Doanh nhân và trách nhiệm cộng đồng

Bước cùng đất nước đi qua những giai đoạn khó khăn, dù chính bản thân cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cũng đang vật lộn với biết bao khó khăn, thách thức trước những diễn biến khó lường của tình hình thế giới, thiên tai bão lũ do các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày một khắc nghiệt. Song với tinh thần tương thân tương ái, trách nhiệm cộng đồng, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt vẫn dành nhiều nhân lực, vật lực hỗ trợ đồng bào, người yếm thế, người dân vùng bão lũ…

Tiên phong nêu cao tinh thần nhân ái, chia sẻ

Đã một tháng trôi qua, nhưng những hậu quả tàn khốc của bão số 3 (Yagi) vẫn còn hiển hiện trên từng khu phố, từng con đường, và cả những khu nhà xưởng sập đổ vẫn ngổn ngang ở nhiều nơi. Những thiệt hại khủng khiếp về tinh thần và kinh tế chưa thể kể hết đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế của cả nước.

Trong cuộc gặp mặt giữa Thủ tướng với các đại diện cộng đồng doanh nghiệp nhân ngày Doanh nhân Việt Nam diễn ra vào ngày 4/10 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại: “Chúng tôi rất xúc động khi các doanh nghiệp, doanh nhân tự giác đóng góp, chia sẻ, giúp đỡ đồng bào bão lũ rất chân tình, nhiệt thành, hiệu quả, cho thấy tình dân tộc, nghĩa đồng bào, sự đoàn kết, thống nhất của dân tộc ta luôn phát huy hiệu quả trong những lúc khó khăn, thách thức”.

Trước đó, vào ngày 21/9, khi chủ trì Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước, Thủ tướng đã đề nghị doanh nghiệp phát huy 6 tiên phong, trong đó có nội dung, tiên phong trong đoàn kết, thống nhất, hỗ trợ lẫn nhau, cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển doanh nghiệp và phát triển đất nước.

Thực tế, trong quãng thời gian 2 năm trở lại đây, cụm từ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đã được nhắc đến rất nhiều. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp đóng góp tích cực cho các hoạt động cộng đồng tại địa phương nhằm thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội. Có thể hiểu, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là những nỗ lực nhằm giảm thiểu hoặc tránh các tác động có hại và tối đa hóa tác động tích cực, hữu ích lâu dài đối với xã hội. Các chương trình từ thiện, các chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp là một cách tiếp cận toàn diện để doanh nghiệp tối đa hóa giá trị kinh tế - xã hội và môi trường lâu dài.

Khi cơn bão Yagi đi qua để lại những vết hằn về kinh tế, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp cũng đã được cụ thể hóa rất rõ, mà sự tiên phong của các “sếu đầu đàn” như: Vingruop, Hòa Phát, Thaco, VNPT được cộng đồng ghi nhận.

Không chậm trễ, tập đoàn Vingroup thông báo ủng hộ 250 tỷ đồng cho đồng bào bị thiệt hại do bão Yagi và lũ quét. Nguồn tiền sẽ được phân bổ trực tiếp cho hoạt động cứu trợ khẩn cấp như dựng lại khoảng 2.000 ngôi nhà bị sập đổ, hỗ trợ từ 150 - 300 triệu đồng cho các gia đình có người thiệt mạng. Số tiền còn lại sẽ được dành để hỗ trợ các gia đình có người bị thương hoặc bị thiệt hại nặng nề về hoa màu, gia súc cũng như hỗ trợ dọn dẹp, góp phần tái thiết các công trình, hạ tầng trọng yếu phục vụ dân sinh.

Hay như với Tập đoàn Hòa Phát, cũng chính là một doanh nghiệp bị ảnh hưởng của bão Yagi, các nhà máy, trang trại của Hòa Phát tại các tỉnh phía Bắc là Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Thái Bình, Yên Bái, Phú Thọ bị thiệt hại cũng đã chủ động đã dành hàng chục tỷ đồng hỗ trợ đồng bào và chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát tạo “Mái ấm cho đồng bào tôi”.

Trong khi đó, theo ghi nhận của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, danh sách những tổ chức ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Bắc cũng ngày được nối dài hơn với một số đơn vị nhỏ và vừa, rồi các cá nhân trên mọi miền tổ quốc. Số lượng các đơn vị gửi tiền ủng hộ đồng bào khu vực lũ lụt ở miền Bắc đang ngày càng tăng. Trong số này có cả những doanh nghiệp trực tiếp chịu ảnh hưởng bởi tình hình bão lũ.

