Doanh nghiệp xuất khẩu lại gặp khó

Những tín hiệu hồi phục về đơn hàng xuất khẩu (XK) vừa được nhen nhóm lên trong 3 tháng cuối của năm 2023 đã lại 'lung lay' bởi những bất ngờ khách quan trên cung đường vận chuyển hàng hóa, khiến doanh nghiệp (DN) như đang 'ngồi trên đống lửa'.

Có thể xảy ra tình trạng thiếu tàu và container rỗng cục bộ. (Nguồn ảnh: chinhphu.vn)

Có thể xảy ra tình trạng thiếu tàu và container rỗng cục bộ. (Nguồn ảnh: chinhphu.vn)

Cước vận chuyển tăng từ 50 - 70%

Ông Vương Đức Anh - Người phát ngôn của Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, ngay đầu năm 2024, nền kinh tế đã đón nhận tin không vui khi lực lượng Houthi tại Yemen tấn công các tàu chở hàng đi qua khu vực Biển Đỏ. “Tuyến vận chuyển đi qua Biển Đỏ đóng vai trò quan trọng với nền kinh tế thế giới bởi đây là tuyến thương mại lớn kết nối châu Á với châu Âu (EU) và Mỹ. 30% việc đi lại của các tàu container toàn cầu đi qua khu vực này và bất kỳ mối đe dọa đáng kể nào tới sự an toàn này đều có thể gây ra những hậu quả dây chuyền” - ông Đức Anh nói.

Theo ông Đức Anh, hiện, 7 trong số 10 công ty vận chuyển lớn nhất thế giới, trong đó có BP và Hapag-Lloyd của Đức đã dừng việc sử dụng Kênh đào Suez và Biển Đỏ do cuộc khủng hoảng trên. Điều này sẽ làm giá cước vận tải tăng cao và thời gian giao hàng bị kéo dài gây ảnh hưởng rất nhiều đến việc giao thương của các DN.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng đã có văn bản gửi Cục Xuất nhập khẩu (XNK - Bộ Công Thương) về tình hình phát sinh tại Biển Đỏ. Theo văn bản này, tổng hợp từ ý kiến của một số DN về tình hình cước vận chuyển tàu biển cho thấy, từ tháng 1/2024, một loạt hãng tàu thông báo tăng giá cước vận chuyển đi Mỹ, EU và các nước. Nguyên nhân được viện dẫn là do căng thẳng tại Biển Đỏ ảnh hưởng đến an toàn và đường vận tải, nên họ buộc phải thay đổi hành trình, dẫn đến thời gian vận chuyển dài hơn, chi phí tăng lên. Hàng loạt hãng vận tải lớn như: Yang Ming Line, One, Evergreen Line, HMM, Maersk… đã gửi thông báo sẽ thu thêm phụ phí do phải thay đổi hải trình các tuyến châu Á - EU, tránh đi qua kênh đào Suez và khu vực Biển Đỏ.

Từ tháng 1/2024, cước vận chuyển container bằng tàu biển đi Mỹ/Canada và EU đều tăng rất nhiều so với tháng 12/2023, tùy hãng và tùy tuyến như cước đi bờ Tây Mỹ tăng 800 - 1.250 USD/cont (tương đương mức tăng 55 - 60%; Cước đi Bờ đông nước Mỹ tăng nhiều hơn, tăng từ 1.400 - 1.750 USD (tương đương mức tăng từ 60 - 73%). Riêng cước đi EU, tháng 1/2024 tăng rất nhiều so với tháng 12/2023 như cước vận chuyển đi HAMBURG (Đức) đã tăng khoảng 3,5 lần. Theo VASEP, điều này gây bất lợi rất lớn cho DN XK bởi có đến 80% lượng hàng đi bờ đông nước Mỹ/Canada và EU đều qua kênh đào này. Việc một số tàu chở hàng qua Biển Đỏ đã bị tấn công buộc các chủ tàu khác phải vòng qua mũi Hảo Vọng (Nam Phi), hành trình mất thêm 7 - 10 ngày…

VASEP đề nghị Cục XNK tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công Thương hoặc có các giải pháp, tác động để hỗ trợ cộng đồng DN XNK nói chung giảm áp lực lớn về chi phí vận tải tăng cao như hiện nay.

Cần đa dạng phương thức vận chuyển

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục XNK cho biết, Bộ Công Thương đã có văn bản khuyến cáo về việc hạn chế tác động của tình hình phát sinh tại khu vực Biển Đỏ. Theo đó, Cục XNK đã dự báo cước phí vận chuyển và phí bảo hiểm cho hàng hóa trao đổi giữa châu Á với EU và Bờ đông Bắc Mỹ sẽ tăng lên và hiện tượng thiếu container rỗng có thể xảy ra cục bộ.

Do đó, Cục đã đề nghị các DN theo dõi sát tình hình, chủ động lên phương án thích hợp, trao đổi với đối tác để trong trường hợp cần thiết có thể kéo dài thời gian đóng hàng, nhận hàng. Các DN tìm kiếm và đa dạng hóa nguồn cung để hạn chế ảnh hưởng đối với chuỗi cung ứng. Ngoài ra, có thể tìm hiểu về phương thức vận chuyển đường sắt để có lựa chọn khác nhau về phương thức giao hàng.

Ông Hải cũng lưu ý, khi ký kết và đàm phán hợp đồng thương mại, hợp đồng vận chuyển, DN nên có thêm điều khoản về bồi thường, miễn trách nhiệm trong các tình huống khẩn cấp. Cần mua bảo hiểm đầy đủ để phòng ngừa rủi ro và tổn thất khi hàng hóa kéo dài thời gian vận chuyển hoặc gặp sự cố khi đi qua tuyến đường này.

Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam cũng cho rằng, DN XK cần đa dạng phương thức vận chuyển trong ngắn hạn. Hiệp hội sẽ hỗ trợ DN cập nhật thông tin và phối hợp làm việc trong chuỗi cung ứng, XNK. Tuy nhiên, DN cần lưu ý khi ký kết, đàm phán hợp đồng thương mại, hợp đồng vận chuyển nên bổ sung điều khoản về bồi thường… trong những tình huống khẩn cấp cũng như mua bảo hiểm đầy đủ. Ngoài việc đa dạng phương thức vận chuyển, DN XK cũng nên đa dạng nhà cung cấp nguyên, phụ liệu để tránh bị gián đoạn quá trình sản xuất, ảnh hưởng tiến độ giao hàng.

Nhật Thu

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/doanh-nghiep-xuat-khau-lai-gap-kho-post501871.html