Doanh nhân Nguyễn Văn Phong: Đường đến thành công dù khó, nhưng mang lại hạnh phúc
Chọn con đường khó đi hơn - đi cùng những người khổng lồ, ông Nguyễn Văn Phong, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Liên Sơn (HLS) đã tạo nên sự khác biệt cho một thương hiệu xây dựng nội địa chuyên làm dự án cho doanh nghiệp ngoại.
Chọn cách chơi với các doanh nghiệp FDI
Những ngày cuối năm 2022, dù rất bận rộn với lịch kiểm tra tiến độ dự án ở nhiều tỉnh khác nhau, nhưng ông Nguyễn Văn Phong vẫn dành thời gian để trò chuyện với chúng tôi. Sau màn chào hỏi, ông đề nghị làm việc luôn.
“Cũng là thói quen nghề nghiệp. Ngành xây dựng khắc nghiệt lắm, đôi khi không còn thời gian cho gia đình. Có những thời điểm mà một tháng tôi chỉ ở nhà được một ngày chủ nhật”, ông Phong chia sẻ.
Nhìn tần suất xuất hiện logo HLS trên các công trường, có thể thấy ông bận thế nào. HLS chủ yếu có mặt cùng với các dự án của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến từ Nhật Bản, Mỹ, châu Âu - những khách hàng vốn khắt khe, đòi hỏi nhiều hơn các tiêu chuẩn quốc tế, cũng có nghĩa người đứng đầu HLS càng đối mặt với nhiều thách thức.
Ông Phong thừa nhận điều này, nhưng cũng nói, lựa chọn con đường khó hơn đã tạo nên sự khác biệt lớn nhất của HLS với các doanh nghiệp xây dựng khác. Cá nhân ông cũng chọn con đường này, đã có 25 năm làm việc với các doanh nghiệp nước ngoài, từ vị trí nhân viên đến quản lý.
Đi với các doanh nghiệp lớn hơn, chuyên nghiệp hơn, ông học được rất nhiều, từ việc nhỏ nhất như vệ sinh môi trường, sự an toàn trên công trường, đến việc lo toan đời sống của công nhân, rồi xây dựng kế hoạch chi tiết của dự án; quản trị, điều hành doanh nghiệp bài bản, chuẩn mực… Đặc biệt, ông tâm đắc những bài học trong cam kết về thời gian, chất lượng, an toàn, uy tín, chuyên nghiệp và tôn trọng đối tác trên tinh thần cùng có lợi.
Đây chính là “bí quyết” để HLS có được sự tin tưởng của các đối tác nước ngoài. “Nhưng chúng tôi hạnh phúc vì con đường này đã mang lại thành công cho HLS”, ông Phong nói khi kể đến một số dự án điển hình mà HLS đã thực hiện, như Tòa nhà Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM, Cảng quốc tế Thị Vải, Khu công nghiệp Long Đức, hệ thống các nhà máy Bia Heineken, hệ thống các nhà máy Nestlé, Nhà máy thép TungHo…
Càng khó khăn thì càng phải sáng tạo
Năm 2022, HLS kỷ niệm 15 năm thành lập, cũng là thời điểm ông Phong cùng các cộng sự đối mặt với vô vàn áp lực do tác động tiêu cực từ thị trường. Khó khăn bủa vây doanh nghiệp xây dựng khi giá vật liệu, xăng dầu, nhân công đều tăng đột biến. Thị trường bất động sản “đóng băng”, các dự án quy mô lớn bị ảnh hưởng về tín dụng ngân hàng nên ngừng hoặc chậm lại. Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, nhiều dự án cũng dừng chờ… cơ chế.
Trong bối cảnh này, doanh nghiệp vẫn phải đảm bảo đúng thời gian về đích với các dự án đang triển khai và đó là áp lực rất lớn. “Chúng tôi xác định, nhận diện rõ khó khăn là quan trọng, nhưng không quan trọng bằng tâm thế đối diện và vượt qua”, ông Phong chia sẻ.
Tâm thế sẵn sàng được xác định từ cấp lãnh đạo đến nhân viên, từ các bước đánh giá nhận diện rủi ro đến xây dựng chiến lược vượt qua. Cả lãnh đạo và nhân viên đều phải tăng hiệu suất lao động và hiệu suất quản lý; sáng tạo triển khai giải pháp, đồng hành với các nhà cung cấp vật tư, thiết bị; quản lý tốt dòng tiền thu - chi để đảm bảo thi công dự án thông suốt.
“Ngay trong lúc khó khăn nhất, chúng tôi vẫn xác định giữ ổn định được bộ máy, bảo đảm nguồn thu nhập cho nhân viên. Thậm chí, khi công việc tăng thêm, thay vì tuyển thêm người, nhân viên đều đồng lòng nhận thêm việc và được nhận thêm thù lao để tăng thêm thu nhập”, ông Phong kể.
Dưới dự chèo lái của thuyền trưởng Nguyễn Văn Phong, năm thứ 15 của HLS đã về đích khá trọn vẹn, hoàn thành mục tiêu kinh doanh đề ra. “Đến thời điểm này chúng tôi tự tin khẳng định rằng, với những dự án đang thực hiện và các dự án mới, HLS vẫn duy trì được việc làm trong hiện tại và 2 năm tiếp theo. Chúng tôi đã rút ra kinh nghiệm là càng khó khăn thì càng phải sáng tạo để gỡ khó, vượt qua thách thức”, người đứng đầu của HLS khẳng định.
