Doanh nhân truyền cảm hứng khởi nghiệp cho giới trẻ
Những câu chuyện về cuộc đời, những chia sẻ, những lời khuyên của các nhà khởi nghiệp trẻ tài năng đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho các bạn trẻ có tuy tư duy nhạy bén, yêu thích sự đổi mới sáng tạo lựa chọn con đường khởi nghiệp.
Tại buổi tọa đàm khởi nghiệp với chủ đề “Thế hệ Gen Z - Khởi nghề hay Khởi nghiệp?” do Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (BSSC) tổ chức vừa diễn ra tại TP HCM, các diễn giả cho rằng, không phải ai khởi nghiệp cũng thành công, nhiều người đã phải chấp nhận thất bại cay đắng hết lần này đến lần khác. Trong khi đó, lựa chọn con đường khởi nghề có chỉ số an toàn cao nhưng vẫn đầy màu sắc trải nghiệm khi được trải qua nhiều vị trí công việc, xây dựng nhiều mối quan hệ để trưởng thành. Vậy thì các bạn trẻ, nên chọn khởi nghề hay khởi nghiệp?
Theo bà Nguyễn Thị Diệu Hằng - CEO BSSC, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP HCM (YBA), “thái độ quan trọng hơn trình độ”, điều đầu tiên các bạn trẻ nên tập là làm từng việc nhỏ thật có tâm. Bà Diệu Hằng chia sẻ câu chuyện khi mình còn là thư ký của Chủ tịch Hội đồng quản trị, bà đã nhận được sự hỗ trợ của một người đồng nghiệp làm công việc văn thư, anh đã chuẩn bị tài liệu cho buổi họp hội đồng quản trị rất chu đáo. Bà ấn tượng về sự tận tâm của anh trong từng công việc nhỏ nên bà lưu tâm và chứng kiến hành trình sự nghiệp của anh với nhiều bước tiến để từ nhân viên bảo vệ lên vị trí trưởng phòng thiết kế của công ty.
Doanh nhân Phan Hùng Dũng cũng đồng tình với nhận định trên, ông Dũng bổ sung thêm, “Điều quan trọng ở người trẻ là sự quyết tâm và ý chí cầu tiến”. Ông chia sẻ câu chuyện khi ông vừa ra trường làm kỹ sư xây dựng, sếp yêu cầu ông thực hiện một bản vẽ kỹ thuật cho đối tác, mặc dù đây là yêu cầu khó vượt quá kinh nghiệm và kiến thức của ông khi đó nhưng ông Dũng đã quyết tâm tự mày mò học và thực hiện thành công dự án.
Theo bà Hằng, khởi nghề - khởi nghiệp hay làm thuê – làm chủ là một ranh giới khá mong manh, người trẻ có thể thay đổi linh động giữa hai con đường này. Trong quá trình khởi nghiệp của mình, bà nhận ra mô hình kinh doanh của mình không có gì khác biệt, chỉ đơn thuần là mua bán thương mại chưa tạo ra nhiều giá trị nên bà quyết định chuyển qua khởi nghề - làm thuê cho BSSC để hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp như hiện nay. Ước mơ khi bà tích lũy đủ kinh nghiệm, mối quan hệ, nâng cao góc nhìn bà sẽ quay lại khởi nghiệp - làm chủ với bước đi vững chãi hơn. Bà Hằng cũng cổ vũ các bạn trẻ chọn con đường đi làm thuê vì hoàn toàn có thể sở hữu cổ phần công ty khi là một CEO làm thuê chuyên nghiệp. Bà cho biết, những người khởi nguồn ý tưởng cho công ty chỉ sở hữu 5% cổ phần công ty, trong khi đó đội ngũ vận hành – tạo giá trị cho doanh nghiệp chiếm 20% cổ phần của công ty.
Thế hệ Gen Y của bà Hằng luôn khắc khoải với câu hỏi: Việt Nam được đánh giá là quốc gia dân số có chỉ số thông minh cao, luôn đứng top đầu trong các cuộc thi quốc tế Toán, Tin, Vật Lý….nhưng tại sao chúng ta giỏi nhưng vẫn nghèo?
Đó là vì chúng ta thiếu tư duy kinh doanh. Bà Diệu Hằng đặt kỳ vọng vào thế hệ Gen Z - thế hệ tương lai của đất nước - có thể xoay chuyển thực trạng này. “Việt Nam đang ở trong giai đoạn lịch sử quan trọng, giai đoạn kim cương của nền kinh tế, là khúc quanh của thời đại. Tất cả chúng ta đang đón những cơn sóng lớn, vừa là thời cơ vừa là nguy cơ, nếu biết tận dụng để lướt sóng trên ngọn sóng thì thế hệ trẻ sẽ giúp Việt nam bứt phá vươn lên mạnh mẽ, nếu không chủ động tiến lên thì sẽ bị những ngọn sóng vùi dập để tiếp tục khắc khoải câu hỏi của bao thế hệ cha anh đi trước”, bà Hằng nói.
Các bạn trẻ Gen Z, nếu có ý định khởi nghiệp, hãy bắt tay vào làm ngay vì ngay bây giờ các bạn không có quá nhiều thứ để mất nếu trở về số 0 và các bạn còn nhiều thời gian của tuổi trẻ. Ông Hùng Dũng gởi thông điệp đến các bạn sinh viên cụm từ khóa “người khởi nghiệp thông minh phải như một chiến binh”. “Để trở thành doanh nhân trong tương lai, các bạn trẻ cần tôi luyện cho mình tư duy, kỹ năng, trải nghiệm trong các hội, đoàn, câu lạc bộ trong và ngoài trường để cọ xát thực tế sớm nhất, nhiều nhất có thể”, ông Dũng khuyên.
Về tâm thế khi đối mặt thất bại, bà Hằng cho rằng, tư duy dám đối mặt thất bại, dám chấp nhận rủi ro rất quan trọng với người trẻ. Là người lãnh đạo, khi đối mặt với khó khăn, người thuyền trưởng phải vững tay chèo, cố gắng tìm giải pháp giải quyết vấn đề. Là chiến binh khởi nghiệp, chắc chắn bạn sẽ có nhiều vết sẹo, nhưng cố gắng đừng bao giờ để bị vết thương chí mạng, để còn có thể đứng lên sau thất bại, và nhớ không bao giờ được ngã cùng một chỗ nhiều lần, hãy ngã và học bài học để vươn lên.