịu lỗ 919 tỉ đồng trong năm 2023 do phải trích lập dự phòng nợ xấu hơn 570 tỉ đồng.
Thua lỗ liên tiếp trong 2 năm qua, công ty SMC thừa nhận, thị trường bất động sản đóng băng làm cho các doanh nghiệp thi công xây lắp sụt giảm mạnh về doanh thu và dòng tiền. Điều này khiến công nợ chậm luân chuyển của SMC đối với các khách hàng có tỷ lệ lớn trong năm nay.
Sức khỏe của ngành xây dựng trong 3 năm diễn ra Covid-19 và 2 năm bất động sản gặp vướng mắc đã có nhiều suy giảm, từ đó lộ ra những lỗ hổng cần phải “lấp” kịp thời. Doanh nghiệp buộc phải xoay sở và tìm ra giải pháp vượt khó và tự cứu lấy mình nếu không muốn bị đẩy đến bờ vực sống còn.
Đặt cược vào con đường mới
Đã từ lâu, miếng bánh xây dựng dân dụng trong nước không còn đủ màu mỡ. Biên lợi nhuận gộp ngày càng mỏng đi là điều khiến các lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp xây dựng đầu ngành trăn trở. Thậm chí, Coteccons còn kiên quyết không giảm giá thầu để hạn chế hiện tượng tự “cắt máu” trong ngành. Để thoát khỏi “vòng kim cô” bó buộc sự phát triển của ngành xây dựng, các doanh nghiệp đã tìm đến những giải pháp khác là tham gia lĩnh vực mới như đầu tư công hoặc xây dựng khu công nghiệp.
Trong đó đầu tư công là mảnh đất màu mỡ thu hút nhiều doanh nghiệp xây dựng trong quá trình làm mới và định vị lại chiến lược. Cả Hòa Bình lẫn Coteccons đều kỳ vọng vào lĩnh vực này khi năm qua cùng chung chiến tuyến đấu thầu gói thầu thi công sân bay Long Thành. Tuy kết quả không như mong đợi nhưng ông Bolat, Chủ tịch Coteccons vẫn tin rằng đó là bài học kinh nghiệm để doanh nghiệp tiếp tục đấu thầu những dự án khác.
Dù khiến hai ông lớn xây dựng nội địa thất bại nhưng dự sân bay Long Thành cũng mang lại “trái ngọt” cho một số doanh nghiệp Việt tham gia liên danh Vietur và trúng gói thầu 35.000 tỉ đồng ở đây. Trong đó có nhiều thành viên thuộc hệ sinh thái xây dựng do ông Nguyễn Bá Dương, cựu Chủ tịch Coteccons thành lập như Ricons, Newtecons, Sol E&C. Nhóm công ty này đã đạt được cột mốc doanh thu trên 10.000 tỉ đồng vào năm 2023 – ngang ngửa các doanh nghiệp đầu ngành.
Lĩnh vực phát triển khu công nghiệp, nhà xưởng cũng kỳ vọng sẽ tỏa sáng trong năm nay khi làn sóng FDI đầu tư vào Việt Nam ngày càng được mở rộng, nhiều dự án tỉ đô la được đầu tư.
Coteccons đã chọn những doanh nghiệp FDI tiếng tăm để hợp tác, điển hình là dự án của Lego tại Bình Dương có giá trị hàng tỉ đô la. Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, vẫn theo đuổi việc làm các dự án nhà xưởng, khu công nghiệp, đồng thời tiếp tục vận hành Công ty cổ phần 479, phát triển thi công hạ tầng.
Một hướng đi khác mà các doanh nghiệp xây dựng đang tìm đến là đầu tư ra nước ngoài, xem đó là vấn đề sống còn. Hòa Bình đặt mục tiêu vào năm 2028 thị trường nước ngoài sẽ chiếm 50% tổng doanh thu của công ty, tương ứng 1 tỉ đô. Trong năm 2024, tập đoàn này đặt kế hoạch doanh thu từ thị trường nước ngoài là 1.200 tỉ đồng trong tổng doanh thu 10.800 tỉ đồng.
Coteccons cũng đã gia nhập đường đua tiến ra nước ngoài với việc thành lập công ty con Coteccons Constructions phục vụ việc này. Không chỉ vậy, doanh nghiệp vừa mua lại 2 công ty con trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng, cơ điện có vốn đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, khoảng cách giữa mục tiêu và kết quả thực hiện còn khá xa vời. Trong khi Coteccons chưa từng công bố một bản kế hoạch đầy đủ, bài bản thì Hòa Bình đã đi chậm lại, nhiều năm vạch ra mục tiêu nhưng việc thực hiện còn khiêm tốn. Bản thân ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Xây dựng Hòa Bình, cũng phải thừa nhận điều đây là con đường trắc trở vì tập đoàn bị hạn chế về nguồn vốn.
Để giải bài toán tài chính cũng là chuẩn bị một cơ thể khỏe mạnh hơn, Xây dựng Hòa Bình đã ráo riết thu hồi công nợ trong nhiều năm qua. Tập đoàn đã thu hồi hơn 304 tỉ đồng từ Tập đoàn FLC, hay khởi kiện và được tuyên bố thắng kiện, buộc nhiều đối tác trả số tiền hơn 262 tỉ đồng. Tập đoàn cũng dùng cổ phiếu để hoán đổi nợ với các nhà cung cấp, nhà thầu phụ để giảm nợ hơn 405 tỉ đồng, bên cạnh việc huy động thêm nguồn vốn từ các cổ đông chiến lược. Ngoài ra, Hòa Bình cũng đã làm việc và ký hợp đồng nguyên tắc (MOU) với nhiều khách hàng nước ngoài như Primetech Construction với giá trị hàng tỉ đô la, ý định mở rộng thị trường ở Australia, châu Phi, Mỹ…
Trong khi thị trường xây dựng nội địa gặp khó khăn, chiến lược vươn ra biển lớn là cần thiết. Song, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần tính toán kỹ lưỡng để công cuộc “xuất khẩu xây dựng” phải có kết quả, để nó thực sự là con đường mới cho ngành xây dựng.