Phát triển nông nghiệp bền vững từ chuyển đổi số

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, biến đổi khí hậu, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, chuyển đổi số chính là chìa khóa cho sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Bình Dương đã và đang tích cực ứng dụng khoa học - công nghệ, bước đ ầu hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thu hoạch bưởi tại Hợp tác xã Cây ăn quả Tân Mỹ (xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên)

Hiện đại hóa nông nghiệp

Thời gian qua, việc ứng dụng số trong phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm. Các giải pháp canh tác thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và cảm biến đã giúp người nông dân tối ưu hóa việc quản lý và chăm sóc cây trồng, vật nuôi một cách hiệu quả; từ đó giúp tăng năng suất, giảm thiểu nguồn lực, sản xuất nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường.

BÌNH DƯƠNG ĐẶT MỤC TIÊU TRONG NĂM 2025 CÓ 70% SỐ XÃ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP, QUẢN LÝ TRANG TRẠI, VÙNG TRỒNG VÀ TIẾP CẬN THỊ TRƯỜNG.

Ông Trần Duy Liêm, Viện Ứng dụng Khoa học công nghệ và Đào tạo Mekong, cho biết trong bối cảnh công nghệ phát triển, chuyển đổi số (CĐS) không còn là một lựa chọn mà là yêu cầu tất yếu tạo ra những cơ hội kinh doanh mới vàmở rộng thị trường. Do đó, việc tạo dựng môi trường hệ sinh thái số làm nền móng thúc đẩy CĐS từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp sẽ góp phần rất lớn tăng giá trị ngành nông nghiệp trong nền kinh tế thị trường.

Thực tế cho thấy, thông qua việc ứng dụng công nghệ cao, ngành nông nghiệp của tỉnh đã khắc phục và giảm thiểu rủi ro từ các yếu tố tự nhiên khó kiểm soát, nâng cao chất lượng và giá trị của sản phẩm nông nghiệp, mang lại nhiều lợi ích kinh tế. Nhờ điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng, huyện Bắc Tân Uyên có điều kiện rất tốt để phát triển cây ăn trái. Trang trại 5 ha của ông Nguyễn Tấn Phước (xã Thường Tân) trồng bưởi da xanh và các loại cây ăn trái khác theo phương pháp hữu cơ. Ông Phước cho biết thời gian qua, ngành nông nghiệp của tỉnh đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho nông dân tiếp cận và áp dụng công nghệ số vào sản xuất, trong đó có phần mềm quản lý về tài chính và phần mềm quản lý vườn Facefarm giúp quản lý vườn cây hiệu quả, tiết kiệm hơn. Bên cạnh đó, ông còn tiếp cận thị trường tiêu thụ qua các nền tảng số từ việc bán hàng online qua các kênh như Zalo, Facebook, TikTok… Nhờ vậy, sản phẩm bưởi trang trại của ông không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn cung ứng ra thị trường phía Nam với sản lượng hơn 50 tấn bưởi/năm.

Đẩy nhanh tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Thời gian qua, ngành nông nghiệp của tỉnh đã tăng cường liên kết tiêu thụ nông sản trên nền tảng công nghệ, trong đó sàn thương mại điện tử (TMĐT) được xem là giải pháp tối ưu tạo ra những kênh phân phối mới, hiện đại. Đặc biệt, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch hỗ trợ đưa hoạt động sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường. Theo đó, các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh tham gia giao dịch trên các sàn postmart.vn, Voso.vn, binhduongtrade.vn, foodmap…

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), nhằm triển khai hiệu quả kế hoạch CĐS ngành NN&PTNT tỉnh Bình Dương giai đoạn 2022 -2025, sở đã và đang tích cực tuyên truyền,hỗ trợ chủ thể sản xuất nông nghiệp đẩy mạnh việc đưa sản phẩm lên sàn TMĐT, thực hiện giao dịch nông sản kết nối cung cầu trực tuyến. Sàn TMĐT không chỉ là kênh tiêu thụ sản phẩm an toàn, hiệu quả, mà còn giúp xây dựng thương hiệu nông sản cho các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp. Do đó, thời gian tới ngành NN&PTNT tiếp tục hỗ trợ các HTX, hộ nông dân đăng ký tham gia các sàn TMĐT để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; đồng thời tăng cường phối hợp với các sở, ngành, địa phương hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, cách thức xây dựng quy trình đóng gói, kết nối, giao nhận và tác nghiệp trên sàn TMĐT cho các HTX, người nông dân.

Nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy CĐS ngành nông nghiệp toàn diện hơn nữa trong thời gian tới, ông Lê Thanh Tâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết CĐS là quá trình làm thay đổi từ mô hình quản lý sản xuất truyền thống sang số hóa nhờ áp dụng công nghệ mới như điện toán đám mây. CĐS ngành nông nghiệp thành công sẽ giúp khắc phục được những hạn chế từ các mô hình sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết; đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại ngành, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả của ngành và bảo đảm phát triển bền vững.

THOẠI PHƯƠNG

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/phat-trien-nong-nghiep-ben-vung-tu-chuyen-doi-so-a342126.html