40 tuổi khởi nghiệp 'đắp chăn' cho măng, bán đắt hơn thịt khách vẫn mua ầm ầm

Loại măng đắt đỏ này còn là món khoái khẩu của gấu trúc và được xuất khẩu sang Nga với số lượng lớn.

Từ bỏ quê hương, “một mình một ngựa” gieo mầm hy vọng trên đất lạ

Nếu nói rằng có một loại măng đắt hơn cả thịt, rất nhiều người sẵn sàng chi bộn tiền để mua về, liệu bạn có tin được không? Điều đáng nói là người đứng sau loại măng đắt đỏ này lại là một phụ nữ đã 70 tuổi. Bà là Diệp Quỳnh, người được mệnh danh là “mẹ của măng tre luồng” tại Trung Quốc.

Năm 1999, chính quyền huyện Trùng Dương, tỉnh Hồ Bắc muốn đưa kỹ thuật trồng tre về địa phương. Họ đã tìm đến Diệp Quỳnh - "học giả hàng đầu về tre" ở Lâm An, tỉnh Chiết Giang lúc bấy giờ. Đối với Diệp Quỳnh, khi ấy đã ngoài 40 tuổi, đây là một bước ngoặt trong cuộc đời.

Bà đã rời xa quê hương, đưa gia đình cùng đến huyện Trùng Dương xa lạ để khởi nghiệp. Khi đến nơi, bà phát hiện đất bùn vàng ở đây thích hợp trồng tre luồng nên đã thử trồng với 230 mẫu đất.

Tuy nhiên, dân làng nghi ngờ người phụ nữ ngoại tỉnh này và không ai chịu hợp tác với bà. Diệp Quỳnh đành phải một mình chiến đấu. Bà dựng lều trong rừng tre, nuôi một chú chó để canh giữ và “trấn thủ” ở khu trồng tre suốt 3 năm.

Bà Quỳnh thời trẻ

Thời gian trôi qua, rừng tre đã lớn. Dân làng đã nhìn thấy tia hy vọng và bắt đầu gia nhập trồng tre luồng lấy măng cùng Diệp Quỳnh.

Thời điểm thu hoạch măng thường là tháng 3, tháng 4, nhưng thị trường trước Tết Nguyên đán mới là "thời điểm vàng" của măng. Diệp Quỳnh nghĩ nếu măng được đưa ra thị trường trước Tết Nguyên đán, giá cả chắc chắn sẽ tăng gấp đôi.

Sau nhiều lần thử nghiệm, bà đã nghĩ ra một giải pháp tuyệt vời: phủ măng bằng vỏ trấu và rơm để giữ nhiệt, giúp măng nảy mầm sớm.

Giải pháp mới mẻ này đã thay đổi hoàn toàn mô hình thị trường măng tre luồng. Bởi trước Tết Nguyên đán, giá măng thường lên đến 80 NDT (284.000đ)/kg, đắt hơn cả thịt lợn mà cung vẫn không đủ cầu.

Sau đó, bà Quỳnh tiếp tục tìm cách độc đáo để quảng bá măng tre luồng và thu hút thêm khách hàng. Bà đặt một chiếc nồi lớn ở chợ Bạch Sa Châu (Vũ Hán, Hồ Bắc), xào măng và bán ngay tại chỗ. Ba năm sau, món măng tre luồng cuối cùng đã trở thành món ăn không thể thiếu trong bữa cơm đêm giao thừa của người dân Vũ Hán.

Đưa món ăn dân dã thành “hàng hot” trên thị trường quốc tế

Tưởng Quốc Thanh - con trai của Diệp Quỳnh sau đó cũng tiếp quản công việc bán hàng của bà. Anh không chỉ phát triển các đại lý bán hàng truyền thống mà còn bán măng tre luồng trên khắp Trung Quốc thông qua các nền tảng thương mại điện tử. Điều bất ngờ là loại măng này còn được gấu trúc ở Thành Đô ưa chuộng, mở ra thêm một kênh tiêu thụ nữa cho mặt hàng này.

Nhưng dường như vậy vẫn là chưa đủ đối với mẹ con bà Quỳnh. Anh Thanh - con trai bà đã hợp tác với công ty Hồ Bắc Rui Fa để chế biến măng tre luồng thành măng ngâm, măng om và nhiều sản phẩm khác, thành công xuất khẩu sang Nga. Món măng của huyện Trùng Dương nhỏ bé giờ đây đã vươn ra thị trường quốc tế.

Để phát triển hơn nữa chuỗi công nghiệp, Ye Qiong cũng đã xây dựng một khu công nghiệp sinh thái và văn hóa theo chủ đề tre với sự hỗ trợ của chính quyền huyện Trùng Dương vào năm 2018. Khu công nghiệp có các nhà nghỉ, công viên triển lãm văn hóa tre, trang trại tiệc toàn tre và các dự án khác, không chỉ thu hút khách du lịch mà còn mang lại nhiều lợi ích kinh tế hơn cho khu vực địa phương.

Hương Nguyễn (Theo baijiahao)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/40-tuoi-khoi-nghiep-dap-chan-cho-mang-ban-dat-hon-thit-khach-van-mua-am-am-204252707131702969.htm