Doanh nhân bị giật nợ đi báo công an, trở thành… tù nhân!
Bán nhà xưởng, dù chưa nhận được tiền đã bị bên mua sang tên toàn bộ tài sản. Có nguy cơ mất của, bà Nguyễn Thị Hoài Anh đến Công an Tiền Giang tố cáo, bỗng dưng bà bị bắt vì tội 'trốn thuế' về hoạt động mua bán này.
Trong thời gian bà bị tạm giam, bên mua bán tiếp tài sản rồi đi định cư ở nước ngoài (vẫn không trả nợ). Sau gần 1 năm tạm giam bà, công an cho gia đình bảo lãnh tại ngoại. Từ một doanh nhân, bị giam cầm, nhà xưởng mất sạch, công ty bị xóa tên, 10 năm qua cơ quan điều tra vẫn chưa có cơ sở buộc tội và giờ bà vẫn là “bị can” đứng trước cửa nhà tù...
Mất của, vào tù
Tháng 2-2008, bà Nguyễn Thị Hoài Anh lập giấy tay bán toàn bộ “1,7ha đất và xưởng may” tại Tiền Giang cho bà Phạm Thị Ngọc Lành. Giá bán được quy ra tiền Việt là 12 tỷ đồng. Hai bên thỏa thuận bên bán sẽ làm ủy quyền cho bên mua được toàn quyền quyết định mọi việc trong công ty, nhưng sau khi nhận đủ tiền mới làm thủ tục sang tên.
Đến tháng 3-2008, hai bên làm thủ tục công chứng. Hợp đồng công chứng mang tên công ty, gồm: bên bán là Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ C&A (do bà Hoài Anh làm người đại diện trước pháp luật), bên mua là Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại Dịch vụ Úc - Việt (bà Ngọc Lành đứng tên). Tuy nhiên, đất này có nguồn gốc thuê của Nhà nước trả tiền hàng năm (theo Hợp đồng thuê số 1263/HĐ-TĐ ngày 13-10-2004 giữa Sở TN-MT tỉnh Tiền Giang và Công ty C&A) nên không được phép bán, do vậy phòng công chứng chỉ chấp nhận công chứng việc chuyển nhượng nhà xưởng (công trình xây dựng trên đất và máy móc thiết bị...), với giá được tách ra là 9 tỷ đồng. Trong khi 3 tỷ đồng còn lại là chi phí hưởng quyền được thuê đất của nhà nước, nhưng để đảm bảo việc thanh toán, hai bên ký thành hợp đồng vay mượn nợ.
Vì công ty của bà Hoài Anh thế chấp tài sản này để vay nợ ngân hàng 7,3 tỷ đồng (chưa tính lãi) nên hai bên làm ủy nhiệm thanh toán qua ngân hàng. Không ngờ, mới thanh toán xong số nợ và lãi ngân hàng, bà Ngọc Lành nhận giải chấp toàn bộ giấy tờ, tiến hành thủ tục sang tên tài sản cho công ty của bà Ngọc Lành. Số tiền còn lại trong hợp đồng mua bán cũng như số nợ trong hợp đồng vay mượn bà Ngọc Lành đều không trả, trong khi tài sản đã sang tên xong. Bà Hoài Anh bức xúc đã mang hồ sơ tố lên Công an tỉnh Tiền Giang.
Không những công an không hỗ trợ bà Hoài Anh đòi nợ mà còn khởi tố bà Hoài Anh về tội “trốn thuế” đối với số tiền 3 tỷ đồng trong hợp đồng vay mượn nợ kể trên. Công an cho rằng, bà Hoài Anh tách 3 tỷ đồng trong hợp đồng mua bán ban đầu là để giảm số tiền thuế phải nộp. Do vậy, Đại tá Ngô Thanh Phong, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT tỉnh Tiền Giang, ký Quyết định số 69 năm 2009 khởi tố, bắt tạm giam bà Hoài Anh về tội trốn thuế. Các quyết định này đã được Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Trần Văn Anh phê chuẩn.
Trong thời gian bà Hoài Anh bị tạm giam, công ty của bà Ngọc Lành tiếp tục dùng tài sản mua của bà Hoài Anh - nhưng chưa thanh toán xong, để thế chấp ngân hàng, sau đó bà Ngọc Lành không trả nợ đúng hạn nên ngân hàng đã thanh lý tài sản thu hồi nợ. Bà Ngọc Lành giải thể công ty, ra nước ngoài sống, để lại khoản nợ của bà Hoài Anh khi bà Hoài Anh đang trong tù.
