Doanh nhân 8X biến rơm thành 'vàng'

Doanh nhân Nguyễn Xuân Tài, Giám đốc Công ty Cổ phần Ulstraw (Yên Định, Thanh Hóa) đã biến những sợi rơm bỏ đi thành sợi 'vàng', xuất khẩu ra nước ngoài, vừa thu về ngoại tệ, vừa giảm ô nhiễm môi trường.

Được yêu thích nhất trên Amazon

Ở những nước công nghiệp như Mỹ, Canada... người dân thường xuyên đốt lửa để sưởi ấm, nướng đồ, nhóm bếp khi dã ngoại. Vật liệu nhóm lửa thường được họ mua ở cửa hàng, siêu thị.

Doanh nhân Nguyễn Xuân Tài và sản phẩm "kẹo" rơm của Ulstraw.

Doanh nhân Nguyễn Xuân Tài và sản phẩm "kẹo" rơm của Ulstraw.

Nắm bắt được nhu cầu đó, anh Nguyễn Xuân Tài đã nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm mồi lửa Eco Firelighter. Khác với nhiều mồi lửa bán trên thị trường được làm từ bột gỗ, giấy, Eco Firelighter được làm từ những sợi rơm bỏ đi trên đồng ruộng. Những sợi rơm vàng được ép vuông vắn như những viên kẹo socola, xếp gọn trong hộp với những thông tin hướng dẫn bảo quản cần thiết.

Khảo sát của PV trên trang thương mại điện tử Amazon, Eco Firelighter có 3 sản phẩm đang chào bán, có cấu trúc sản phẩm giống nhau nhưng số lượng khác nhau là 30, 50, 100 viên. Giá bán lần lượt 13.99 USD (335.000 đồng), 14.49USD (347.000 đồng), 19.99USD (479.000 đồng). Đáng chú ý, Eco Firelighters lọt vào top 1 sản phẩm mới phát hành được yêu thích nhất trên Amazon.

Trên website của Công ty Cổ phần Ulstraw (https://ulstraw.com), ngoài giới thiệu sản phẩm Eco Firelighter, Ulstraw còn kể những câu chuyện về rơm và những hoạt động xã hội như tặng xe đạp cho học sinh khó khăn, tặng thiết bị âm thanh cho nhà cộng đồng xã. Tất cả đều được dịch, đăng tải bằng tiếng Anh.

Theo chủ nhân của những viên "kẹo" rơm này, sở dĩ website sử dụng tiếng Anh là bởi sản phẩm phục vụ thị trường nước ngoài như Mỹ, Canada...

Nhiều lợi ích với môi trường

Anh Tài cho biết, Việt Nam là nước nông nghiệp lúa nước nên rơm sẵn có, dồi dào. Rơm có đặc tính mềm, nhẹ, là nguồn nguyên liệu bất tận. Việc sử dụng rơm thay thế cho các sản phẩm làm từ gỗ giúp giảm thiểu phát thải ô nhiễm ra môi trường.

Doanh nhân Nguyễn Xuân Tài giới thiệu công dụng của sản phẩm Ulstraw.

Doanh nhân Nguyễn Xuân Tài giới thiệu công dụng của sản phẩm Ulstraw.

Nhưng hiện nay, rơm đang bị đốt bỏ, quá trình cháy gây tăng lượng khí thải carbon, gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, anh chọn rơm làm nguyên liệu sản xuất.

Theo anh, lợi thế cạnh tranh của Ulstraw là sử dụng rơm để tạo thành các sản phẩm cháy với hiệu suất cao giúp giảm phần lớn phát thải. Theo ước tính, 10.000 hộp sản phẩm Eco Firelighter sẽ giảm bớt được khoảng 26.000kg khí CO2. Sử dụng rơm để thay thế các sản phẩm từ gỗ cũng giúp giảm nhu cầu từ gỗ. Nhiều cây gỗ sẽ tiếp tục được sống để tham gia vào quá trình giảm phát thải carbon.

