Doanh nhân hàng đầu Nhật Bản: 'Trung Quốc không còn là công xưởng của thế giới'

Đây là nhận định của ông Hideo Tanimoto, Chủ tịch Kyocera - một trong những nhà sản xuất linh kiện chip lớn nhất thế giới có trụ sở tại Nhật...

Ông Hideo Tanimoto, chủ tịch nhà sản xuất linh kiện chip Nhật Bản Kyocera - Ảnh: Kyocera

Ông Hideo Tanimoto, chủ tịch nhà sản xuất linh kiện chip Nhật Bản Kyocera - Ảnh: Kyocera

Theo ông Tanimoto, việc Mỹ áp đặt nhiều hạn chế khiến Trung Quốc khó tiếp cận công nghệ tiên tiến đang làm quốc gia châu Á này mất đi vị thế "công xưởng của thế giới" - một “đại bản doanh” sản xuất để xuất khẩu.

Là người đứng sau chiến lược đầu tư của Kyocera, ông Tanimoto cho biết công ty này sẽ chuyển hoạt động sản xuất của mình về quê nhà Nhật Bản cũng như sang các quốc gia khác ngoài Trung Quốc. Kyocera hiện có kế hoạch xây dựng nhà máy đầu tiên tại Nhật Bản sau gần 2 thập kỷ.

“Việc sản xuất hàng hóa tại Trung Quốc và bán tại chính thị trường này vẫn ổn. Tuy nhiên, mô hình sản xuất tại Trung Quốc và xuất khẩu đi các quốc gia khác không còn hiệu quả nữa”, ông Tanimoto nói với Financial Times. “Tại Trung Quốc, không chỉ chi phí lao động tăng lên, mà những gì đang xảy ra giữa nước này và Mỹ cũng đang khiến việc xuất khẩu từ Trung Quốc đi nhiều khu vực trở nên khó khăn”.

Tháng 10 năm ngoái, Mỹ áp đặt hạn chế xuất khẩu công nghệ chip cho Trung Quốc, khiến doanh nghiệp nước này gặp khó khăn trong việc tiếp cận và phát triển các công nghệ tiên tiến. Tháng trước, Nhật Bản và Hà Lan cũng “bắt tay” với Mỹ áp đặt hạn chế xuất khẩu thiết bị sản xuất chip cho Trung Quốc.

Kyocera hiện nắm giữa 70% thị phần toàn cầu về linh kiện gốm cho thiết bị sản xuất chip. Công ty này cũng sản xuất điện thoại, máy in và tấm năng lượng mặt trời. Ông Tanimoto cho biết các hạn chế xuất khẩu của Mỹ là một trong những nguyên nhân khiến công ty điều chỉnh giảm tới 31% dự báo lợi nhuận hoạt động cả năm 2023.

Kyocera sản xuất linh kiện chip cũng như nhiều loại sản phẩm từ máy in đến tấm pin mặt trời và đã chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc - Ảnh: Bloomberg

Kyocera sản xuất linh kiện chip cũng như nhiều loại sản phẩm từ máy in đến tấm pin mặt trời và đã chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc - Ảnh: Bloomberg

“Nếu các nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip ngừng giao hàng cho Trung Quốc, các đơn hàng của chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng. Hiện tại họ thậm chí còn buộc phải ngừng xuất khẩu các thiết bị không thuộc nhóm sử dụng công nghệ tiên tiến cho Trung Quốc”, chủ tịch Kyocera cho biết.

Những năm qua, Kyocera mắc kẹt trong những tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Năm 2019, công ty này đã chuyển hoạt động sản xuất máy photocopy cho thị trường Mỹ từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh thuế quan áp đặt với hàng xuất khẩu từ Trung Quốc dưới chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump. Công ty Nhật cũng đã chuyển dây chuyền sản xuất camera ô tô cho thị trường Mỹ từ Trung Quốc sang Thái Lan.

“Chúng tôi giờ đây gần như không thể sản xuất phần cứng ở Trung Quốc khi không được tiếp cận công nghệ chip, do bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế của Mỹ, dù Trung Quốc cũng khá cạnh tranh về phần mềm và trí tuệ nhân tạo”, ông Tanimoto nói.

Trong nhiều thập kỷ, Kyocera, có trụ sở tại Kyoto, Nhật Bản, duy trì lập trường bảo thủ về việc đầu tư để tập trung vào lợi nhuận. Tuy nhiên, dưới sự điều hành của ông Tanimoto - người được bổ nhiệm làm chủ tịch vào năm 2017, công ty đã chuyển hướng khám phá các cơ hội tăng trưởng mới, trong đó có việc chi 62,5 tỷ Yên (464 triệu USD) để xây dựng một nhà máy đóng gói chip tại cơ sở sản xuất ở Kagoshima, miền Nam Nhật Bản.

Tháng 11 năm ngoái, công ty này tuyên bố tăng gần gấp đôi đầu tư trong 3 năm tới lên 900 tỷ Yên để mở rộng hoạt động sản xuất linh kiện chip và tụ điện dùng trong điện thoại thông minh cũng như các sản phẩm khác. Nhà máy tại Nhật đầu tiên của công ty sau gần 20 năm là cơ sở sản xuất linh kiện điện tử đặt tại Nagasaki, dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2026.

Đức Anh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/doanh-nhan-hang-dau-nhat-ban-trung-quoc-khong-con-la-cong-xuong-cua-the-gioi.htm