Doanh nghiệp xuất khẩu nông lâm thủy sản nỗ lực 'bứt tốc'

Với kết quả ấn tượng 6 tháng đầu năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nâng mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản cả năm cao hơn 2 - 3 tỷ USD so với chỉ tiêu Chính phủ giao. Đây cũng là tiền đề để các DN xuất khẩu nỗ lực bứt tốc trong những tháng cuối năm.

Năm 2024, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) dự kiến thu hoạch ít nhất 300 - 400 ha sầu riêng. Trong đó, tổng sản lượng tại Việt Nam đạt khoảng 800 tấn, diện tích trồng tại Lào cũng dự kiến sẽ thu được lượng trái bói đầu tiên trong năm nay. HAGL của Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) là một trong những doanh nghiệp niêm yết mạnh tay đầu tư cho quả sầu riêng với tổng diện tích tại Việt Nam và Lào là hơn 1.970 ha.

Nâng mục tiêu, nâng chất lượng

Chia sẻ về những kế hoạch này, Bầu Đức cho biết, HAGL làm sầu riêng giá thành 15.000 đồng/kg, bán giá nào cũng lời. Mỗi ngày công ty liên tục đón các đoàn thương lái đến hỏi thăm và mua tại vườn. Dù sầu còn non, thương lái Trung Quốc vẫn muốn mua và sẵn sàng đặt cọc với giá hấp dẫn. Ông khẳng định, trong 10 năm tới sầu riêng vẫn chưa đủ cung ứng nhu cầu tiêu dùng.

Sầu riêng là loại trái cây xuất khẩu dẫn đầu trong 6 tháng đầu năm với giá trị đạt 1,5 tỷ USD.

Sầu riêng là loại trái cây xuất khẩu dẫn đầu trong 6 tháng đầu năm với giá trị đạt 1,5 tỷ USD.

Theo Bộ NN&PTNT, sầu riêng là loại trái cây xuất khẩu dẫn đầu trong 6 tháng đầu năm với giá trị đạt 1,5 tỷ USD. Nhờ việc liên tục xô đổ nhiều kỷ lục, năm nay sầu riêng đặt mục tiêu xuất khẩu 3,5 tỷ USD, tăng đến 55% so với năm ngoái. Cần thêm 2 tỷ USD nữa ngành sầu riêng mới có thể cán đích kỷ lục, tuy vậy Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng đây hoàn toàn là mục tiêu khả thi.

Nửa đầu năm nay, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng GDP ngành nông lâm thủy sản đạt 3,38%, cao nhất trong nửa đầu năm của 5 năm gần đây.

Giá trị xuất khẩu sang Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản - 3 thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam, cũng đang tăng. Trong đó, Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng 20,7%, tăng 20,8%; Trung Quốc chiếm 20,2%, tăng 9,5% và Nhật Bản chiếm 6,7%, tăng 5%.

Với kết quả này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nâng mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản cả năm lên 57 - 58 tỷ USD, cao hơn 2 - 3 tỷ USD so với chỉ tiêu Chính phủ giao từ đầu năm.

Thay đổi tư duy, đầu tư công nghệ

Không chỉ ở lĩnh vực nông sản, ngành thủy sản cũng đang có nhiều cơ hội mới cho những tháng cuối năm. Nắm bắt được Mỹ là thị trường còn nhiều cơ hội tăng trưởng cho xuất khẩu những tháng cuối năm, nhiều DN đã xây dựng kế hoạch để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.

Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết, công ty chủ trương sẽ bán vào thị trường Mỹ 20% sản lượng trong năm nay. Để làm được điều đó, công ty hoàn thiện và đẩy mạnh nuôi tôm thương phẩm theo Công nghệ sinh học MPBiO, tạo ra sản phẩm tôm chất lượng cao.

Còn với CTCP Thực phẩm G.C thì chứng nhận ESG là “tấm kim bài” công ty hướng đến để mở rộng thị phần xuất khẩu tại Mỹ và châu Âu. Năm 2024 G.C đã đầu tư máy móc để sản xuất sản phẩm kích thước nhỏ cho 1 người sử dụng 1 lần, mục tiêu bán sang siêu thị tại châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên hiện “vua nha đam” chỉ có các thị trường xuất khẩu chính là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Nam Á, Trung Quốc, Trung Đông; một phần nhỏ xuất sang châu Âu. Trong dài hạn, nếu muốn tăng quy mô xuất khẩu vào châu Âu và Mỹ, đặc biệt với châu Âu thì chuẩn ESG là yếu tố bắt buộc.

