Doanh nhân trẻ và suy nghĩ trước thời cơ mới từ cách mạng công nghiệp 4.0
Là lực lượng nòng cốt tạo ra nguồn của cải vật chất cho nền kinh tế, các doanh nghiệp, đứng đầu là đội ngũ doanh nhân luôn tiên phong trên mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đóng góp an sinh xã hội và hội nhập thế giới.
Đặc biệt, trước làn sóng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, lực lượng doanh nhân; trong đó chủ chốt là doanh nhân trẻ đã đón bắt xu thế vận dụng thực tế sản xuất kinh doanh, đồng thời truyền cảm hứng cho cộng đồng doanh nhân Việt.
Nhân dịp 15 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004-13/10/2019), TTXVN đã gặp gỡ các doanh nhân trẻ và ghi nhận những ý kiến về những suy nghĩ, băn khoăn trước “thời cơ” mới từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Ông Nguyễn Khắc Long - TGĐ Công ty CP Airtech Thế Long:
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu, tạo ra nhiều chuyển biến trên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, những biến động lớn từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế Việt Nam nói chung và từng doanh nghiệp nói riêng. Công nghệ số được áp dụng trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; xuất hiện ngày càng nhiều hình thức kinh doanh, dịch vụ mới, xuyên quốc gia, dựa trên nền tảng công nghệ số và internet đang tạo nhiều cơ hội việc làm, thu nhập, tiện ích, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Việc xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số được triển khai quyết liệt. Nhưng trong thực tế, đất nước chúng ta vẫn còn đang ở giai đoạn công nghiệp hội nhập chưa sâu rộng. Hiện tại, các doanh nghiệp tập đoàn vẫn đang dò dẫm sử dụng những sản phẩm nhập khẩu từ đất nước phát triển.
Airtech Thế Long đã có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn, thiết kế, lắp đặt, thi công phòng sạch, sản xuất thiết bị phòng sạch, các loại lọc và thiết bị cơ khí và là một trong những đối tác đa quốc gia của Tập đoàn Airtech Group bao gồm 8 thành viên (Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Đức, Ấn Độ, Việt Nam). Đây là Tập đoàn đi đầu trong nghiên cứu và phát triển các sản phẩm phục vụ trong ngành y-dược phẩm, hóa mỹ phẩm, điện tử, tinh thể lỏng và bán dẫn, bệnh viện, phòng thí nghiệm và trường đại học...
Với ngành nghề của mình, đi cùng với xu thế phát triển chung của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Airtech Thế Long đã đầu tư một nhà máy mới tập trung vào các công nghệ 4.0 (máy móc tự động hoàn toàn, kết hợp với phần mềm để ra báo cáo tiến độ cũng như lỗi của sản phẩm), giảm ảnh hưởng của việc sử dụng lao động mang lại, giá cả cạnh tranh, hướng tới thị trường trong nước và xuất khẩu.
Các trang thiết bị máy móc hiện đại này đã tiết kiệm được nguồn nhân lực chỉ còn 5 lao động trong khi trước đây phải cần hơn 20 người vận hành máy móc nhờ các Robot chuyên dụng. Thay vào đó, nguồn nhân lực chúng tôi tập trung cho nghiên cứu phát triển sản phẩm, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường.
Để khai thác tối đa thành tựu của cuộc cách mạng này, theo tôi doanh nghiệp Việt cần áp dụng tốt 5 yếu tố. Đó là chú trọng tích hợp công nghệ số hóa, thúc đẩy phát triển những giải pháp sản xuất và kinh doanh dựa trên số hóa để phục vụ sản xuất, kinh doanh và chăm sóc khách hàng. Doanh nghiệp cần phát triển các kỹ năng mới cho từng cá nhân, tham gia và sử dụng hiệu quả chuỗi cung ứng thông minh được tạo ra từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, gắn kết chặt chẽ hơn với nhu cầu của khách hàng.