Bên cạnh đó, việc tiêu thụ rơm cũng mang lại kinh tế cho người nông dân. Theo đó, cứ 10.000 hộp sản phẩm Eco Firelighter, người nông dân Việt Nam có thêm thu nhập khoảng 190 triệu đồng.

Không tiết lộ doanh thu, song anh Tài cho biết Ulstraw có quy mô sản xuất là 7.000 sản phẩm/tháng. Ulstraw nắm toàn bộ quy trình sản xuất, từ thiết kế máy móc cho đến vận hành.

Trong dự tính của anh, sản phẩm từ rơm không chỉ có mồi lửa mà còn nhiều sản phẩm khác trong tương lai, dự định năm 2025 sẽ mở rộng thêm nhóm sản phẩm là viên nén nhiên liệu.

Cơ duyên với rơm

Chia sẻ về chuyện "bén duyên" với những viên "kẹo" rơm, anh Tài cho biết, anh biết đến mồi lửa năm 2018, sau một lần người bạn nước ngoài nói tầm quan trọng của bếp lửa đối với đời sống người dân và sự cần thiết của mồi lửa. Sau 2 năm tìm hiểu, nghiên cứu, anh chọn rơm là nguyên liệu khởi nghiệp.

Song, việc tìm đầu ra cho sản phẩm khi ấy khá chật vật, nhất là khi anh không có nhiều kinh nghiệm về kinh doanh, tìm thị trường ở nước ngoài.

Sau nhiều ngày suy nghĩ, bàn lên tính xuống, anh quyết định chuyển hướng phát triển thị trường, từ định hướng xuất khẩu ban đầu sang mở rộng thị trường qua sàn thương mại điện tử (ecommerce), trong đó Amazon làm một ví dụ.

Anh Tài cho biết, hiện tại thương mại điện tử rất phổ biến, thị phần cũng rất lớn. Bán hàng trên các trang thương mại điện tử sẽ nhận được những phản hồi rất nhanh, tốn ít nguồn lực và thời gian.

"Đầu tiên tôi mở rộng thị trường trên sàn thương mại điện tử, sau khi có doanh thu, nhận phản hồi từ khách hàng, sẽ có căn cứ sản xuất, điều chỉnh sản phẩm phù hợp với nhu cầu. Phản hồi của khách hàng là cơ sở để đàm phán với những nhà phân phối để mở rộng tiếp kênh offline. Tất nhiên không thể nói đến là việc tìm hiểu và phải đáp ứng được các yêu cầu xuất nhập khẩu, thủ tục thuế quan", anh kể.

Để phục vụ tốt hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, anh học thêm chuyên ngành kinh tế đối ngoại của Trường Đại học Ngoại thương.

Với kiến thức và kinh nghiệm trau dồi, anh đã dẫn dắt Ulstraw chinh phục, dành chiến thắng cuộc thi Khởi nghiệp tạo tác động xã hội năm 2023 (Social Business Creation), tạo tác động xã hội to lớn trên quy mô toàn cầu.

Lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam cho biết, đề tài về rơm ở Việt Nam không mới, nhưng Ulstraw đã có sự sáng tạo, đột phá để dành được giải thưởng.

Ông Lê Phi Cường, Phó chủ tịch xã Yên Thị, huyện Yên Định, Thanh Hóa cho biết: "Anh Nguyễn Xuân Tài và Ulstraw liên hệ chặt chẽ với địa phương và cộng đồng dân cư, nơi công ty hoạt động. Công ty đang tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương và giải quyết được nguồn nguyên liệu sản xuất nông nghiệp, đem lại rất nhiều lợi ích".

Theo Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI), mỗi năm Việt Nam sản xuất khoảng 40 triệu tấn rơm, khoảng 60% lượng rơm này vẫn bị đốt bỏ trên đồng sau mỗi vụ thu hoạch. Nguyên nhân chính là do thiếu giải pháp công nghệ và thị trường, giá thu mua rơm còn thấp. Trước nay, rơm xuất khẩu thường được bó thành cuộn lớn, xuất khẩu thô phục vụ chăn nuôi, che phủ cho các loại cây nông nghiệp.

Châu Anh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/doanh-nhan-8x-bien-rom-thanh-vang-192240711230246371.htm