Doanh nghiệp xây dựng với nỗi lo nợ đọng
Chủ đầu tư nợ nhà thầu chính, nhà thầu chính nợ nhà thầu phụ, các nhà thầu nợ nhà cung cấp... Đây đang là thực trạng trong lĩnh vực xây dựng hiện nay khi mà hành lang pháp lý không đủ mạnh để giải quyết những tranh chấp trong hoạt động của các nhà thầu.
Tiền nợ chiếm tỷ trọng lớn
Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Hòa Thành Building Trần Văn Hòa chia sẻ, với công ty, trong cơ cấu doanh thu có khoảng hơn 50% tiền nợ vẫn chưa thể thu được. Thậm chí, có không ít trường hợp những khoản thu đã hơn 4 năm nay vẫn chưa thể lấy lại.
"Thị trường bất động sản khó khăn, dẫn đến không bán được sản phẩm, chúng tôi cũng không thể đòi lại được tiền xây dựng. Thậm chí, có trường hợp chủ đầu tư có tiền nhưng lại mang đi sử dụng làm việc khác, không thanh toán cho nhà thầu" - ông Trần Văn Hòa than thở.
Không chỉ riêng Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Hòa Thành Building, mới đây, câu chuyện Công ty CP Đầu tư xây dựng Ricons yêu cầu mở thủ tục phá sản với Công ty CP Xây dựng Coteccons liên quan đến khoản công nợ quá hạn nhưng kéo dài nhiều năm không thanh toán cho thấy, trong bối cảnh thị trường tiêu thụ khó khăn, tình trạng nợ phải thu khó đòi - hay nợ đọng đang rất trầm trọng, đẩy nhiều nhà thầu vào nguy cơ phải giải thể, phá sản.
Theo đại diện Công ty CP Xây dựng Coteccons, nguyên nhân công nợ phát sinh bắt đầu từ giai đoạn trước năm 2019, Coteccons và Ricons chịu sự điều hành và xác định như là những thành phần đóng góp cho một hệ sinh thái gồm 7 công ty thành viên có sự liên kết lẫn nhau, bao gồm: Coteccons, Unicons, Ricons, Newtecons, BM Windows, Sol E&C, Boho.
Trong quá trình hoạt động trong một hệ sinh thái, một số dự án Ricons làm tổng thầu xây dựng phát sinh những giao dịch bên liên quan đến Coteccons với vai trò là nhà thầu phụ tại dự án như: dự án Regina Hưng Yên, Thiết kế dự án Đông Á và một số giao dịch cho thuê thiết bị, sử dụng tiện ích giữa hai công ty. Những công nợ phát sinh hiện nay vẫn chưa được quyết toán xong do vướng mắc về vấn đề xác định giá trị công nợ kèm theo những chứng từ đạt đủ điều kiện về pháp lý.
Tương tự, một số dự án Coteccons làm tổng thầu có phát sinh những công nợ cho Ricons với vai trò là nhà thầu phụ cũng chưa được quyết toán xong như: dự án Newtaco, Regina Giai đoạn 4, 5 6, dự án nhà máy Vinfast và dự án Simco.
"Thời gian gần đây, có nhiều biến cố vô cùng bất lợi cho ngành xây dựng, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng nhà ở đô thị và du lịch. Kể từ năm 2017, rất ít dự án nhà ở đô thị được cấp giấy phép xây dựng, trong khi đó nguồn nhân lực trong ngành vẫn tiếp tục tăng trong khi nguồn việc lại sụt giảm rất mạnh. Từ thực trạng thiếu việc làm tạo nên mất cân đối cung cầu đã khiến cho thị trường xây dựng trở nên cạnh tranh khốc liệt hơn bao giờ hết" - đại diện Coteccons cho hay.
Cần có giải pháp đủ mạnh
Giám đốc tài chính Công ty CP Xây dựng Module 9 Phạm Tuấn Linh cho biết, tình trạng nợ đọng đến từ việc hợp đồng xây dựng đang thiếu chặt chẽ, thiếu cơ sở cho việc thanh quyết toán và giải quyết tranh chấp hợp đồng thi công. Đối với những hợp đồng mà chủ đầu tư là vốn tư nhân luôn tìm cách trì hoãn thanh toán từ việc "làm khó" hồ sơ, không có người ký... Thậm chí, khi quyết toán sẽ viện đủ lý do để trốn tránh hoặc trì hoãn, trong khi công trình hay hạng mục đã bàn giao, đưa vào sử dụng.
"Phải có hành lang pháp lý đủ mạnh, rõ ràng như sau bao lâu kể từ ngày bàn giao công trình, phải phê duyệt xong quyết toán, quá thời hạn thì sẽ phải chịu trách nhiệm, không cho phép bàn giao vận hành. Bên cạnh đó, chúng tôi rất mong Chính phủ có những chính sách khác hỗ trợ cho hoạt động của DN" - ông Phạm Tuấn Linh chia sẻ.
Đồng quan điểm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kỹ thuật công trình Việt Nam Lê Hồng Minh cho biết, chưa có thống kê chính thức tình trạng nợ đọng xây dựng là bao nhiêu nhưng thực tế hầu hết nhà thầu đã từng hoặc đang tồn tại các khoản nợ khó đòi, phải trích dự phòng nợ xấu. Hiện nay, nhiều nhà thầu rơi vào tình trạng khó khăn tài chính, nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, thậm chí giải thể, phá sản.
Nhiều dự án đã bán hết sản phẩm (căn hộ, sàn văn phòng… được hình thành từ tài sản của nhà thầu), chủ đầu tư đã thu đủ tiền, thậm chí lãi lớn, lấy tiền đi đầu tư dự án khác nhưng vẫn không trả tiền cho nhà thầu. Hậu quả, các nhà thầu không dám mở rộng quy mô, đầu tư công nghệ, thiết bị, sa thải người lao động, thu hẹp phạm vi cung cấp, thậm chí không nhận phần cung cấp thiết bị, vật liệu mà chỉ cung cấp nhân công, làm nhà thầu phụ cho thầu chính hoặc các công ty nước ngoài.
Về giải pháp, ông Lê Hồng Minh kiến nghị, tại Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015, đặc biệt Thông tư 02/2023/TT-BXD ngày 3/3/2023 bổ sung yêu cầu bắt buộc ở điều khoản về trách nhiệm của bên giao thầu (chủ đầu tư) phải có điều khoản về bảo đảm thanh toán. Cụ thể, bên giao thầu phải phát hành bảo lãnh thanh toán (do ngân hàng phát hành) có nội dung tổ chức bảo lãnh/ngân hàng chi trả toàn bộ số tiền, tương ứng với giá trị vật tư, vật liệu, thiết bị... nhà thầu đã đưa vào công trường căn cứ hồ sơ nhập vật tư thiết bị vào công trường.
Cần bổ sung vào Luật Đấu thầu cơ chế bảo lãnh thanh toán của chủ đầu tư. Khi thực hiện xong 60 - 65% giá trị khối lượng gói thầu chủ đầu tư phải cam kết thực hiện bảo lãnh để bảo đảm đủ vốn thanh toán cho gói thầu. Mức bảo lãnh là số tiền còn phải thanh toán giá trị khối lượng còn lại của gói thầu.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, TS Dương Văn Cận
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/doanh-nghiep-xay-dung-voi-noi-lo-no-dong.html