Coi con người là nguồn lực quý giá nhất của doanh nghiệp và có chiến lược phát triển nguồn nhân lực dài hạn; trong đó, có giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hiện hữu của doanh nghiệp, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, chuyên viên chủ chốt. Doanh nghiệp phải coi trọng "tái cấu trúc" theo tinh thần khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo. Cuối cùng là ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới trong Cách mạng công nghiệp 4.0 vào quản trị doanh nghiệp, thi công, quản lý dự án, quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Tuy nhiên, chỉ cố gắng của cá nhân doanh nghiệp, doanh nhân chưa đủ. Theo tôi để doanh nghiệp có thể bắt kịp và thậm chí gia tăng lợi nhuận với thời đại công nghệ 4.0 này, cá nhân tôi mong muốn Chính phủ đẩy nhanh việc xây dựng và hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai, xây dựng phát triển. Tăng cường quản lý bằng pháp luật, bằng cơ chế, chính sách, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ thể kinh tế khi tham gia thị trường Cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời, Chính phủ tạo nhiều chính sách tốt, thông thoáng để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và trao đổi với các thị trường tiềm năng.
Ngoài ra, Chính phủ thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích mạnh mẽ các chủ thể trong nền kinh tế nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao vào quá trình sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực khác trong đời sống xã hội để bắt kịp với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Yếu tố phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho cuộc cách mạng này cũng cần được coi trọng.
Ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty Cơ khí SKD Việt Nam:
Hiện nay, nguồn nhân lực 4.0 ở Việt Nam đã có chất lượng hơn rất nhiều so với thời điểm 4-5 năm về trước. Tuy nhiên, nếu so sánh với các nước trên thế giới và trong khu vực thì chất lượng nhân lực Việt Nam vẫn còn là điểm đáng bàn và cần tiếp tục có các giải pháp để nâng cao hơn nữa.
Đơn cử như sinh viên Việt Nam, ở các ngành kỹ thuật, công nghệ, điện tử... nhưng rất ít bạn có được tay nghề tốt, đủ khả năng đi làm ngay tại các doanh nghiệp. Đây cũng là lý do nhiều doanh nghiệp ngại tuyển dụng đầu vào mới vì họ phải mất thời gian đào tạo lại.
SKD Việt Nam hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực chế tạo máy và điều khiển tự động, vì vậy doanh nghiệp đang dần tiến tới tự động hóa các quy trình sản xuất. Cụ thể, chúng tôi đã tìm hiểu và mua thêm nhiều máy móc hiện đại, mở rộng hơn nữa nhà xưởng... Thế nhưng chất lượng nhân lực lại chưa theo kịp được. Ở các khâu thiết kế, CNC chính xác, hay vận hành các máy móc hiện đại, rất khó để tuyển dụng được các lao động có trình độ.
Vì vậy, chúng tôi mong rằng, nhà nước, các trường học và cả doanh nghiệp, có một cơ chế chung làm sao để đào tạo học sinh, sinh viên theo đúng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp và giai đoạn đi lên của đất nước. Nhiều môn học phụ, không thực sự cần thiết, có thể rút ngắn lại hoặc loại bỏ để tập trung nhiều hơn cho các vấn đề chuyên môn, nhất là với các ngành học, công việc mang tính kỹ thuật, công nghệ cao.
SKD hiện nay đang liên kết với các doanh nghiệp Nhật Bản để vừa học hỏi về quản lý, quy trình sản xuất văn hóa kinh doanh và tìm hiểu sâu hơn về công nghệ, kỹ thuật sản xuất cơ khí từ Nhật Bản. Các doanh nghiệp Nhật Bản đã cùng với SKD, hợp tác và đầu tư trong một số lĩnh vực sản xuất, để từ đây, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm cung cấp cho họ.
Ông Lê Đình Giáp - Founder kiêm CEO của NetLoading:
Doanh nhân là những người trực tiếp trải nghiệm những khó khăn và thuận lợi của môi trường kinh doanh. Vì vậy, những ý kiến đóng góp, phản hồi của họ về môi trường kinh doanh là hết sức quý báu.
