Doanh nhân Hà Việt Phương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhật - Việt Alkari: Doanh nghiệp có sản phẩm tốt là chưa đủ
Doanh nhân Hà Việt Phương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhật - Việt Alkari, không chỉ mang về Việt Nam công nghệ sản xuất nước ion kiềm từ Nhật Bản, mà còn kiên định theo đuổi mục tiêu nâng cao sức khỏe cộng đồng thông qua từng chai nước.

Ban Tổ chức Cuộc thi Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2026 chọn Alkira là “thương hiệu nước uống vì sức khỏe và sắc đẹp” duy nhất đồng hành
Đi làm thuê để học hỏi
Ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc với doanh nhân Hà Việt Phương là năng lượng tích cực luôn tràn đầy. Với anh, dường như không có khái niệm “chán nản” hay “thất vọng” trong bất kỳ tình huống nào.
Chẳng hạn, ngay sau khi sản phẩm nước ion kiềm pH của Alkari ra đời (năm 2019) thì đại dịch Covid-19 ập đến, khiến đầu ra bế tắc, sản xuất ngưng trệ, nguồn thu không có, trong khi vẫn phải đảm bảo lương cho người lao động cùng hàng loạt chi phí khác. Song, Phương không nao núng. Thậm chí, anh còn nhận ra cơ hội trong nguy biến: sự thay đổi của người tiêu dùng trong việc sử dụng thực phẩm giúp tăng sức đề kháng, có lợi cho sức khỏe.
Khi đó, việc ưu tiên và sẵn sàng chi tiêu cho đồ ăn, thức uống đảm bảo sức khỏe cho gia đình được thể hiện rất rõ. Điều này lý giải vì sao, sản phẩm nước uống ion kiềm pH của Alkari được tìm kiếm và đặt hàng rất nhiều trong đại dịch. Ngay tại thời điểm đó, một hướng sản xuất mới đã hình thành trong đầu vị doanh nhân năng động và đầy quyết đoán này.
Bên cạnh việc tìm giải pháp tiêu thụ nước ion kiềm pH, Công ty bắt tay vào sản xuất nước bù điện giải - sản phẩm bổ trợ sức khỏe, bù nước, bù khoáng cho cơ thể. Với đặc trưng độ pH cao, phân tử nước nhỏ, dễ thẩm thấu, mang lại cảm nhận rõ rệt, sản phẩm lập tức tạo ra sự bùng nổ trên thị trường…
Niềm say mê và cảm hứng khi nói về công việc của doanh nhân Hà Việt Phương tạo sức hút khó cưỡng, khiến người đối thoại bị cuốn vào câu chuyện anh chia sẻ.
Không phải ngẫu nhiên mà anh đến với “nghề làm nước”, cũng như việc chọn công nghệ Nhật Bản để đầu tư xây dựng nhà máy. Tất cả đều có căn nguyên. Trước khi thành lập doanh nghiệp của mình, Hà Việt Phương đã có tới 20 năm làm quản lý cấp cao tại Công ty Canon Việt Nam, chưa kể thời gian làm việc “thử nghiệm” ở một vài doanh nghiệp Nhật Bản khi vừa tốt nghiệp hai trường đại học là Trường đại học Ngoại thương và Trường đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Sinh ra và lớn lên ở Phú Thọ, ngay sát Nhà máy Giấy Bãi Bằng – một công trình do Thụy Điển viện trợ với quy mô lớn nhất Việt Nam những năm 1970 và nhiều năm sau đó. Cả bố và mẹ Phương đều làm việc cho chuyên gia nước ngoài. Bố anh là kỹ sư phụ trách việc bảo trì, sửa chữa toàn bộ hệ thống điện nước của khu chuyên gia kỹ thuật.
Ngay từ nhỏ, Phương đã có cơ hội tiếp xúc với nhiều thiết bị, máy móc kỹ thuật và học hỏi từ bố các đặc tính, nguyên lý của các loại động cơ, máy móc, từ Liên Xô (cũ), Ba Lan, Trung Quốc, đến thiết bị của các nước tư bản như Nhật Bản, Mỹ…
Khi hơn 10 tuổi, Phương có thể tự mình sửa chữa một số lỗi đơn giản ở tivi, đài cassette. Nhiều thiết bị nghe nhìn do Nhật Bản sản xuất được đưa ra từ miền Nam ra sau năm 1975 gây ấn tượng mạnh với Phương bởi sự khác biệt hoàn toàn so với đồ điện tử các nước XHCN. Khi đó, anh nghĩ: sau này, nhất định phải học từ người Nhật “một cái gì đó” để phát triển tại đất nước mình.
Thi đỗ và theo học cả hai trường đại học, nhưng Phương vẫn sắp xếp thời gian đi sửa chữa, cài đặt máy tính cho khách. Thu nhập từ công việc làm thêm không những đủ trang trải cuộc sống sinh viên, mà còn giúp anh theo học sửa chữa điện thoại di động - một nghề rất mới và thịnh hành vào thập niên 1990.
Trở lại câu chuyện “chuyển hướng” sang nghề sản xuất nước, Hà Việt Phương chia sẻ, sau thời gian dài làm việc với doanh nghiệp Nhật Bản, anh thấy một điều rất rõ là tuổi thọ của người Nhật rất cao và tỷ lệ mắc bệnh ở Nhật cực thấp, cho dù môi trường không hoàn toàn tinh khiết ở nước này.
Kinh nghiệm tích lũy được trong quy trình sản xuất, từ nghiên cứu sản phẩm đến đưa ra thị trường và đến tay người tiêu dùng…, rất hữu ích cho Phương trong quản lý, điều hành doanh nghiệp sau này.

