Doanh nhân Lê Quốc Khánh, Tổng giám đốc CTCP Vận tải và Dịch vụ Phú Hoàng: Chọn hướng đi xanh

Vòng xoáy khủng hoảng khiến Tiên Sa - thương hiệu taxi truyền thống hàng đầu tại miền Trung - gặp khó. Trong tình thế đó, doanh nhân Lê Quốc Khánh đã chọn hướng đi xanh với taxi điện.

Doanh nhân Lê Quốc Khánh, Tổng giám đốc CTCP Vận tải và Dịch vụ Phú Hoàng.

Doanh nhân Lê Quốc Khánh, Tổng giám đốc CTCP Vận tải và Dịch vụ Phú Hoàng.

Thay đổi để tồn tại

Cuối năm 2024, ngành taxi tại TP. Đà Nẵng chứng kiến một sự kiện có tính bước ngoặt, khi một hãng taxi truyền thống quyết định “chuyển dịch” sang taxi điện. Đó là việc taxi Tiên Sa - thương hiệu của Công ty cổ phần Vận tải và Dịch vụ Phú Hoàng, do doanh nhân Lê Quốc Khánh làm Tổng giám đốc - đưa vào vận hành hơn 100 xe VinFast VF5.

“Tiên Sa là hãng taxi truyền thống đầu tiên ở miền Trung vận hành kinh doanh xe điện. Đây là bước chuyển quyết định, có thể xem là đặt cược vào taxi điện của chúng tôi”, doanh nhân Lê Quốc Khánh chia sẻ.

Để đứng vững đến hôm nay, taxi Tiên Sa đã trải qua một giai đoạn đầy thăng trầm. Năm 2009, Công ty cổ phần Vận tải và Dịch vụ Phú Hoàng ra mắt thương hiệu taxi Tiên Sa tại Đà Nẵng. Là doanh nghiệp địa phương, mong muốn cung cấp dịch vụ vận tải an toàn, nhanh chóng và chất lượng cho thành phố quê hương, Tiên Sa nhanh chóng phát triển, chiếm lĩnh thị trường tại thủ phủ du lịch miền Trung, trở thành một trong những hãng taxi có số lượng xe lớn nhất tại Đà Nẵng.

Chỉ có đầu tư vào phát triển xanh, bền vững, thì taxi truyền thống mới có thể cạnh tranh, giành lại thị phần vốn có của mình.

- Doanh nhân Lê Quốc Khánh

Từ 50 chiếc xe ở thời điểm ra mắt, đến năm 2018, taxi Tiên Sa dưới sự dẫn dắt, điều hành của doanh nhân Lê Quốc Khánh đã phát triển mạnh mẽ với hơn 800 đầu xe, không chỉ hoạt động tại Đà Nẵng, mà còn mở rộng ra các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, như Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Hội An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Phú Yên. Tiên Sa đã trở thành một trong những biểu tượng của sự vững mạnh trong ngành vận tải taxi ở miền Trung lúc bấy giờ.

Đó là giai đoạn phát triển thịnh vượng của taxi Tiên Sa. Trong khoảng thời gian đó, Công ty cổ phần Vận tải và Dịch vụ Phú Hoàng đã thực hiện rất nhiều chương trình thiện nguyện, hỗ trợ nguồn kinh phí lớn cho các chương trình từ thiện xã hội và các cựu chiến binh ở miền Trung. Tiên Sa cũng là hãng taxi đầu tiên được đưa từ đất liền ra đảo Lý Sơn phục vụ người dân và du khách, tuyển dụng người dân địa phương vào làm việc. Từng bước, Tiên Sa trở thành hãng taxi lớn ở miền Trung, là doanh nghiệp tiêu biểu của TP. Đà Nẵng.

Nhưng rồi, khi “cơn bão” taxi công nghệ ập đến, Hãng taxi Tiên Sa bị cạnh tranh quyết liệt và dần đuối sức. Ông Khánh kể, sự bùng nổ của các ứng dụng gọi xe công nghệ đã gây ra áp lực lớn đối với các hãng taxi truyền thống. Khách hàng ưu tiên sử dụng taxi công nghệ bởi sự tiện lợi, chỉ cần vài thao tác trên điện thoại thông minh là có thể gọi xe, biết trước giá cước, lộ trình và thanh toán dễ dàng, nhanh chóng. Thực tế này khiến taxi truyền thống đối mặt với hàng loạt khó khăn khi thị phần, doanh thu giảm, trong khi chi phí vận hành cao, mà lại không thể điều chỉnh giá linh động như taxi công nghệ.

Cú “đánh bồi” tiếp theo vào taxi truyền thống chính là đại dịch Covid-19. Khi dịch bệnh bùng phát, nhiều địa phương miền Trung bị phong tỏa, ngành du lịch gần như bị “đóng băng”, ngành vận tải taxi vì thế càng thêm điêu đứng, khốn khó.

“Trước dịch bệnh, tại Đà Nẵng, Tiên Sa vận hành hơn 450 xe, nhưng sau dịch chỉ còn 200 xe và thu hẹp hoạt động tại những địa phương không hiệu quả. Không chỉ Tiên Sa, ở thời điểm khó khăn đó, có hãng taxi phải dừng hoạt động, nhiều hãng khác hoạt động cầm chừng. Taxi truyền thống gặp vô vàn khó khăn về tài chính, có những lúc tưởng không thể vượt qua”, ông Khánh nhớ lại khoảng thời gian khủng hoảng của taxi truyền thống.