“Hiện nay, hầu hết nhà mua hàng khi làm việc với GCFood đều đặt vấn đề đã có chứng nhận ESG chưa. Công ty đã nghiên cứu tìm hiểu, tuy nhiên cũng gặp những khó khăn. Mong là trong 1 - 2 năm tới sẽ làm được điều này”, ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT nói, đồng thời cho biết công ty đang tìm đơn vị tư vấn về lộ trình và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay.

Quay trở lại câu chuyện của quả sầu riêng – trái cây xuất khẩu chủ lực, được các nhà XK kỳ vọng rất lớn trong những tháng cuối năm. Theo nhận định của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Việt Nam là thị trường cung cấp sầu riêng tươi lớn thứ 2 cho Trung Quốc. Hiện dư địa vào thị trường này vẫn còn rất lớn, để tăng thị phần, ngành hàng sầu riêng cần tập trung ổn định sản lượng và chất lượng sản phẩm.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam Nguyễn Thanh Bình, để quản lý chất lượng quả sầu riêng, các cơ quan chức năng và các cơ quan chuyên ngành địa phương cần vào cuộc giám sát việc thực hiện quy trình sản xuất, từ vật tư đầu vào đến chăm sóc, thu hoạch...; quản lý chặt chẽ nhằm ngăn chặn việc tranh mua tranh bán làm rối loạn thị trường; đồng thời kiểm tra, giám sát việc cấp và sử dụng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đúng, hiệu quả; đẩy nhanh tốc độ đầu tư vào cơ sở hạ tầng logistics tại các vùng sản xuất tập trung, đầu mối trung chuyển, cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu...

Theo giới phân tích, mặc dù ngành nông nghiệp đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng chủ yếu vẫn xuất hàng thô, hàm lượng chế biến thấp nên giá trị và mức độ cạnh tranh không cao. Đây không phải là hướng đi bền vững và hiệu quả. Để mở rộng thị phần xuất khẩu, đặc biệt là sang các nước châu Âu và Mỹ, doanh nghiệp Việt cần phải thay đổi tư duy, đầu tư công nghệ hiện đại để đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe.

Để hoàn thành cao nhất các mục tiêu, Bộ NN&PTNT cho biết, sẽ triển khai nhiều giải pháp như tiếp tục phát triển mạnh thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông lâm thủy sản. Ngoài ra, tăng cường phối hợp với các Đại sứ quán, Tham tán thương mại, Tham tán nông nghiệp thu thập và cung cấp thông tin, thị hiếu, nhu cầu, cập nhật các chính sách, quy định cho doanh nghiệp, địa phương.

Đồng thời tiếp tục phối hợp với các địa phương chỉ đạo sản xuất lúa phù hợp diễn biến thời tiết và thị trường; theo dõi sát sản xuất cây công nghiệp, cây ăn quả, đặc biệt đối với cây ăn quả chủ lực để có chỉ đạo rải vụ phù hợp; tăng tỷ lệ sản phẩm có chứng nhận an toàn, VietGAP.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Phải nhất quán chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy đến hành động sang kinh tế nông nghiệp; quán triệt phương châm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2024 là: "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững". Phải chuyển đổi tư duy từ lấy sản lượng sang lấy giá trị gia tăng làm mục tiêu, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; chuyển đổi theo hướng khai thác đa tầng, đa giá trị trên một diện tích đất.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng Phòng Quản lý xuất nhập khẩu, Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa

Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch xuất khẩu năm, thời gian tới Sở Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp khơi thông thị trường xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục thị trường cũ, tiếp cận và đa dạng hóa thị trường mới. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về Hiệp định thương mại tự do, phối hợp với các tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường, đối tác cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương

Dù đã có kết quả xuất khẩu tốt trong nửa đầu năm, nhưng để tăng trưởng và phát triển bền vững, ngành gỗ Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung cần chủ động thích ứng trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, từ đó đưa ra những thay đổi linh hoạt trong quá trình sản xuất cũng như xuất khẩu, đặc biệt là phát triển công nghệ, chuỗi cung ứng sản phẩm từ nguyên phụ liệu đến logistics...

Đỗ Kiều

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/doanh-nghiep-xuat-khau-nong-lam-thuy-san-no-luc-but-toc-1101102.html