Doanh nhân hết nỗi lo cấm xuất cảnh và hình sự hóa các quan hệ kinh tế

Muốn vươn ra biển lớn, nền kinh tế Việt Nam cần một hệ sinh thái pháp lý minh bạch và ổn định – nơi doanh nhân có thể yên tâm dấn thân, thay vì lo sợ bị 'trói tay' bởi những điều luật mơ hồ. Nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân đã tâm sự như vậy với chúng tôi.

Từ sau đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu vượt bậc về kinh tế, trong đó khu vực tư nhân ngày càng khẳng định vai trò trụ cột. Theo Tổng cục Thống kê, khu vực này đóng góp gần 45% GDP và tạo ra hơn 80% việc làm ngoài khu vực nhà nước. Tư nhân cũng là động lực chính trong các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, thương mại và dịch vụ.

Tuy nhiên, đằng sau những con số tích cực là một thực tế không ít doanh nghiệp tư nhân vẫn đang hoạt động trong môi trường pháp lý thiếu nhất quán, tiềm ẩn nhiều rủi ro; đặc biệt trong các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, đầu tư, tài chính, tín dụng... Một trong những rào cản lớn nhất là tình trạng hình sự hóa các quan hệ dân sự – kinh tế, khiến doanh nhân luôn phải e ngại khi khởi sự hoặc mở rộng hoạt động.

Xóa bỏ"vùng xám" pháp lý trong quan hệ kinh tế - thương mại

Luật sư Nguyễn Văn Kỷ – Giám đốc Công ty Luật Kỷ Nguyễn và Cộng sự – người đang tư vấn pháp lý cho nhiều doanh nghiệp tại khu vực Bắc Trung Bộ, cho biết: "Đã không ít doanh nhân tỏ ra lo lắng việc có thể bị khởi tố hình sự chỉ vì một thương vụ đầu tư thất bại hoặc do đối tác đơn phương vi phạm hợp đồng". Theo ông, các cơ quan tố tụng hiện vẫn thường vận dụng các điều khoản như "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" hoặc "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" để xử lý các tranh chấp vốn có bản chất dân sự – thương mại. Cách tiếp cận này không chỉ gây tâm lý bất an mà còn đẩy doanh nghiệp, doanh nhân vào thế phòng thủ, kìm hãm tinh thần đổi mới.

Luật sư Nguyễn Văn Kỷ cho rằng: "Không thể khuyến khích đổi mới sáng tạo, nếu như những thất bại trong sản xuất, kinh doanh bị coi là tội phạm".

Luật sư Nguyễn Văn Kỷ cho rằng: "Không thể khuyến khích đổi mới sáng tạo, nếu như những thất bại trong sản xuất, kinh doanh bị coi là tội phạm".

"Không thể khuyến khích đổi mới sáng tạo, nếu như những thất bại trong sản xuất, kinh doanh bị coi là tội phạm", luật sư Kỷ nhấn mạnh.

Trong bối cảnh đó, Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị ra đời như một bước ngoặt quan trọng. Văn bản này nêu rõ: "Phân định rạch ròi giữa vi phạm pháp luật hình sự với hành vi vi phạm hành chính, dân sự trong hoạt động đầu tư, kinh doanh; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế – dân sự".

Chúng ta có thể thấy, đây là lần đầu tiên một văn bản có tính chủ trương, định hướng đã xác lập rõ ràng ranh giới giữa pháp luật hình sự và quan hệ kinh tế. Đó là cơ sở mở đường cho việc rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật dễ bị lạm dụng trong Bộ luật Hình sự và các luật liên quan. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để xây dựng hướng dẫn liên ngành giữa các cơ quan tư pháp và các cơ quan quản lý, nhằm xử lý tranh chấp đúng bản chất, bảo vệ quyền kinh doanh hợp pháp cho doanh nhân, doanh nghiệp.

Không lạm dụng "hành chính hóa" hoạt động tài chính

Một vấn đề khác cũng được Nghị quyết 68 đề cập là việc áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh với doanh nhân chậm nộp thuế – kể cả trong những trường hợp không nghiêm trọng hoặc không có dấu hiệu trốn tránh.

Gần đây đã ghi nhận rất nhiều trường hợp doanh nhân bị hạn chế quyền xuất cảnh chỉ vì khoản nợ thuế nhỏ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương thảo, ký kết hợp đồng quốc tế và tiếp cận nguồn vốn. Đây có thể được xem là sự xâm phạm quyền tự do đi lại – một quyền cơ bản đã được hiến định.

Lãnh đạo UBND Tp.Huế trong một chuyến thực tế tháo gỡ vướng mắc giải phóng mặt bằng để doanh nghiệp triển khai dự án.

Lãnh đạo UBND Tp.Huế trong một chuyến thực tế tháo gỡ vướng mắc giải phóng mặt bằng để doanh nghiệp triển khai dự án.

Nghị quyết 68 ra đời, yêu cầu các biện pháp cưỡng chế hành chính phải được áp dụng trên nguyên tắc tương xứng, hợp lý và cũng không được lạm dụng hành chính hóa quan hệ tài chính. Các cơ quan thực thi pháp luật cần phân loại rõ các loại nợ thuế (cố ý – không cố ý, có khả năng thanh toán hay không có khả năng) và đánh giá kỹ lưỡng mức độ ảnh hưởng trước khi áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh. Đồng thời, các cơ quan quản lý cần thiết lập cơ chế khiếu nại minh bạch và hiệu quả cho doanh nhân bị ảnh hưởng.

Một doanh nhân trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, để Nghị quyết 68 thực sự phát huy hiệu quả, cần có một lộ trình hành động cụ thể và đồng bộ. "Trước hết cần rà soát, sửa đổi các luật liên quan như Bộ luật Hình sự, Luật Quản lý thuế, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp... Bên cạnh đó, cần ban hành các văn bản pháp quy như nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành, đảm bảo thống nhất trong thực thi. Có như vậy, các doanh nhân mới mạnh dạn, quyết tâm đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh", vị doanh nhân này góp ý.

Một nhiệm vụ không kém bên cạnh hoàn thiện các cơ chế pháp ly là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật; nâng cao tư duy pháp quyền và hiểu biết về kinh tế thị trường. Đồng thời, tăng cường vai trò phản biện chính sách của các hiệp hội doanh nghiệp, tạo điều kiện để tiếng nói của cộng đồng doanh nhân luôn được phía nhà nước lắng nghe. Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế đánh giá tác động pháp luật một cách độc lập, tránh tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi" trong quá trình xây dựng và áp dụng chính sách.

Có thể thấy rằng,Nghị quyết 68 không chỉ là một định hướng chính sách, mà còn thể hiện rõ quyết tâm chính trị của Đảng trong việc kiến tạo một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và ổn định – nền tảng để khu vực kinh tế tư nhân phát triển đúng với vai trò là "động lực quan trọng" của nền kinh tế.

Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, niềm tin pháp lý không chỉ là điểm tựa cho doanh nghiệp trong nước, mà còn là tiêu chí quan trọng để thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế. Việt Nam chỉ có thể thực sự vươn ra biển lớn khi doanh nhân có thể dấn thân mà không lo bị "trói chân" bởi những quy định pháp luật bất cập.

Nghị quyết 68 đã mở đường. Vấn đề còn lại là ý chí cải cách, tinh thần thượng tôn pháp luật và sự vào cuộc thực chất của cả hệ thống thực thi.

Xuân Hồng– Lê Kông

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/doanh-nhan-het-noi-lo-cam-xuat-canh-va-hinh-su-hoa-cac-quan-he-kinh-te-204250523115808271.htm