Vì sao dừng thí điểm nhập dược liệu qua cửa khẩu Chi Ma?
Mặc dù đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, song Đề án thí điểm nhập khẩu dược liệu qua cửa khẩu Chi Ma, tỉnh Lạng Sơn đã không đạt kỳ vọng đặt ra. Chính phủ đã cho phép chấm dứt thí điểm đề án này.
Đề án thí điểm nhập khẩu dược liệu qua cửa khẩu Chi Ma (huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) được Chính phủ phê duyệt thực hiện thí điểm trong 2 năm, tính từ ngày 1/10/2021 với kỳ vọng sẽ giúp kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu này tăng cao hơn. Tuy vậy, từ khi thí điểm đến nay, mới chỉ có 1 lô hàng dược liệu được nhập khẩu qua cửa khẩu này với trọng lượng 23,4 tấn, trị giá khoảng 433.208 USD
Theo báo cáo của ngành chức năng, từ năm 2022, các sở, ngành liên quan và Hải quan Lạng Sơn đã thực hiện cung cấp thông tin, hỗ trợ 23 doanh nghiệp có nhu cầu tìm hiểu về nhập khẩu một số mặt hàng như cây huyết đằng, sa nhân, đậu khấu… Tuy nhiên, do ở đây có những hạn chế về kho bãi, quy trình kiểm nghiệm… nên họ đã chuyển hướng sang nhập khẩu qua cửa khẩu khác như cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn).
Ghi nhận của PV Tiền Phong, dược liệu được coi là một mặt hàng nhập khẩu chủ lực qua cửa khẩu này. Thời điểm, năm 2015, cửa khẩu Chi Ma làm thủ tục nhập khẩu hơn 34.000 tấn dược liệu, năm 2016 nhập 7.000 tấn, 6 tháng đầu năm 2017 nhập khoảng 8.000 tấn… Tuy nhiên, khi Nghị định 54/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược có hiệu lực, mặt hàng dược liệu chỉ được phép thực hiện nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế...
Trong khi thực hiện Đề án thí điểm nhập khẩu dược liệu qua cửa khẩu Chi Ma thì đại dịch COVID-19 bùng phát, phía Trung Quốc thường xuyên áp dụng các biện pháp, chính sách kiểm soát chặt chẽ dẫn tới hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa gặp nhiều khó khăn.
Thêm nữa, dược liệu là nhóm hàng hóa nhập khẩu liên quan đến hoạt động chuyên ngành, các doanh nghiệp được phép hoạt động nhập khẩu phải đáp ứng nhiều tiêu chí và được Bộ Y tế công nhận, vì vậy, số lượng doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực này không nhiều. Đặc biệt, giấy phép nhập khẩu dược liệu được cấp có thời hạn trong 1 năm. Doanh nghiệp đã đăng ký tại cửa khẩu nào thì phải thực hiện hết thời hạn của giấy phép mới được phép chuyển đổi cửa khẩu làm thủ tục nhập khẩu…
Khi dịch COVID-19 qua đi, hoạt động xuất nhập khẩu trở lại bình thường, song các doanh nghiệp kinh doanh dược liệu nhập khẩu vì đã quen với việc nhập khẩu tại các cửa khẩu quốc tế, vậy nên cửa khẩu Chi Ma thưa vắng doanh nghiệp hoạt động nhập khẩu mặt hàng dược liệu.
Bên cạnh những nguyên nhân trên, hiện nay khu vực cửa khẩu Chi Ma chưa có kho chuyên dụng để bảo quản mặt hàng dược liệu theo quy định vì chi phí đầu tư xây dựng các kho dạng này quá lớn, yêu cầu cao về máy móc, kỹ thuật, con người… Quy trình kiểm nghiệm dược liệu còn kéo dài ngày, mất nhiều thời gian đi lại và chi phí.
Theo Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, trong 2 năm thí điểm, các ngành chức năng địa phương đã triển khai nhiều giải pháp thu hút doanh nghiệp nhập khẩu qua cửa khẩu Chi Ma và vận động các doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi đầu tư kho bảo quản.
Ngành chức năng Lạng Sơn tăng cường trao đổi, hội đàm với chính quyền và đơn vị chức năng Trung Quốc đề nghị thực hiện đầu tư nâng cấp hạ tầng kho bãi khu vực cửa khẩu Ái Điểm (Ninh Minh, Trung Quốc), song việc thu hút doanh nghiệp và hoạt động nhập khẩu qua cửa khẩu Chi Ma vẫn không tiến triển.
Tỉnh Lạng Sơn đã có văn bản đề nghị và ngày 30/10 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 210/NQ-CP về việc chấm dứt Đề án thí điểm nhập khẩu dược liệu theo Nghị quyết số 111/NQ-CP ngày 23/9/2021 của Chính phủ về việc thực hiện Đề án thí điểm nhập khẩu dược liệu qua cửa khẩu song phương Chi Ma.