Doanh nhân Mỹ, hướng dẫn viên Thái khốn đốn vì Covid-19

Dịch virus corona bùng phát tại Trung Quốc ảnh hưởng đến toàn cầu, từ những người nông dân Chile, hướng dẫn viên du lịch Thái Lan đến tài xế xe tải ở Mông Cổ.

Tại một khu công nghiệp nằm ở phía tây Sân bay quốc tế O’Hare của Chicago (Mỹ) - cách xa Trung Quốc 9.656 km - ông Michael Smerling vẫn hứng đòn từ sự bùng phát của dịch virus corona chủng mới (Covid-19).

Ông Smerling chuyên sản xuất ba lô, túi du lịch và thiết bị ngoài trời cho các công ty như Bed Bath & Beyond, Nordstrom Rack và Amazon. Hiện, hàng hóa vẫn đầy ứ trong kho hàng của công ty ông.

Các nhà cung cấp Trung Quốc của LCI Brands - công ty của ông Smerling - đã ngừng hoạt động sau khi chính quyền nước này đưa ra những biện pháp nhằm ngăn chặn dịch virus lây lan. Tuần trước, ông Smerling phải sa thải 8 nhân viên - khoảng 20% tổng nhân lực làm việc toàn thời gian của công ty.

“Đó là quyết định khó khăn nhất mà tôi phải đưa ra trong sự nghiệp”, ông Smerling thổ lộ.

Ảnh hưởng từ nông dân Chile đến tài xế xe tải Mông Cổ

Theo New York Times, nếu virus corona đẩy thế giới đến bờ vực suy thoái, Trung Quốc sẽ là nguyên do lớn nhất.

Các chuyên gia kinh tế nhận định việc Trung Quốc đóng cửa sẽ đe dọa nền kinh tế Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu và thậm chí là Mỹ. Nhiều tập đoàn lớn như Apple, Microsoft, AB InBev và Pfizer đã bắt đầu bị tác động.

 Hoạt động tại LCI Brands - công ty của ông Smerling - bị ảnh hưởng nặng vì Covid-19. Ảnh: New York Times.

Hoạt động tại LCI Brands - công ty của ông Smerling - bị ảnh hưởng nặng vì Covid-19. Ảnh: New York Times.

Nền kinh tế Trung Quốc ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng tỷ người trên toàn cầu. “Trung Quốc quan trọng đối với ông Smerling, những người nông dân Chile, các hướng dẫn viên du lịch Thái Lan, nhà sản xuất ôtô Ấn Độ, tài xế ở Mông Cổ và vô số người khác”, New York Times bình luận.

Khi Trung Quốc ngừng hoạt động, tất cả đều ngấm đòn.

“Nền kinh tế là một đối tượng luôn chuyển động. Có nhiều hoạt động liên quan đến nhau: chuỗi cung ứng, vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Thật điên rồ khi cho rằng chúng ta có thể dừng lại nền kinh tế rồi tái khởi động”, New York Times dẫn lời chuyên gia kinh tế Rodney Jones nhận định.

"Không đủ tiền mua thức ăn"

Trung Quốc là người mua hào phóng của nhiều mặt hàng từ đá, dầu, thực phẩm cho đến các nguyên liệu thô khác. Trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump châm ngòi cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, đất nước tỷ dân đã tiêu thụ hơn 25% đậu tương từ Mỹ.

Ngành khai thác dầu mỏ của Australia với hơn 200.000 lao động cũng phụ thuộc vào nền kinh tế tỷ dân.

Tại Mông Cổ, doanh thu than xuất khẩu sang Trung Quốc cũng chiếm hơn 50% doanh thu xuất khẩu.

Ngành khai thác than cung cấp việc làm cho những người lao động như anh Battogtokh Uurtsaikh - một tài xế xe tải. Công việc của anh là lái xe chở than từ mỏ than ở sa mạc Gobi đến biên giới với Trung Quốc.

 Ngành khai thác than ở Mông Cổ tạo việc làm cho nhiều người, trong đó có anh Battogtokh - một tài xế xe tải. Ảnh: New York Times.

Ngành khai thác than ở Mông Cổ tạo việc làm cho nhiều người, trong đó có anh Battogtokh - một tài xế xe tải. Ảnh: New York Times.

Với công việc này, anh Battogtokh có thể lo cho tương lai tốt đẹp hơn của các con mình. Nhu cầu cao tại Trung Quốc giúp những người như anh được trả lương hậu hĩnh. Vào tháng thuận lợi, anh Battogtokh có thể kiếm tới 1.600 USD.

Tháng 1 năm nay, Mông Cổ đóng cửa biên giới. Anh Battogtokh lo sợ không thể trả nổi khoản tiền vay để mua xe tải trong năm nay. “Số tiền còn lại cuối cùng của tôi đã phải dùng để trả ngân hàng”, anh phàn nàn.

Để nuôi cậu con trai 7 tuổi và cô con gái 3 tuổi của mình, anh cần một công việc khác. “Tương lai của chúng phụ thuộc vào tôi”, anh Battogtokh nói.

Một số đồng nghiệp của anh vẫn lái xe đến biên giới để tìm người mua trong tuyệt vọng.

“Nhưng họ không được các ông chủ người Trung Quốc trả tiền. Họ thậm chí không đủ tiền mua thức ăn”, anh kể.