Bài học đoàn kết
Nhìn lại chặng đường vừa qua, ông Phong chia sẻ, bài học lớn nhất của HLS chính là sự tâm huyết, đoàn kết, đồng lòng của tất cả nhân viên trong Công ty.
“Chúng tôi thành công nhờ sự đồng lòng, đoàn kết, nhờ ngọn lửa được truyền từ lãnh đạo đến nhân viên trong Công ty”, ông Phong tự tin chia sẻ về văn hóa của doanh nghiệp, về những con người HLS mà ông gọi là tài sản lớn nhất của Công ty.
Ở nhiều công ty xây dựng trong nước, công nhân thi công tại công trường thường được thuê theo mùa vụ, khi hoàn thành công trình là kết thúc hợp đồng và chỉ tuyển mới khi cần. Giải pháp này mang lại hiệu quả tài chính cho nhiều doanh nghiệp.
Nhưng HLS có bài tính khác. Do đặc điểm các dự án của khối doanh nghiệp FDI là yêu cầu rất cao về kỹ thuật, khắt khe từ những chi tiết nhỏ nhất như vệ sinh ở công trường, trang thiết bị bảo hộ an toàn, điều kiện ăn ở cho công nhân tại công trường, nên nhiều công nhân tại công trường của HLS cũng thuộc “biên chế” dài hạn để đảm bảo dự án thi công xuyên suốt, tuân thủ đúng yêu cầu của chủ đầu tư. Mặt khác, đây cũng là cách để người lao động gắn bó với doanh nghiệp lâu dài, cũng để có đời sống ổn định hơn.
“Chỉ có những con người gắn bó lâu dài với Công ty thì mới hiểu được văn hóa, thông điệp của Ban lãnh đạo, qua đó hoàn thiện sản phẩm chất lượng và xây dựng được uy tín với khách hàng. Sử dụng lực lượng lao động mới thì rõ ràng về kinh tế là tốt, nhưng không bền vững”, ông Phong lý giải cách sử dụng nhân sự của HLS.
Chủ tịch HĐTV HLS cũng rất coi trọng tinh thần khuyến học. Ban giám đốc và nhiều phòng ban luôn được khuyến khích và tạo điều kiện để đi học thêm nghiệp vụ, đạt các chứng chỉ quốc tế về quản lý xây dựng, an toàn, sức khỏe, môi trường chuẩn mực quốc tế…
Cuộc trò chuyện của chúng tôi phải tạm dừng bởi cuộc điện thoại của trợ lý nhắn lịch thị sát công trường. Cúp điện thoại, ông vừa tranh thủ chuẩn bị tư trang để đi công trường, vừa phân trần: “Người làm nghề xây dựng ăn cơm công trường nhiều hơn cơm nhà. Để đảm bảo tiến độ dự án, nhiều khi tôi phải ăn ngủ cùng với công nhân tại công trường. Nghề này tiền quan trọng, nhưng chữ tình và tinh thần mới là trên hết”.
Theo lý thuyết, khi khó khăn, nếu người đứng đầu gần gũi, truyền lửa, lan tỏa được tinh thần đồng đội, “chung lưng đấu cật” với anh em, thì khó mấy, anh em vẫn chung tay với mình đến khi thành công. Thực tế, ông Phong và HLS đang làm được như vậy.
Một năm khó khăn nữa đã lại qua, nhiều doanh nghiệp nói về áp lực, về khó khăn. Ông làm gì để đỡ căng thẳng?
Những lúc căng thẳng, tôi thường tổ chức các buổi gặp gỡ với cán bộ, nhân viên thông qua những buổi tiệc nhỏ ấm cúng, cùng ăn uống, ca hát, trò chuyện, chia sẻ các vấn đề của cuộc sống (tuyệt đối không nói đến công việc).
Tôi cũng xuống công trường để lắng nghe công nhân, chia sẻ khó khăn và cùng họ chơi những môn thể thao đồng đội như bóng đá. Khó khăn trong cuộc sống thì ai cũng có, nhưng quan trọng là tìm cách biến khó khăn thành động lực, không để khó khăn trở thành áp lực gây ảnh hưởng tiêu cực cho tinh thần.
Làm ngành xây dựng luôn phải đi công trường, vậy thời gian nào ông dành cho gia đình?
Tôi may mắn được gia đình thông cảm, ủng hộ và chia sẻ trong công việc, không bị phàn nàn về chuyện xa gia đình nhiều. Tuy nhiên, tôi nghĩ mình luôn phải ý thức rằng, gia đình là quan trọng, từ đó hành động cũng sẽ có trách nhiệm.
Các thành viên trong gia đình đồng hành ủng hộ ông như thế nào trong công việc?
Vợ tôi dù không cùng ngành nghề, nhưng luôn chia sẻ, hỗ trợ tôi. Các con tôi cũng quan tâm, động viên tôi trong
công việc. Tôi thường xuyên chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong công việc với các con, xem các con như những người bạn bên mình.