Chiến lược xanh

Khó khăn, khủng hoảng là một phần của kinh doanh. Xác định rõ điều này, nên doanh nhân Lê Quốc Khánh không từ bỏ, mà chủ động tìm lối đi để doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển. Công ty cổ phần Vận tải và Dịch vụ Phú Hoàng thực hiện những bước đi tái cơ cấu, tái đầu tư và ứng dụng công nghệ số trong dịch vụ đặt xe, tính cước… Tuy vậy, làm thế nào để lấy lại vị thế, trong bối cảnh ngành vận tải taxi đang thay đổi nhanh chóng và cạnh tranh khốc liệt, là một bài toán không đơn giản.

“Chúng tôi bắt buộc phải chuyển đổi, bởi muốn phát triển bền vững, tăng sức cạnh tranh, thì không thể tiếp tục sử dụng xe xăng trong hoạt động kinh doanh. Vì vậy, Công ty quyết định đầu tư sử dụng xe điện để vận hành taxi, trở thành đối tác tiên phong của VinFast”, ông Khánh chia sẻ quyết định quan trọng của taxi Tiên Sa.

Sự chuyển dịch này mở ra nhiều cơ hội, nhưng cũng đi kèm rất nhiều thách thức đối với một hãng taxi truyền thống như Tiên Sa. “Điện hóa” taxi không hề đơn giản, bởi chi phí đầu tư ban đầu của xe điện cao hơn xe xăng cùng phân khúc, doanh nghiệp chưa thể tính toán được bức tranh lợi nhuận và chưa có sự bảo đảm thành công nào đối với taxi điện. Không những thế, hạ tầng trạm sạc điện tại nhiều khu vực vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ.

Doanh nhân Lê Quốc Khánh tiết lộ lý do quan trọng khiến taxi Tiên Sa mạnh dạn chuyển đổi sang xe điện là khả năng tiết kiệm chi phí vận hành. Xe điện có chi phí bảo trì và tiêu thụ nhiên liệu thấp hơn rất nhiều so với xe xăng, giúp các hãng taxi giảm gánh nặng tài chính trong dài hạn. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh giá xăng dầu biến động mạnh những năm qua.

Không những thế, việc sử dụng xe điện giúp các hãng taxi nâng cao giá trị thương hiệu, khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến yếu tố môi trường và ưu tiên các dịch vụ xanh, sạch… Bên cạnh đó, những ưu điểm vượt trội về khả năng vận hành êm ái, không mùi, không tiếng ồn đã thu hút hành khách sử dụng taxi điện nhiều hơn, từ đó tạo nên lợi thế cạnh tranh của taxi điện so với dòng taxi xăng.

Tại thị trường Đà Nẵng, taxi Tiên Sa vận hành song song hơn 100 xe điện và 100 xe xăng. Việc vận hành cùng lúc 2 dòng xe giúp Hãng đánh giá, so sánh được hiệu quả và chi phí hoạt động. Đưa xe điện vào phục vụ kinh doanh giúp tiết kiệm chi phí nhiên liệu so với xe chạy xăng; sự chênh lệch về chi phí bảo dưỡng cũng giúp doanh nghiệp tối ưu hóa lợi nhuận.

“Sau hơn 3 tháng đưa taxi điện vào kinh doanh, đánh giá của khách hàng rất tốt, mức tăng trưởng taxi điện của Hãng tăng hơn 30% so với xe xăng. Trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Đà Nẵng - Quảng Nam mới đây, chúng tôi đã giảm 50% cước phí, cho chuyến xe nối Đà Nẵng - Tam Kỳ. Chỉ có xe điện mới có thể áp dụng mức khuyến mãi như vậy cho khách hàng, chứ xe xăng thì không thể thực hiện được”, ông Khánh chia sẻ lợi ích của taxi điện.

Sự “chuyển dịch” sang taxi điện đã giúp Tiên Sa vực dậy tăng trưởng, tìm lại chỗ đứng của mình tại thị trường Đà Nẵng cũng như tại miền Trung, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.

Từ hiệu quả kinh doanh sau một thời gian vận hành taxi điện, doanh nhân Nguyễn Quốc Khánh đã lên kế hoạch tiếp tục chuyển đổi và đầu tư thêm nhiều xe điện nữa, để nắm bắt xu hướng bùng nổ của taxi điện trong những năm tới.

“Chúng tôi đã đặt thêm 140 xe điện nữa, để hoàn tất việc chuyển đổi sang taxi điện vào cuối năm 2025. Đây là xu thế chung, tất yếu của taxi truyền thống, chứ không riêng taxi Tiên Sa. Chỉ có đầu tư vào phát triển xanh, bền vững, thì taxi truyền thống mới có thể cạnh tranh, giành lại thị phần vốn có của mình”, ông Khánh nhấn mạnh.

Vẫn còn nhiều khó khăn ở phía trước, nhưng doanh nhân Lê Quốc Khánh tin rằng, “điện hóa” có thể là lời giải để giúp taxi truyền thống tiếp tục vươn lên trong cuộc cạnh tranh khốc liệt hiện nay của ngành vận tải taxi. Cùng với nhiều hãng khác trên cả nước, Tiên Sa sẽ góp phần vào mục tiêu phát triển xanh của đất nước.

Minh Hà

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doanh-nhan-le-quoc-khanh-tong-giam-doc-ctcp-van-tai-va-dich-vu-phu-hoang-chon-huong-di-xanh-d269041.html