Ngoài các nguyên liệu thô, người dùng Trung Quốc còn chi mạnh tay cho ôtô, điện thoại thông minh và đồ dùng xa xỉ.

Life Together - một nhà sản xuất Hàn Quốc - từng kiếm 40% doanh thu từ khách hàng Trung Quốc. Công ty cũng lên kế hoạch thử nghiệm bán các mặt hàng như kem dưỡng da, mặt nạ trên nền tảng bán lẻ trực tuyến JD.com của Trung Quốc.

Song Woonseo - nhà sáng lập Life Together - đã dành 6 tháng để phát triển các sản phẩm chăm sóc da phù hợp cho đến khi dịch virus corona bùng phát.

“Tôi cảm thấy mọi thứ như sụp đổ. Tình hình rất bấp bênh”, ông Song nói.

“Trên hết, chúng tôi không thể sản xuất những thứ mà chúng tôi không có vì không thể nhận vật liệu và chi tiết từ Trung Quốc”, ông nói thêm.

Khi khách hàng "sộp" phải ở nhà

Bên ngoài biên giới Trung Quốc, người tiêu dùng Trung Quốc chi 250 tỷ USD mỗi năm cho du lịch, nhiều hơn đáng kể so với người Mỹ.

Hiện, đa số người Trung Quốc đều ở nhà. Cuối tháng 1, chính quyền nước này ra lệnh cấm bán các gói du lịch theo nhóm, đoàn.

“Tôi đã không còn khách hàng”, anh Saichon Chuenchoo, một hướng dẫn viên du lịch Thái Lan đã có kinh nghiệm 25 năm, nói.

Công việc của anh là dẫn các đoàn khách du lịch đi thăm Bangkok và miền trung Thái Lan.

 Ngành du lịch Thái Lan lao đao vì khách Trung Quốc ở nhà. Ảnh: New York Times.

Ngành du lịch Thái Lan lao đao vì khách Trung Quốc ở nhà. Ảnh: New York Times.

Giờ đây, chợ Huai Kwang và chợ Train ở Ratchada (Bangkok, Thái Lan) - hai địa điểm thu hút du khách Trung Quốc - gần như trống rỗng. Tại các quầy hàng, người bán hàng đông hơn du khách. Vào buổi tối, nhiều người bán hàng thậm chí còn không đến.

Hiện, anh Saichon phải tiết kiệm tối đa. Dù vẫn còn công việc thứ hai, anh và vợ vẫn dặn 2 cô con gái phải cẩn thận.

Một số hướng dẫn viên du lịch khác không may mắn như vậy. Khoảng 10.000 hướng dẫn viên du lịch ở Thái Lan rơi vào cảnh thất nghiệp từ khi virus corona lây lan.

“Sự bùng phát của virus corona gây ra vô số khó khăn, giờ nhiều người phải đối mặt với nó”, anh Saichon nói.

"Tuyệt vọng vì tiền"

Sự giàu có ngày càng tăng của Trung Quốc đã biến quốc gia này thành một thị trường thiết yếu đối với các doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn.

Glasbau Hahn - một công ty ở Frankfurt - chuyên làm kính cho các bảo tàng như Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York, thuộc sở hữu của gia đình bà Isabel Hahn.

Bà Hahn cho biết các dự án ở Trịnh Châu (Trung Quốc) đã bị hoãn thanh toán. Công ty không thể nhận tiền cho đến khi dự án được hoàn thành, nhưng các công việc khác ở bảo tàng bị buộc phải dừng lại.

Công ty cũng không nhận được tiền thanh toán ở Nam Xương bởi công trình xây dựng bị đóng cửa vô thời hạn.

“Tuy công ty có thể chịu đựng được cú đòn về tài chính này, chúng tôi vẫn phải cẩn thận với vấn đề thanh khoản”, bà Hahn nói.

Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Chile. Trong dịp Tết Nguyên Đán ở Trung Quốc, nông dân Chile đã chuyển những thùng anh đào lớn sang Trung Quốc.

“Lĩnh vực thực phẩm nông nghiệp là lĩnh vực dễ bị ảnh hưởng nhất”, Thứ trưởng Bộ Thương mại Chile nhận định. Xuất khẩu đã bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và vấn đề giá cả.

Ông Smerling, ông chủ công ty thiết bị du lịch LCI Brands, từ lâu đã phụ thuộc vào các nhà cung cấp Trung Quốc, ngay cả khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khiến nguồn hàng từ Trung Quốc trở nên đắt đỏ.

Nhưng hiện tại, ông thậm chí không thể tiếp cận các nhà cung cấp của mình.

“Thông tin rất ít ỏi. Chúng ta không thể biết đâu là sự thật. Một số nhà cung cấp thậm chí lừa dối để tôi đặt cọc. Mọi người đều tuyệt vọng vì tiền”, ông than vãn.

“Tất cả kế hoạch của chúng tôi đều bị đảo lộn. Tôi nhìn thấy sự lo lắng ở mọi doanh nghiệp nhỏ khác trên khắp nước Mỹ”, ông Smerling nói thêm.

Phương Thảo

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/huong-dan-vien-du-lich-nong-dan-den-tai-xe-khon-don-vi-covid-19-post1054592.html