Doanh nghiệp yếu kém hết đường huy động vốn bằng trái phiếu
Trái phiếu doanh nghiệp phát hành tại thị trường trong nước bị hạn chế giao dịch trong phạm vi dưới 100 nhà đầu tư.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 81/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (DN). Đáng chú ý, nghị định quy định từ ngày 1-9 tới, DN phát hành trái phiếu tại thị trường trong nước bị hạn chế giao dịch dưới 100 nhà đầu tư trong vòng một năm từ ngày hoàn thành đợt phát hành. Sau thời gian này, trái phiếu DN được giao dịch không hạn chế số lượng nhà đầu tư.
Đừng thấy lãi suất cao là mua
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa báo cáo về tình hình phát hành trái phiếu riêng lẻ trong nửa đầu năm nay. Cụ thể, các DN đã huy động hơn 156.300 tỉ trái phiếu. Trong đó, nhóm bất động sản ghi nhận đà tăng đột biến.
Đáng chú ý, trong nhóm bất động sản, Vingroup, TNR Holdings, nhóm Sovico, Novaland, Sungroup là những cái tên dẫn đầu. Quy mô giá trị phát hành của từng nhóm đạt từ 6.000 tỉ đến 15.000 tỉ đồng. Còn trong nhóm ngân hàng thì BIDV, HDBank và VPBank phát hành trái phiếu quy mô lớn nhất, từ 7.000 tỉ đến 15.000 tỉ đồng.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán SSI, tổng lượng trái phiếu DN hiện lưu hành ước khoảng 783.000 tỉ đồng, tương đương 12,8% GDP lũy kế 12 tháng gần nhất. Trái phiếu DN đang trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn nhờ lãi suất cao hơn 0,8%-1,7%/năm so với lãi suất tiền gửi. Tuy nhiên, lợi nhuận thường đi kèm với rủi ro.
“Sở hữu trái phiếu đồng nghĩa với việc nhà đầu tư trở thành chủ nợ của tổ chức phát hành và sẽ đối mặt với các rủi ro về mất khả năng thanh toán. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có đơn vị trung gian độc lập định hạng các trái phiếu DN, trong khi việc tự đánh giá chất lượng các trái phiếu DN là việc vượt quá khả năng của các nhà đầu tư cá nhân” - SSI nhìn nhận.
Do vậy, việc Nghị định 81 của Chính phủ ban hành quy định về phát hành trái phiếu DN được xem là bước đi cần thiết để thanh lọc thị trường. TS Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính - ngân hàng, cho rằng với quy định tại Nghị định 81, Chính phủ đang khuyến khích nhà đầu tư chuyên nghiệp, các tổ chức tham gia mua. Bởi các nhà đầu tư chuyên nghiệp thường thẩm định thận trọng về tiềm năng của trái phiếu DN trước khi mua, điều này sẽ giúp an toàn hơn cho nền kinh tế.
Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư cá nhân thiếu cả dữ liệu, thông tin lẫn kinh nghiệm, khả năng để phân tích tiềm lực của DN nhưng cứ thấy trái phiếu DN có lãi suất cao là mua.
“Giả sử một công ty yếu kém về tiềm lực tài chính song vẫn phát hành trái phiếu để huy động vốn, nhà đầu tư cá nhân không đủ kinh nghiệm lao vô mua. Mua xong rồi DN phá sản, rất dễ gây phản ứng dây chuyền, tạo nên bất ổn cho nền kinh tế. Do đó, chỉ có DN tốt, tiềm năng thực sự mới thu hút được nhà đầu tư chuyên nghiệp. Còn DN nào lôm côm, tiềm năng trái phiếu có vấn đề thì sẽ ế” - TS Huỳnh Trung Minh phân tích.
Buộc doanh nghiệp phải làm bài bản
Nghị định 81/2020 còn có một số thay đổi về phát hành trái phiếu. Ví dụ, DN phát hành phải đảm bảo dư nợ trái phiếu phát hành riêng lẻ tại thời điểm phát hành (bao gồm cả khối lượng dự kiến phát hành) không vượt quá năm lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quý gần nhất tại thời điểm phát hành được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đặc biệt, mỗi đợt phát hành phải hoàn thành trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày công bố thông tin trước khi phát hành; đợt phát hành sau phải cách đợt phát hành trước tối thiểu sáu tháng…
Theo chuyên gia kinh tế Dương Anh Vũ, các đơn vị phát hành trái phiếu có thể đáp ứng được nhiều điều kiện mới trong Nghị định 81/2020. Riêng đối với quy định “mỗi đợt phát hành phải hoàn thành trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày công bố thông tin trước khi phát hành…” buộc DN phải lên kế hoạch phát hành cụ thể, bài bản hơn. Vì nếu vi phạm sẽ bị cơ quan chức năng xử lý theo các quy định trên thị trường chứng khoán.
Bình luận thêm về quy định này, TS Huỳnh Trung Minh ví von trái phiếu DN giống một món ăn. Theo đó, nếu là đồ ăn ngon thì bán ra có người mua liền, ăn liền, còn nếu là đồ không ngon thì ngày càng xuống chất mà cũng chẳng có ai ăn. Do đó, phải có giới hạn thời gian cụ thể để DN phát hành trái phiếu có kế hoạch bán hàng bài bản và nhà đầu tư phân tích được, biết được vốn huy động được dùng vào mục đích gì, thu lời ra sao… chứ không thể cứ thiếu tiền là đi phát hành trái phiếu bừa bãi.
“Quy định mỗi lần huy động vốn thông qua hình thức phát hành trái phiếu chỉ được phép kéo dài 90 ngày đòi hỏi DN phải chứng tỏ được mình là DN làm ăn đàng hoàng, chứ không có kiểu vẽ ra chiến lược kinh doanh ảo rồi sử dụng vốn của nhà đầu tư không đúng mục đích” - TS Minh nhấn mạnh.
Chỉ nên mua trái phiếu qua ngân hàng hoặc công ty chứng khoán
Bộ Tài chính thời gian gần đây liên tục cảnh báo rủi ro khi không ít đơn vị có dấu hiệu chào mời nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu bằng mọi giá. Bộ yêu cầu các đơn vị phát hành trái phiếu không chào mời bằng mọi giá mà phải có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ như tình hình tài chính của DN, mục đích phát hành, tài sản đảm bảo...
Với các nhà đầu tư, Bộ Tài chính khuyến cáo không nên mua trái phiếu dựa trên tiêu chí lãi suất cao vì có khả năng không thu hồi được khoản tiền đầu tư bao gồm cả gốc và lãi nếu DN phát hành gặp khó khăn.
TS Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính - ngân hàng, cũng khuyến nghị nhà đầu tư chỉ nên mua trái phiếu DN qua ngân hàng hoặc công ty chứng khoán. Bởi đây là những nhà đầu tư tổ chức, nhà môi giới có kinh nghiệm để phân tích, thẩm định đối với DN phát hành trái phiếu. Bên cạnh đó, để an toàn vốn cao hơn, nhà đầu tư cá nhân cần phải tìm hiểu kỹ trái phiếu DN mà họ có ý định mua là loại trái phiếu DN có tài sản đảm bảo hay là loại trái phiếu tín chấp, tiềm lực nhà kinh doanh, việc trả lãi ra sao...