Doanh nghiệp xây lắp niêm yết kỳ vọng vào tăng tốc giải ngân đầu tư công
Kết quả giải ngân vốn đầu tư công quý I hàng năm thường thấp và năm nay cũng vậy. Dù vẫn còn không ít khó khăn, nhưng các nhà thầu kỳ vọng, tốc độ giải ngân sẽ được đẩy mạnh trong các quý tới.
Cơ hội việc làm cho các nhà thầu…
Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, tổng mức thanh toán vốn đầu tư trong quý I/2023 đạt 73.192,1 tỷ đồng, bằng 9,69% kế hoạch cả năm. So với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ thực hiện thấp hơn, nhưng giá trị giải ngân cao hơn (con số của quý I/2022 là 61.536 tỷ đồng và 11,03%).
Trong bối cảnh xuất khẩu yếu, các ngành sản xuất nhìn chung đều khó khăn, khiến GDP quý I/2023 tăng thấp, đầu tư công được kỳ vọng sẽ là đầu tàu kéo tăng trưởng kinh tế năm 2023. Kế hoạch giải ngân đầu tư công năm nay được Quốc hội thông qua là gần 750.000 tỷ đồng, tăng hơn 25% so với kế hoạch năm ngoái.
Nhiều dự án trọng điểm đã được khởi công như Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, Nhà ga hành khách và đường băng Sân bay Long Thành, Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột…, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp có vị thế và năng lực thi công các công trình kỹ thuật cao.
Ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco 4 (mã chứng khoán C4G) cho biết, theo yếu tố mùa vụ, các tháng đầu năm là giai đoạn thấp điểm thi công dự án của các doanh nghiệp xây dựng nên tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trong hai quý đầu năm thường ở mức thấp. Đây cũng là thời điểm các địa phương, các bộ, ngành hoàn thiện chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án và kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Các doanh nghiệp xây dựng nói chung, Cienco 4 nói riêng có nhiều cơ hội trúng các gói thầu đầu tư công giai đoạn 2023 - 2024.
Để tận dụng tối đa nguồn lực, các nhà thầu đã tăng cường liên danh để hỗ trợ cho nhau. Cuối năm ngoái và đầu năm nay, liên danh giữa Cienco 4 và một số doanh nghiệp đã trúng gói thầu XL-01 dự án Vũng Bùng - Vạn Ninh, gói thầu XL-01 dự án Hậu Giang - Cà Mau…, tổng giá trị hơn 11.000 tỷ đồng.
Liên quan đến nguồn nguyên liệu, ông Huỳnh cho hay, Chính phủ đã giải quyết vấn đề thiếu đá xây dựng bằng cách cấp phép khai thác mỏ mới, từ đó tăng tính cạnh tranh, kéo giá đi xuống. Giá sắt thép, xi măng cũng không còn cao như giai đoạn đầu năm.
Tương tự, liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Đạt Phương (mã chứng khoán DPG), Công ty cổ phần Xây dựng và Lắp máy Trung Nam, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính… đã trúng thầu gói XL-02 dự án xây dựng Cầu dây văng Rạch Miễu 2, một trong những công trình hạ tầng giao thông trọng điểm của hai tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, giá trúng thầu là 1.268,7 tỷ đồng.
… Nhưng vốn vẫn là vấn đề “đau đầu”
Chủ tịch hội đồng quản trị một doanh nghiệp niêm yết trên HOSE dự báo, bức tranh đầu tư công quý II/2023 sẽ tiếp tục yếu, bởi các hợp đồng xây dựng hạ tầng ở giai đoạn hiện tại có chung tình trạng dòng tiền bị “kẹt”, chủ đầu tư gặp khó khăn nên chậm giải ngân. Bản thân nhà thầu muốn vay thêm tiền để thi công cũng khó, chẳng hạn cần khoản vay 50 tỷ đồng thì chỉ vay được 15 tỷ đồng, do các ngân hàng đang siết lại các khoản cho vay. Các nhà cung cấp nguyên vật liệu thì thận trọng trong việc giao hàng, thường giao khi có tiền nên khó khăn này kéo theo khó khăn khác.
