Doanh nghiệp xây dựng: Vượt đáy thành công, leo dốc mỏi mệt

Từ năm 2020 tới nay, biểu đồ kinh doanh của ngành xây dựng giống hình 'chữ U', với năm 2023 là đáy. Đến 2024, các doanh nghiệp bắt đầu thoát đáy ghi nhận đà tăng trưởng đáng kể.

Nhiều doanh nghiệp xây dựng lãi lớn trở lại. Ảnh minh họa: HT

Nhiều doanh nghiệp xây dựng lãi lớn trở lại. Ảnh minh họa: HT

Vươn lên

Năm 2024, ngành xây dựng Việt Nam chứng kiến bất ngờ lớn nhất mang tên Hòa Bình (HoSE: HBC). Từ một đơn vị lỗ gần 3.700 tỷ đồng trong 2 năm liên tiếp (2022 – 2023), lỗ lũy kế tới 3.240 tỷ đồng (thời điểm kết thúc năm 2023), HBC báo lãi sau thuế 853 tỷ đồng, cao nhất kể từ năm 2018 đến nay.

Sự quật khởi của HBC là hình ảnh điển hình cho sự hồi sinh của ngành xây dựng năm 2024 - một năm của những cú "lội ngược dòng" đến từ các doanh nghiệp xây dựng hàng đầu trên cả 3 lĩnh vực: xây dựng dân dụng thương mại, xây dựng hạ tầng và xây dựng công nghiệp.

Cùng với HBC, FECON (HoSE: FCN), LILAMA (UPCoM: LLM) cũng là những đơn vị đã chuyển lỗ thành lãi trong năm 2024. Bên cạnh đó, năm qua cũng chứng kiến hàng loạt doanh nghiệp tăng trưởng mạnh về doanh thu và lợi nhuận sau thuế.

Cụ thể, về doanh thu, trong lĩnh vực xây dựng dân dụng thương mại, Coteccons (HoSE: CTD) tiếp tục cho thấy sự thăng hoa rực rỡ khi chỉ trong 6 tháng của năm tài chính 2025 đã cho ra doanh số 11.664 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Ricons đứng ngay sau với doanh thu 8.011 tỷ đồng, tăng 6%.

Đầu tư và Xây dựng Vina 2 (HNX: VC2) cũng tăng 13% đạt 1.233 tỷ đồng. Nhưng đà tăng trưởng doanh thu mạnh nhất thuộc về Tập đoàn Xây dựng SCG (HNX: SCG) với mức tăng 3,4 lần.

Trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng, Vinaconex (HoSE: VCG) đạt doanh số lớn nhất, 12.873 tỷ đồng, tăng 1,3%. Các doanh nghiệp cùng nhóm này, dù thua xa về doanh số nhưng lại vượt trội hơn VCG về tốc độ tăng trưởng, như: Tổng công ty 36 (UPCoM: G36) tăng 4%, Tổng công ty Thăng Long (HNX: TTL) tăng 7%, FCN tăng 17%, Tập đoàn CIENCO4 (UPCoM: C4G) tăng 20%, Lizen (HoSE: LCG) tăng 25%, Licogi 18 (HNX: L18) tăng 60%, Xây dựng Số 1 (HoSE: CC1) tăng 81% và mạnh nhất là Sông Đà 11 (HNX: SJE) tăng 3,4 lần.

Trong lĩnh vực xây dựng công nghiệp, LLM có thể xem là cái tên nổi bật. Năm qua, LLM ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu 20%, đạt 6.101 tỷ đồng, cao nhất trong 5 năm qua.

Sự tăng trưởng mạnh về doanh thu là cơ sở để lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp xây dựng nêu trên bật lên mạnh mẽ. Trong năm 2024, có 4 doanh nghiệp ghi nhận mức tăng lợi nhuận bằng lần là: VCG (tăng 2,3 lần), VC2 (tăng gấp 3,6 lần), L18 (tăng gấp 4 lần), SCG (tăng gấp 7,5 lần).

Các doanh nghiệp tăng trưởng hai chữ số gồm: CC1 (18%), LCG (30%), C4G (39%), HAN (42%), G36 (59%), SJG (83%), SJE (91%), Ricons (91%)…

Giá trị lợi nhuận của các doanh nghiệp trên cũng khá lớn, hầu hết đều đạt từ 100 tỷ đồng trở lên, tiêu biểu như: LCG (131 tỷ đồng), SCG (158 tỷ đồng), Ricons (159 tỷ đồng), SJE (170 tỷ đồng), C4G (178 tỷ đồng), CTD (bán niên 199 tỷ đồng), L18 (225 tỷ đồng), CC1 (259 tỷ đồng), SJG (944 tỷ đồng), VCG (945 tỷ đồng)…

Từ năm 2021 đến nay, ngành xây dựng lại mới chứng kiến những con số lợi nhuận "tươi tắn" như vậy.

