Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản tăng trưởng ấn tượng
Hiện nay, kinh tế trong nước và thế giới chưa hết khó khăn, tuy nhiên, nhờ có sự chuẩn bị tốt, nâng cao chất lượng sản phẩm và chủ động tìm thị trường nên nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản ở TP.HCM có nhiều đơn hàng xuất khẩu. Từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản tăng trưởng 2 con số.
Chuẩn bị tốt để nắm bắt cơ hội
Sau dịch bệnh, nhu cầu tiêu thụ trái cây tươi của nhiều nước trên thế giới gia tăng, trong đó có thị trường Mỹ, New Zealand, Trung Quốc... Đặc biệt, gần đây, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông Việt Nam đã đàm phán, ký kết xuất khẩu thêm một số trái cây qua đường chính ngạch đến các quốc gia này đã giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, sản lượng xuất khẩu.
Công ty Vina T&T có nhiều năm kinh nghiệm xuất khẩu sang những thị trường khó tính như Mỹ, Úc, Canada... đã nắm bắt tốt cơ hội này. Ngoài các loại trái cây xuất khẩu trước đây như: thanh long, nhãn, vú sữa, xoài, chôm chôm… năm nay, doanh nghiệp này xuất khẩu thêm trái bưởi da xanh, dừa sang thị trường Mỹ, New Zealand và sầu riêng sang Trung Quốc với số lượng lớn. Đến tháng 11/2023, tổng giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp đạt 72 triệu USD, tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Trần Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T cho biết, công ty chọn vùng đất phù hợp với từng loại trái cây để có chất lượng ngon nhất, tạo uy tín thương hiệu. Đồng thời, công ty cũng phối hợp với đối tác để cơ quan chức năng ở những nước nhập khẩu sang kiểm tra và cấp mã số vùng trồng. Hiện nay, công ty đang nhận được nhiều đơn hàng cho dịp tết dương lịch và tuần nào cũng có vài container trái cây tươi xuất khẩu sang Mỹ, New Zealand, Trung Quốc.
“Cuối năm, nhu cầu tiêu thụ tăng cao nên chúng tôi có sự chuẩn bị về vùng trồng và chất lượng sản phẩm để đảm bảo yêu cầu khắt khe của thị trường khó tính. Trên tất cả các lô hàng xuất khẩu, chúng tôi đảm bảo uy tín của doanh nghiệp. Chất lượng của sản phẩm đảm bảo để người dùng khi sử dụng cảm nhận độ tươi ngon, ngọt, đảm bảo chất dinh dưỡng của trái cây tươi”, ông Trần Đình Tùng cho biết.
Thời điểm này, Công ty cổ phần Phúc Sinh, chuyên xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ cà phê và hạt tiêu, có tổng doanh thu xuất khẩu tăng khoảng 18% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó giá sản phẩm xuất khẩu tăng từ 18- 25%. Cà phê và tiêu của doanh nghiệp đã xuất khẩu sang 102 nước trên thế giới với nhiều sản phẩm chế biến sâu. Đạt kết quả này là do trong lúc kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp ngồi chờ thị trường phục hồi thì Phúc Sinh đã cho nhân viên đi các nước Đông Âu, Trung Đông và Châu Á xúc tiến thương mại, tìm khách hàng mới.
Công ty cũng nghiên cứu sản xuất sản phẩm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm từ nguyên liệu đầu vào ở trang trại đến chế biến và khâu đóng gói cuối cùng, xây dựng thêm nhà máy chế biến gắn với vùng nguyên liệu.
“Chúng tôi tốn rất nhiều chi phí, công sức chia nhau đi khắp thế giới, Bắc Mỹ, Châu Âu, Trung Đông và Châu Á tìm đơn hàng, đi trực tiếp gặp khách hàng ở các nước sở tại. Chúng tôi đầu tư vào tư nhiều nhà máy thay đổi chất lượng với công nghệ mới, nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng chuyên sâu, chính vì vậy, chúng tôi có được sự ủng hộ lớn của khách hàng và có nhiều đơn hàng”, ông Phan Minh Thông, Tổng Giám đốc Công ty Phúc Sinh nói.
Hoàn thiện hạ tầng để cạnh tranh giá
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, năm nay, không chỉ các doanh nghiệp ở TP.HCM tăng trưởng tốt mà tình hình xuất khẩu nông sản của cả nước tăng trưởng rất tích cực. Từ đầu năm đến nay, tổng giá trị xuất khẩu các phẩm phẩm rau củ, trái cây của Việt Nam đạt 5,2 tỷ USD, tăng khoảng 60% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, thị trường xuất khẩu trái cây của Việt Nam còn rất tiềm năng, nhất là với các quốc gia lân cận. Tuy nhiên, bên cạnh việc thực hiện tốt quy hoạch vùng trồng, tập huấn cho nông dân, nhà sản xuất thực hiện các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, thì cơ quan chức năng và các địa phương cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Nhà nước cũng cần tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng ở vùng sản xuất để góp phần giảm giá thành sản phẩm, rút ngắn thời gian vận chuyển nông sản, nâng cao sức cạnh tranh.
“Nhà nước hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng sản xuất nông nghiệp như xây dựng đường, sửa chữa cầu cống... để phục vụ việc vận chuyển nông sản đến nơi tiêu thụ, đóng gói, chế biến thuận lợi, tiết kiệm, giảm chi phí đó là việc làm thiết thực nhất”, ông Đặng Phúc Nguyên cho biết thêm.
Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, kết quả xuất khẩu nông sản của doanh nghiệp TP.HCM cũng như cả nước tăng trưởng tích cực là tín hiệu vui. Tuy nhiên, để tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu ngành này trong thời gian tới, thì sự nỗ lực của nông dân, doanh nghiệp là chưa đủ. Nông dân, doanh nghiệp mong muốn có sự hỗ trợ của cơ quan chức năng trong xúc tiến thương mại và nhất là đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông ở nông thôn.