“Rất nhiều dự án, công ty phải vay vốn để triển khai, nhưng phải tính bằng năm mới được chủ đầu tư thanh toán và nếu tính theo yếu tố trượt giá thì không ít công trình rơi vào tình trạng thua lỗ”, vị chủ tịch doanh nghiệp chia sẻ.
Tỷ lệ nợ công/GDP giai đoạn 2021 - 2022 ở mức thấp (40 - 43% so với mức 55 - 61,4% giai đoạn 2017 - 2020) tạo tạo cơ sở cho Chính phủ đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư kể từ năm 2023.
Đồng quan điểm, ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Fecon (mã chứng khoán FCN) cho rằng, 2023 tiếp tục là một năm khó khăn không kém so với năm 2022. Mặc dù xây lắp là một trong những ngành được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách đẩy mạnh hoạt động đầu tư công của Chính phủ, song việc triển khai thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, mà hầu như các doanh nghiệp phải tự xoay xở.
Tại Fecon, dòng tiền từ thoái vốn dự án Vĩnh Hảo 6 giúp Công ty giải tỏa một phần áp lực nợ vay và tạo dư địa tài chính cho việc đẩy mạnh triển khai các gói thầu lớn trong năm 2023, nhưng chi phí tài chính, cụ thể là chi phí lãi vay vẫn là một gánh nặng lớn đối với nhiều doanh nghiệp.
“Ở giai đoạn trước, lãi suất chỉ khoảng 7 - 8%/năm nhưng hiện tại, phần lớn các doanh nghiệp đang chịu mức lãi vay từ 10 - 12%/năm. Chi phí tài chính đội lên, trong khi nợ phải thu không giảm, dẫn đến tình trạng một số nhà thầu thua lỗ”, ông Khoa nói.
Với Đạt Phương, vui khi trúng các gói thầu giá trị cao, nhưng doanh nghiệp này cũng “đau đầu” trong việc tìm nguồn lực để triển khai dự án. Đạt Phương từng phải dùng tài sản của Công ty để thế chấp vay vốn, dùng cổ phần của lãnh đạo doanh nghiệp làm tài sản đảm bảo khi phát hành trái phiếu. Trái phiếu của Đạt Phương có lãi suất 10,5%/năm trong năm đầu tiên, sau đó thả nổi, tương đương với lãi vay tại các ngân hàng.
Tính đến cuối năm 2022, Đạt Phương có tổng nợ phải trả hơn 3.932 tỷ đồng, gần gấp đôi vốn chủ sở hữu (2.206,8 tỷ đồng); trong đó, nợ ngắn hạn 2.218,9 tỷ đồng, nợ dài hạn 1.713,2 tỷ đồng.
Thông thường, một dự án đầu tư công từ khi ký hợp đồng đến khi hoàn thiện nhanh thì một năm, có nhiều dự án 2 năm, thậm chí lâu hơn mới thực hiện xong, nên lợi nhuận tùy thuộc vào từng dự án cũng như tốc độ giải ngân vốn.
Mặc dù gặp không ít khó khăn, nhưng các doanh nghiệp kỳ vọng, lãi suất đang có xu hướng giảm, nguồn nguyên liệu và giá cũng “dễ thở” hơn, sẽ giúp doanh nghiệp ghi nhận khối lượng công việc lớn hơn trong các quý tiếp theo.
Năm 2023, Cienco 4 đặt mục tiêu đạt 3.500 tỷ đồng doanh thu và 330 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế công ty mẹ, lần lượt tăng 28,4% và 117,2% so với mức thực hiện năm 2022.
Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (mã chứng khoán CTD) lên kế hoạch năm 2023 đạt doanh thu 16.249 tỷ đồng, tăng 12% và lợi nhuận sau thuế 233 tỷ đồng, gấp 11 lần so với mức thực hiện năm 2022.
Trong khi đó, Đạt Phương dự kiến năm nay đạt doanh thu 3.436,1 tỷ đồng, tăng 3,5% và lợi nhuận sau thuế 200,8 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với mức thực hiện năm ngoái.