Băn khoăn, lo ngại

Mặc dù các kết quả là rất tích cực, nhưng bức tranh tài chính - kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng vẫn còn tồn tại một số điểm đáng lo ngại.

Một là không phải doanh nghiệp nào cũng có lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính. Điển hình như FCN, lợi nhuận năm 2024 có được nhờ hoạt động ủy thác đầu tư. Hay với HBC, khoản lợi nhuận khổng lồ đến từ việc thanh lý tài sản, bán các khoản đầu tư và hoàn nhập dự phòng.

Đây là những khoản thu không bền vững, gần như chỉ ghi nhận một lần, nên nếu doanh nghiệp không thể cải thiện được hiệu quả của hoạt động kinh doanh cốt lõi, sự sa sút sẽ đến ngay vào năm tài chính tiếp theo, thậm chí doanh nghiệp còn có thể thua lỗ.

Hai là tại nhiều doanh nghiệp xây dựng, dù lợi nhuận được ghi nhận khá lớn, nhưng dòng tiền kinh doanh lại âm rất nặng. Các trường hợp tiêu biểu là: FCN (-142 tỷ đồng), LCG (-341 tỷ đồng), HAN (-292 tỷ đồng), SCG (-662 tỷ đồng), CC1 (-2.270 tỷ đồng)… Điều này cho thấy lợi nhuận có được chỉ tồn tại trên sổ sách chứ không thu được tiền về.

Việc hoạt động kinh doanh không thể tạo ra dòng tiền dương khiến doanh nghiệp phải đẩy mạnh vay mượn để bù đắp, làm chi phí tài chính gia tăng, ảnh hưởng tới kết quả lợi nhuận cuối cùng. Thực tế cho thấy năm 2024, nợ vay của SCG đã tăng 9%, FCN tăng 32%, CC1 tăng 40%, LCG tăng 50%...

Ba là về chất lượng tài sản vẫn chưa được cải thiện mạnh. Thống kê cho thấy số doanh nghiệp có các khoản phải thu chiếm từ khoảng 40% tổng tài sản trở lên khá nhiều, như: TTL (39%), FCN (43%), C4G (45%), HAN (45%), CC1 (47%), VC2 (50%), Ricons (50%), CTD (52%), PHC (52%), HBC (73%), TCD (73%), HTN (84%), SCG (90%)…

Dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi của nhiều doanh nghiệp vẫn ở mức lớn, thậm chí có xu hướng tăng lên, như: VCG (512 tỷ đồng), LLM (1.275 tỷ đồng), CTD (1.423 tỷ đồng), HBC (1.947 tỷ đồng), SJG (2.233 tỷ đồng)… Điều này cho thấy quản trị công nợ vẫn là thách thức đối với hầu hết doanh nghiệp xây dựng, khả năng nợ xấu gia tăng trong tương lai là hiện hữu.

 Dự báo thị trường bất động sản phục hồi sẽ giúp ngành xây dựng khởi sắc. Ảnh minh họa: HT.

Dự báo thị trường bất động sản phục hồi sẽ giúp ngành xây dựng khởi sắc. Ảnh minh họa: HT.

Ngoài ra, cũng cần phải thấy thêm rằng, bên cạnh những mảng màu tươi sáng của các doanh nghiệp kinh doanh tốt, thị trường xây dựng vẫn tồn tại không ít đơn vị làm ăn sa sút.

Năm 2024 đã đánh dấu sự suy thoái doanh thu của: HTN (-57%), TCD (-35%), PHC (-13%) hay đi xuống về lợi nhuận của: TTL (-92%), HTN (-70%), TCD (-36%)… Những doanh nghiệp chưa thể thoát đáy này nhiều khả năng sẽ vẫn phải đối diện với những thách thức trong năm tiếp theo, khiến bức tranh chung của ngành xây dựng vẫn chưa thể “đều màu”.

Dù vậy, với những triển vọng tích cực của nền kinh tế vĩ mô, quyết tâm đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ, sự hồi phục của thị trường bất động sản, kỳ vọng về một tương lai tốt hơn đối với các doanh nghiệp xây dựng là điều hoàn toàn khả thi. Chỉ có điều, khi đó, sự phân hóa giữa các doanh nghiệp sẽ ngày càng thêm rõ rệt.

Hải Thu

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/doanh-nghiep-xay-dung-vuot-day-thanh-cong-leo-doc-moi-met-post182986.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat