Thủ tướng chỉ đạo 'nóng' về xuất khẩu sầu riêng, giao công an điều tra việc gian lận

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Công điện số 71 ngày 23/5 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu sầu riêng bền vững.

Công điện gửi các Bộ: Nông nghiệp và Môi trường; Công Thương; Tài chính; Công an và Chủ tịch UBND 24 tỉnh, thành phố nêu rõ, thời gian vừa qua việc xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam ở một số thời điểm gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến quy mô xuất khẩu, giá trị gia tăng, lợi nhuận của người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu.

Nguyên nhân là do một số quốc gia đã áp dụng thêm một số biện pháp kiểm soát bổ sung đối với sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, tình trạng gia tăng nhanh diện tích sầu riêng tại một số địa phương đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành hàng này.

Phải khắc phục tình trạng rớt giá

Trước thực trạng trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường tập trung chỉ đạo sản xuất sầu riêng theo Đề án phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030, bảo đảm cung cầu, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Tích cực thực hiện đàm phán mở cửa các thị trường khác cho sản phẩm sầu riêng.

Chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về quản lý, sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, bảo đảm minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Hướng dẫn quy trình sản xuất sầu riêng an toàn, bền vững phải hoàn thành trong quý III/2025.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, 24 địa phương giải quyết các vấn đề về sản xuất và xuất khẩu sầu riêng. Ảnh: Hải Dương

Thủ tướng yêu cầu các bộ, 24 địa phương giải quyết các vấn đề về sản xuất và xuất khẩu sầu riêng. Ảnh: Hải Dương

Bộ NN&MT cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ, quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc sầu riêng… nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Chủ động tổ chức làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và công nhận các phòng thử nghiệm đạt chuẩn; thống nhất quy trình kiểm tra thông quan đối với sản phẩm sầu riêng Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc bảo đảm thông thoáng, thuận lợi.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo hệ thống kiểm dịch thực vật tại các cửa khẩu biên giới bố trí đầy đủ nhân lực, trang thiết bị để kiểm tra, kiểm dịch kịp thời trong thời gian thu hoạch rộ; triển khai các biện pháp nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ các phòng thử nghiệm phục vụ xuất khẩu.

Cơ cấu lại ngành hàng sầu riêng theo hướng duy trì hợp lý diện tích các vùng trồng hiệu quả, thu hẹp diện tích vùng trồng kém hiệu quả; mở rộng sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, tăng tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm đông lạnh, sản phẩm chế biến sâu và khắc phục tình trạng rớt giá trong giai đoạn thu hoạch rộ.

Cần xây dựng và tổ chức triển khai ngay chương trình giám sát việc thực hiện cấp, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch thực vật từ gốc đối với sản phẩm sầu riêng.

Điều tra, xử nghiêm các hành vi vi phạm

Thủ tướng giao Bộ trưởng Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia đối với sản phẩm sầu riêng Việt Nam. Cùng với đó, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ mặt hàng này.

Yêu cầu Bộ trưởng Tài chính chỉ đạo ngay Cục Hải quan ưu tiên làm thủ tục thông quan cho các lô hàng sầu riêng trong thời gian nhanh nhất.

Thủ tướng cũng giao Bộ trưởng Công an chỉ đạo lực lượng chức năng điều tra, xử lý nghiêm các hành vi gian lận mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Điều tra và xử lý hành vi làm giả hồ sơ, chứng từ xuất khẩu và các hành vi vi phạm pháp luật khác trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất khẩu sầu riêng.

Phối hợp với các bộ, ngành và địa phương đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng, ngăn chặn tình trạng thao túng thị trường, gây bất ổn sản xuất, xuất khẩu sầu riêng.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố nơi có trồng sầu riêng cần chỉ đạo tổ chức sản xuất sầu riêng trên địa bàn tuân thủ đúng các quy định, quy trình, hướng dẫn của cơ quan chức năng và phù hợp với điều kiện thực tế. Không để xảy ra tình trạng tăng nóng về quy mô, phá vỡ cân đối cơ cấu cây trồng, cân đối cung - cầu.

Ngoài ra, phải tổ chức kiểm tra, giám sát định kỳ hoặc đột xuất để bảo đảm các cơ sở, đơn vị được cấp mã tuân thủ đúng quy định và đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu.

Các địa phương tổ chức thực hiện các chương trình giám sát an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm sầu riêng để đáp ứng yêu cầu của các thị trường.

Cần phối hợp với các cơ quan chuyên môn và lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát toàn diện chuỗi sản xuất - đóng gói - tiêu thụ - xuất khẩu sầu riêng; hướng dẫn xây dựng hệ thống giám sát nội bộ tại vùng trồng, cơ sở đóng gói nhằm bảo đảm tuân thủ đầy đủ các quy định kỹ thuật của Việt Nam và của thị trường nhập khẩu.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, năm 2024, diện tích sầu riêng đã đạt gần 180.000 ha, sản lượng ước đạt 1,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt xấp xỉ 3,2 tỷ USD, chiếm 47% tổng giá trị xuất khẩu rau quả. Diện tích sầu riêng tăng bình quân 19,5% mỗi năm trong giai đoạn 2015-2024 và tiếp tục có xu hướng mở rộng nhanh.

Tâm An

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/thu-tuong-chi-dao-nong-ve-xuat-khau-sau-rieng-2404270.html