Ngoài ra, chính văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp cũng là một thành tố của môi trường kinh doanh. Do đó, thông qua nuôi dưỡng văn hóa kinh doanh lành mạnh, doanh nhân cũng phần nào góp phần cải thiện được môi trường kinh doanh.
Các doanh nghiệp trẻ của Việt Nam hiện nay tương đối năng động, linh hoạt và có khả năng thích ứng nhanh với các xu hướng chuyển đổi số của thế giới.
Với Cách mạng Công nghiệp 4.0, Việt Nam đã có nhận thức kịp thời và bắt đầu có những chuyển đổi tích cực để thích nghi với xu hướng đó.
Tuy nhiên, do điều kiện hạ tầng còn hạn chế, những thay đổi của Việt Nam gặp phải những rào cản nhất định và cần thời gian dài để khắc phục.
Việc Chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam tăng 10 bậc cho thấy những định hướng đúng đắn cũng như những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong cải thiện môi trường kinh doanh thời gian qua.
Từ chính doanh nghiệp mình, chúng tôi cũng đã cảm nhận được những thay đổi tích cực này trong quá trình sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có những đề xuất để cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam như đơn giản hóa, tự động hóa các thủ tục hành chính; xây dựng hành lang pháp lý phù hợp với những loại hình kinh doanh mới, cũng như mong muốn nhận được nhiều hỗ trợ trong xúc tiến thương mại quốc tế và các kênh tiếp cận nguồn vốn; thiết lập kênh thông tin ghi nhận phản hồi và góp ý của doanh nghiệp; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh.
Ông Mai Lê Lợi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinalines Logistics (Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - Vinalines):
Trong những năm gần đây, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang có ảnh hưởng rất lớn đến hầu hết mọi mặt của cuộc sống, làm thay đổi cả cách thức hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung và Vinalines Logistics nói riêng.
Việc chuyển dần các giao dịch từ truyền thống sang điện tử đã ảnh hưởng đến vị trí, vai trò và cả nhu cầu của các bên. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với các công nghệ ưu việt, không gian mạng, kết nối, dịch vụ internet… tạo ra các kết quả điển hình được coi như “logistics thông minh” – “smart logistics” hay “logistics 4.0” tác động toàn diện tới con người, quy trình và công nghệ ứng dụng trong logistics và chuỗi cung ứng.
Thành lập từ năm 2007, Vinalines Logistics là đơn vị chuyên cung cấp chuỗi dịch vụ vận tải đa phương thức kết nối đường bộ, đường biển, đường sắt, đường không, dịch vụ xuất nhập khẩu, dịch vụ kho bãi và các dịch vụ logistics tích hợp chất lượng cao.
Trong những năm qua công ty đã xây dựng hệ thống logistics rất bài bản, chuyên nghiệp, đạt tầm quốc tế bằng việc sử dụng các công nghệ quản lý hiện đại, phần mềm chuyên nghiệp, các chuẩn ISO, thiết bị tự động hóa trong phân loại, bao gói, lưu kho, chuyển phát…
Một số ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty, đó là quản lý vận tải, hệ thống định vị GPS cung cấp định tuyến cho người quản lý xa cũng như cung cấp cập nhật thông tin lô hàng cho khách hàng; tạo các Sàn giao dịch vận tải - sàn giao dịch giúp kết nối xe tải với người gửi hàng, kết nối cung (xe tải nhàn rỗi) và cầu (chủ hàng có hàng cần gửi), giúp tận dụng tài nguyên, tiết kiệm chi phí; hệ thống định tuyến - những phần mềm lập kế hoạch cho đường xe chạy, theo dõi lượng hàng trên xe…
Ngoài ra, Vinalines Logistics còn áp dung công nghệ thông tin đặc biệt là sử dụng Dữ liệu lớn và AI (trí tuệ nhân tạo) để phân tích dữ liệu và phối hợp nguồn nhân lực tinh vào hoạt động sản xuất kinh doanh là giải pháp tối ưu…