Doanh nghiệp xuất khẩu tăng tốc

Ngay sau khi dịch Covid-19 được khống chế, các doanh nghiệp (DN) lập tức bắt tay vào khôi phục sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu để bù đắp sản lượng thiếu hụt trước đó.

Công ty TNHH Blue Tec Vina trong khu công nghiệp Phú Thái đẩy mạnh sản xuất sau dịch

Công ty TNHH Blue Tec Vina trong khu công nghiệp Phú Thái đẩy mạnh sản xuất sau dịch

Xuất khẩu tắc

Dịch Covid-19 bùng phát, hàng loạt đơn hàng xuất sang châu Âu, Mỹ của Công ty TNHH Phú Sơn (Kinh Môn) bị đình lại. Sản phẩm chủ lực của công ty là đá nhân tạo gốc thạch anh nên nguyên liệu phải nhập từ châu Âu, chỉ một phần nhỏ nhập từ Đà Nẵng. Dịch bệnh khiến vận chuyển nguyên liệu gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn tới kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, nhiều đơn hàng không thể xuất khẩu do ách tắc ở khâu vận chuyển. Trong thời gian Hải Dương thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch, lượng hàng xuất khẩu của DN chỉ bằng khoảng 30% so với thời điểm trước đó. "Thiệt hại kinh tế có thể khắc phục được nhưng nguy cơ mất khách hàng mới là mối lo chính của DN. Vào được thị trường Mỹ và châu Âu là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của DN. Nếu không kịp thời xuất hàng cho đối tác, chúng tôi sẽ có nguy cơ mất khách hàng", ông Cao Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Phú Sơn lo lắng.

Đầu năm 2020, Công ty CP PALAT HD ở Gia Lộc đã đầu tư gần 200 máy sản xuất khẩu trang y tế (KTYT). Mỗi ngày DN có thể sản xuất hơn 500.000 KTYT các loại. Trong năm 2020, mỗi tháng công ty xuất khẩu từ 8-10 container KTYT sang thị trường Nhật Bản, Mỹ, Lào, Campuchia. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ cuối tháng 1.2021 đến nay, DN chưa xuất khẩu được chuyến hàng nào. Hàng sản xuất ra bị ùn ứ nên công ty phải cho hơn 70% lao động thời vụ tạm nghỉ việc.

Là một trong những DN có kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may nằm trong tốp đầu của cả nước, hơn 2 tháng qua Công ty TNHH May Tinh Lợi gặp không ít khó khăn. Mặc dù đơn hàng không bị giảm nhiều nhưng chi phí để phục vụ xuất khẩu lại tăng mạnh. Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, hàng nghìn lao động của DN tại các khu vực bị phong tỏa, cách ly không đến làm việc được. Bên cạnh đó, nhà máy của công ty tại khu công nghiệp Lai Vu phải tạm dừng sản xuất một thời gian để phòng chống dịch dẫn tới thiếu lao động trầm trọng. Theo ông Đỗ Xuân Hưng, Giám đốc Tài chính của công ty, do ảnh hưởng của dịch nên một số đơn hàng bị trễ. DN phải làm việc với đối tác để gia hạn thời gian giao hàng. Trong thời gian cách ly, việc đi lại, xuất khẩu qua cảng Hải Phòng gặp nhiều khó khăn nên buộc DN phải xuất qua đường hàng không dẫn tới chi phí tăng mạnh.

Do nằm trong khu công nghiệp Phú Thái nên Công ty TNHH Innovation Group Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch. Là DN chuyên sản xuất các chi tiết cao su cho xe ô tô, thị trường tiêu thụ chính là Nhật Bản, Philippines và một số quốc gia khác nên trong hơn 3 tuần tạm dừng hoạt động, nhiều đơn hàng theo hợp đồng đã bị chậm, thiệt hại kinh tế không nhỏ.

Công ty CP PALAT HD tập trung nhân lực, dồn sức để sản xuất sau khi dịch bệnh được kiểm soát

Công ty CP PALAT HD tập trung nhân lực, dồn sức để sản xuất sau khi dịch bệnh được kiểm soát

Đẩy nhanh tiến độ sản xuất

Từ khi dịch bệnh được kiểm soát, Công ty TNHH Phú Sơn đã triển khai hàng loạt giải pháp tăng tốc sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu để bù đắp thiếu hụt đơn hàng cho đối tác. Từ khi Hải Dương kết thúc giãn cách xã hội, hàng xuất khẩu của công ty tăng gấp đôi so với thời điểm thực hiện phong tỏa phòng chống dịch nhưng cũng chỉ bằng một nửa trước khi dịch bùng phát. "Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, chúng tôi tập trung đẩy nhanh tiến độ sản xuất, liên hệ với đối tác tháo gỡ khó khăn trong cung cấp nguyên liệu đầu vào. Hiện mỗi ngày công ty xuất khẩu được 1 container đá nhân tạo qua cảng Hải Phòng, tương đương 500 m2. Hàng sản xuất ra đến đâu chúng tôi chuyển cho khách ngay đến đó dù sản lượng chưa nhiều như kỳ vọng", ông Cao Văn Tuấn chia sẻ.

Lãnh đạo Công ty TNHH Innovation Group Việt Nam cho biết, ngay sau khi được hoạt động trở lại, DN tuyển thêm gần 20 công nhân, bố trí tăng ca để đủ hàng xuất cho đối tác, bù đắp lượng hàng thiếu hụt trong thời gian nghỉ vì dịch. Ngoài các hoạt động sản xuất, công ty cũng yêu cầu tất cả cán bộ, nhân viên tuân thủ tuyệt đối yêu cầu phòng chống dịch.

Để duy trì sản xuất, đầu tháng 3 này Công ty CP PALAT HD cho khoảng 100 lao động làm việc trở lại. "Dù đơn hàng xuất khẩu mới trong tháng 3 chưa có nhưng chúng tôi vẫn phải bố trí một bộ phận công nhân đi làm trở lại để giữ chân lao động. Hiện nay, sản xuất chỉ cầm chừng với hy vọng trong thời gian tới khi dịch bệnh được khống chế hoàn toàn thì DN sẽ tập trung nhân lực, dồn sức để tăng tốc sản xuất. Thời gian qua, hoạt động xuất khẩu của DN bị ngừng trệ nhưng công ty đang làm thủ tục để xuất khẩu 2 đơn hàng cũ đi Mỹ", bà Phạm Thị Hà Điệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP PALAT HD cho biết.

Còn theo ông Đỗ Xuân Hưng, Giám đốc Tài chính Công ty TNHH May Tinh Lợi, hiện nay, khi dịch Covid-19 tại Hải Dương đã cơ bản được kiểm soát, người lao động đi làm trở lại, DN cho công nhân tăng ca nhiều hơn và tuyển dụng thêm lao động để bổ sung vào các vị trí còn thiếu, bảo đảm kế hoạch sản xuất; đồng thời thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch để sản xuất an toàn.

PV

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/doanh-nghiep/doanh-nghiep-xuat-khau-tang-toc-162169