Doanh nhân cựu chiến binh gương mẫu, tích cực đóng góp phát triển đất nước
Nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), chiều 14/10, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt đại diện các doanh nhân cựu chiến binh tiêu biểu của Hiệp hội Doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam.
Cuộc gặp mặt thể hiện sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cá nhân Chủ tịch nước đối với đội ngũ doanh nhân cựu chiến binh (CCB) - những người lính Cụ Hồ xung kích trên mặt trận kinh tế, đổi mới, hội nhập quốc tế đất nước.
Báo cáo Chủ tịch nước về một số kết quả đã đạt được của Hiệp hội thời gian qua, Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm, Chủ tịch Hiệp hội cho biết, Hiệp hội Doanh nhân CCB Việt Nam được thành lập từ năm 2013, đến nay đã có những bước phát triển vượt bậc cả về quy mô tổ chức cũng như chất lượng, hiệu quả hoạt động.
Toàn Hiệp hội đã có 63/63 tỉnh, thành phố có tổ chức Hội, câu lạc bộ doanh nhân CCB. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp CCB trong Hiệp hội đạt 300 nghìn tỷ đồng; nộp thuế nhà nước hơn 20 nghìn tỷ đồng; giải quyết việc làm cho hơn 800 nghìn lao động chủ yếu là CCB và con em CCB.
Không chỉ đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, làm giàu cho gia đình và xã hội, các doanh nhân CCB còn nêu cao ý thức trách nhiệm với xã hội, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, trao tặng nhiều nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đồng đội cho các đối tượng chính sách, người có công và người nghèo trên cả nước; tổ chức các chuyến về nguồn, các chương trình “tri ân đồng đội”.
Trong đợt dịch Covid-19, với tinh thần chống dịch như chống giặc, các doanh nghiệp, doanh nhân CCB trong cả nước đã tích cực tham gia các cuộc vận động ủng hộ phòng, chống dịch bệnh, quỹ vaccine phòng Covid-19 với số tiền và hiện vật trị giá gần 700 tỷ đồng.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước khẳng định, doanh nhân là lực lượng xung kích, đi đầu trong phát triển kinh tế, giải quyết lao động, việc làm, góp phần quan trọng trong sự nghiệp đổi mới đất nước, tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước và bảo đảm an sinh xã hội. Đối với doanh nhân CCB, ý nghĩa càng lớn lao bởi từng tôi luyện, trưởng thành trong các cuộc chiến tranh vệ quốc, trong môi trường quân đội, hội tụ 2 trong 1 đó là tinh thần doanh nghiệp và phẩm chất người lính “Bộ đội Cụ Hồ”.
Chủ tịch nước đánh giá cao các doanh nhân CCB là tấm gương, luôn nêu cao vai trò gương mẫu thực thi pháp luật, làm ăn có uy tín, cần cù lao động, chăm lo tốt cho người lao động, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, tạo ra hơn 800 nghìn việc làm và thực hiện công tác an sinh xã hội. Nhiều doanh nhân hăng hái đóng góp ý tưởng cho phát triển, tích cực đóng góp cho phòng, chống Covid-19, gương mẫu trong bảo vệ môi trường sống, quyền lợi người lao động, ứng dụng công nghệ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời, biểu dương các doanh nhân CCB có nhiều nghĩa cử cao đẹp, lấy kinh tế làm nền tảng để phát triển, không chỉ nổi tiếng tài năng trên thương trường mà còn bởi trái tim nhân ái hết lòng đóng góp ủng hộ cộng đồng, xã hội và đất nước.
Hằng năm, Hiệp hội đóng góp từ thiện xã hội hàng trăm tỷ đồng, tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, đóng góp cho Quỹ Bảo trợ trẻ em hàng nghìn tỷ đồng. Các chương trình đền ơn đáp nghĩa do Hiệp hội khởi xướng hằng năm đã trở thành thương hiệu đặc trưng của Hội CCB Việt Nam; nhiều phong trào thu hút đông đảo doanh nhân CCB tham gia như: xóa đói giảm nghèo, dành cho con em CCB hiếu học, xây nhà tình nghĩa, tình thương; vì biển đảo thân yêu…
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những nỗ lực của các doanh nghiệp, doanh nhân cựu chiến binh trong sản xuất kinh doanh, đóng góp vào các hoạt động xã hội. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Chủ tịch nước đề nghị Hiệp hội và các hội thành viên, doanh nhân CCB tiếp tục phát huy truyền thống và những thành tích tự hào thời gian qua, xây dựng Hiệp hội ngày càng lớn mạnh, mong muốn ngày càng có thêm nhiều doanh nhân CCB thành công, tiếp tục là lực lượng lan tỏa những phẩm chất tốt đẹp của doanh nhân CCB “Bộ đội Cụ Hồ” trên mặt trận kinh tế xã hội; khơi dậy niềm tin, khát vọng, ý chí vươn lên, động viên các lực lượng xã hội, các thành phần kinh tế, đóng góp xây dựng phát triển đất nước, nhất là hậu Covid-19; vượt qua khó khăn, thách thức, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
Hiệp hội tiếp tục hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, động viên các thành viên thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, kinh doanh liêm chính, chăm lo tốt cho người lao động, tiếp tục là “tổ ấm nghĩa tình đồng đội” cho các CCB và gia đình con em CCB, nhất là đối với nạn nhân chất độc da cam, CCB vùng sâu, vùng xa, còn khó khăn; CCB nghèo không nơi nương tựa; có nhiều hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; phát triển xanh, phát triển theo hướng công nghệ, giá trị gia tăng lớn.
Hiệp hội tăng cường phối hợp các bộ, ngành, địa phương, tích cực là cầu nối tham mưu cho Hội CCB Việt Nam những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả để tổ chức tốt các hoạt động chăm sóc, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho hội viên, phát huy vai trò của CCB trong giai đoạn mới của đất nước, đồng thời đóng góp ý kiến, hiến kế cho Đảng, Nhà nước trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đề nghị các địa phương và các Bộ, ngành tạo điều kiện cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp CCB nói riêng hoạt động thuận lợi, hiệu quả.
Chủ tịch nước mong các doanh nhân CCB tiếp tục phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” để tiếp tục lan tỏa tinh thần yêu nước, gương mẫu của các doanh nhân CCB đến các tầng lớp nhân dân “trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, không ngừng phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững, tích cực đóng góp phát triển đất nước.