Sau nhiều lần gia hạn tạm giam nhưng không đủ yếu tố buộc tội, Viện KSND tỉnh đã cho gia đình bà Hoài Anh bảo lãnh bà tại ngoại. Bà Hoài Anh trở về thì đã trắng tay, gần nửa gia tài chưa nhận được mà con nợ đã trốn ở nước ngoài. Công ty cũng đã bị Sở KH-ĐT tỉnh xóa tên đăng ký kinh doanh. Sau 10 năm với nhiều lần công an tạm đình chỉ, rồi phục hồi điều tra, rồi tạm đình chỉ... đến nay cuộc đời doanh nhân Hoài Anh hiện vẫn đang “treo” trong cáo trạng, ngấp nghé trước cửa nhà tù!
Không dám nhận sai, phải truy tố bằng được!
Một vụ án lạ! - Đó là nhận xét của nhiều luật sư. Lạ là đến gần chục lần kết luận điều tra, điều tra bổ sung, với nhiều điểm sai, vẫn không dám thừa nhận.
Thứ nhất, ban đầu công an khởi tố bà Hoài Anh tội trốn thuế đối với cả 2 hợp đồng mua bán lẫn hợp đồng mượn nợ, trong khi trong hợp đồng thỏa thuận bà Ngọc Lành có trách nhiệm nộp thuế nhưng lại không khởi tố bà Ngọc Lành đồng phạm. Sau đó, công an rút quyết định khởi tố đối với hợp đồng mua bán, mà chỉ khởi tố trốn thuế đối với hợp đồng vay mượn 3 tỷ đồng vì cho rằng số tiền chuyển từ hoạt động mua bán sang vay mượn để không phải nộp thuế, quy ra số tiền thuế trốn là 183 triệu đồng.
Thứ hai, sau 2 tháng ký hợp đồng sang xưởng thì cơ quan thuế đến lập biên bản xác định doanh nghiệp của bà Hoài Anh bỏ địa chỉ kinh doanh, nhưng sau đó vẫn mời được doanh nghiệp lên làm việc (có biên bản). Đã vậy cơ quan thuế vẫn đề nghị Sở KH-ĐT xóa tên doanh nghiệp vì bỏ địa chỉ kinh doanh.
Thứ ba, dù công ty của bà Hoài Anh đã bị Sở KH-ĐT xóa tên từ tháng 9-2008 thế nhưng đến tháng 7-2010 bà Hoài Anh (sau khi được tại ngoại) vẫn nộp được tiền nợ thuế của công ty vào kho bạc.
Thứ tư, việc sang nhượng này là giữa công ty và công ty nhưng bên bán chưa xuất hóa đơn, cơ quan thuế và UBND tỉnh vẫn cho đăng bộ sang tên giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng trên đất là sai. Cục Thuế tỉnh Tiền Giang ghi rõ trong Công văn 707/CT-TTrT ngày 5-10-2010 gửi cơ quan điều tra xác định: Việc mua bán này đã được cơ quan thuế biết rõ (vì bà Hoài Anh có gửi đơn kêu cứu đến cơ quan thuế), lẽ ra phải hướng dẫn cho các bên. Trong khi đó, tháng 6-2008, ngành thuế lại cho phép bà Ngọc Lành lập thủ tục đóng thuế trước bạ để sang tên toàn bộ tài sản khi công ty của bà Hoài Anh chưa xuất hóa đơn là việc làm không đúng pháp luật về thuế...
Tuy nhiên, khi đọc toàn bộ hồ sơ vụ án, một cán bộ điều tra Bộ Công an cho rằng khởi tố tội trốn thuế đối với 3 tỷ đồng này là sai. Bởi, từ hợp đồng thỏa thuận ban đầu giữa 2 cá nhân ghi giá 12 tỷ đồng là chuyển nhượng luôn đất. Nhưng vì chuyển nhượng đất là không hợp pháp, do đất thuê của nhà nước thì không được quyền chuyển nhượng - đó chính là lý do phòng công chứng không công chứng nội dung chuyển nhượng đất. Giả thiết, nếu các bên ghi trong hợp đồng là sang nhượng đất (đất thuê của nhà nước) thì hợp đồng sẽ bị vô hiệu. Có nghĩa là hoạt động sang nhượng đất là không hợp pháp, mà không hợp pháp thì nhà nước không có quyền thu thuế, nếu không được quyền thu thuế thì không có hành vi trốn thuế.
Đơn giản như thế, nhưng hậu quả nặng nề, để lại bao nuối tiếc. Giá như cơ quan thuế thực hiện đúng pháp luật, ngăn chặn không cho sang tên tài sản (khi không có hóa đơn) thì bà Ngọc Lành không thể sang tên rồi bán tháo tài sản để đi nước ngoài; bà Hoài Anh sẽ không bị mất của. Giá như Công an Tiền Giang đọc hồ sơ kỹ ngay từ đầu thì doanh nhân không bị trở thành tù nhân, không bị chôn cuộc đời trong nước mắt...
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/doanh-nhan-bi-giat-no-di-bao-cong-an-tro-thanh-tu-nhan-622310.html