“Chúng ta có khái niệm “tỷ lệ lỗi” và cho phép tỷ lệ này ở chừng mực nào đó là chấp nhận được, nhưng nước ngoài không có khái niệm này. Với sản phẩm không gây hại cho sức khỏe thì có thể đưa ra khuyến cáo, nhưng với sản phẩm liên quan đến sức khỏe, thì phải an toàn tuyệt đối”. - Doanh nhân Hà Việt Phương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhật - Việt Alkari.
Xác định chất lượng là yếu tố hàng đầu
Năm 2012, trong chuyến công tác tại Nhật Bản, Hà Việt Phương và các cộng sự được đối tác mời uống một loại nước khá lạ, chai nước có nhãn “pH 9+”. Khi uống vào, không chỉ riêng cá nhân Phương, mà cả đoàn đều cảm nhận được sự khác biệt rõ rệt so với nước uống thông thường. Không những không thấy “dư âm” quen thuộc sau mỗi cuộc nhậu “tới bến”, mà thay vào đó là cảm giác nhẹ nhõm, khoan khoái của cơ thể. Sự khoan khoái này khiến Phương cảm thấy kinh ngạc và anh quyết định tìm hiểu sâu về pH 9+”. Thì ra, đó là phát minh từ rất lâu của người Nhật, nhưng lại rất ít được phổ biến ở nước khác.
Với đầu óc nhạy bén của người làm kinh doanh, Hà Việt Phương nhìn thấy ngay triển vọng của loại nước thần kỳ này nếu phát triển ở thị trường Việt Nam. Anh nhanh chóng mang công nghệ sản xuất nước ion pH9+ từ Nhật Bản về Việt Nam để sản xuất, với kỳ vọng thay đổi xu hướng tiêu dùng về nước uống tại thị trường nội địa.
“Văn hóa nhậu ở Việt Nam thì khó có quốc gia nào sánh được. Nhưng điều đáng nói là, nhiều người chưa bao giờ nghĩ đến chuyện dùng nước để giảm bớt tác hại của bia rượu. Để có thể thay đổi suy nghĩ của họ, thì mình phải có sản phẩm thực sự tốt”, Phương chia sẻ.
Quan điểm “muốn phát triển nhanh và bền vững thì phải đầu tư mạnh từ ban đầu” được cả nhóm thống nhất. Một dây chuyền công nghệ hiện đại nhất, đắt tiền nhất được đưa về từ Nhật Bản với mục đích khẳng định năng lực, chỗ đứng trên thị trường ngay từ khi ra mắt người tiêu dùng.
Với ngành nước uống, điều quan trọng hàng đầu là nguồn nước phải là nước ngầm tự nhiên, tinh khiết, không pha chế. Do đó, chọn địa điểm xây dựng nhà máy là khâu then chốt.
Để tránh các rủi ro như tồn dư hóa chất, kim loại nặng…, anh cùng cộng sự khảo sát nhiều nơi như Phú Thọ, Nghệ An - những nơi có nguồn suối khoáng tốt đã được khai thác từ lâu. Tuy nhiên, hàm lượng khoáng trong nguồn suối lại vượt yêu cầu của nước kiềm.
Cuối cùng, họ tìm được nguồn nước tốt tại Yên Mỹ, Hưng Yên - nơi từng được người Pháp nghiên cứu để cung cấp nước uống cho quân đội. Sau này, La Vie, Coca-Cola cũng đặt nhà máy tại đây. Nơi này được coi là “suối ngầm của Đồng bằng sông Hồng”.
Sau khi đưa mẫu nước sang test tại Nhật Bản, các chỉ số đều đảm bảo và Phương quyết định đặt nhà máy tại đây.
Để sản xuất sản phẩm, phải có đảm đủ các điều kiện như cơ sở sản xuất phải đáp ứng được các tiêu chí sản xuất đồ uống, được cấp 2 chứng chỉ quốc tế là ISO 22000:2018 và ISO 13465:2016...
Ở Nhật Bản, loại nước này thuộc nhóm thiết bị y tế, yêu cầu khắt khe hơn. Ở Việt Nam, đây chỉ là nước uống bình thường, song vẫn phải qua các xét nghiệm của Bộ Y tế, các chỉ số phải đạt yêu cầu, đồng thời được tổ chức giám định SGS của Thụy Sỹ cấp chứng nhận các chỉ tiêu chất lượng.
Sản phẩm ban đầu tiêu thụ chủ yếu tại Hà Nội, sau mở rộng ra Phú Thọ, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh…
“Khi sản phẩm mới ra, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Dù nước rất tốt, nhưng người tiêu dùng vẫn so sánh với nước lọc bình thường, giá lại đắt hơn. Dù có mặt ở hầu hết đại lý, việc tiêu thụ vẫn là một câu chuyện khác”, Phương nhớ lại.
“Hiện nay, xu hướng tiêu dùng đã thay đổi: người ta dùng nước tinh khiết nhiều hơn, thay vì nước ngọt. Cái gì không có lợi cho sức khỏe sẽ bị đào thải. Sau đại dịch, người ta sẵn sàng chi tiêu cho những gì có lợi”, Hà Việt Phương nói.
Khi Alkari được người tiêu dùng biết đến cũng là lúc nhiều doanh nghiệp khác nhảy vào thị trường nước kiềm, nhưng chủ yếu là gia công, ít ai hiểu công nghệ thực sự. Họ dùng cách tạo kiềm bằng lõi lọc hoặc bù magiê để tăng độ kiềm, nhưng đều không hiệu quả, chưa kể nguồn nước đầu vào không đạt chuẩn.