Ngoài tiền mặt, những chuyến hàng cứu trợ cũng miệt mài được chuyển đến người dân giữa vùng lũ. Sự chung tay của các doanh nghiệp đã thể hiện tinh thần tương thân tương ái giữa khó khăn. Các hành động thiết thực này không chỉ là minh chứng cho tinh thần đoàn kết của các doanh nghiệp trong việc đồng hành cùng cộng đồng vượt qua khó khăn, góp phần giảm thiểu tác động của thiên tai đối với cuộc sống của người dân. Lớn hơn nữa, những hoạt động an sinh quy mô lớn còn thúc đẩy và hướng đến sự phát triển bền vững của xã hội.

Doanh nghiệp chung tay hỗ trợ người dân trong đại dịch Covid-19. Ảnh minh họa. Ảnh: VGP.

Doanh nghiệp chung tay hỗ trợ người dân trong đại dịch Covid-19. Ảnh minh họa. Ảnh: VGP.

Kích hoạt sự đoàn kết, nghĩa đồng bào

Hiện nay, Việt Nam có hơn 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2024, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đã có hơn 183.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường. Đây là lực lượng nòng cốt tạo ra của cải, vật chất, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo và ổn định xã hội. Lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân hiện đóng góp khoảng 60% GDP, 85% tổng số lao động, 98% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu

Với nhiều nỗ lực, cố gắng trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề, nền kinh tế đã lấy lại được đà tăng trưởng, phục hồi tương đối rõ nét trên các lĩnh vực, đạt nhiều kết quả quan trọng, được các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đánh giá cao. Có thể nhận thấy rằng, theo thời gian, vai trò, vị trí, tầm quan trọng cũng như những đóng góp to lớn của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đối với sự phát triển kinh tế của đất nước ngày càng được thể hiện đậm nét.

Điều đáng nói, Việt Nam đã có các doanh nghiệp dân tộc, tập đoàn kinh tế có quy mô lớn, giữ vai trò quan trọng, là nòng cốt, tiên phong dẫn dắt sự phát triển của các ngành, lĩnh vực và nền kinh tế, đóng góp vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của Thương hiệu quốc gia. Nhiều doanh nghiệp đã vươn lên làm chủ công nghệ, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có thương hiệu, tạo dựng được hệ sinh thái cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng phát triển, vội vàng tham gia chương trình kêu gọi đảm bảo an sinh xã hội.

Cũng chính trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng chịu nhiều tác động bởi thiên tai, bão lũ, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã và luôn nêu cao tinh thần chia sẻ đồng hành cùng đất nước, vượt khó, vượt khổ, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng với hoàn cảnh thách thức để duy trì hoạt động, duy trì công ăn việc làm cho người lao động, sinh kế cho người dân.

Trở lại thời điểm năm 2021, khi dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam chúng ta cũng nhớ lại việc các doanh nghiệp góp tiền xây quỹ phòng chống dịch Covid-19. Với trách nhiệm vì cộng đồng, với tinh thần “sự an toàn hay phát triển của mỗi cá nhân gắn chặt với sự an toàn của cả cộng đồng”, cộng đồng doanh nghiệp đã cùng đất nước vượt qua đại dịch. Sự đoàn kết, tương thân nhân ái, nghĩa đồng bào đã được kích hoạt mạnh mẽ.

Bà Nguyễn Phương Linh, Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) đã từng nhấn mạnh, “doanh nghiệp không thể một mình thành công khi xung quanh họ thất bại. Doanh nghiệp không thể đứng ngoài cuộc trong việc thực hiện các trách nhiệm cộng đồng - từ thiện”. Chính vì vậy, các doanh nghiệp phải nhận thức, việc hoàn thành các trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp không chỉ là một việc phụ thêm để đóng góp cho cộng đồng, mà cần nhìn nhận vai trò và ý nghĩa của nó như là một chiến lược để phát triển, đáp ứng các nhu cầu của khách hàng trong thời đại mới. Bởi vì, một nền kinh kế chuyển đổi đòi hỏi doanh nghiệp không chỉ bán sản phẩm, dịch vụ mà còn là giá trị và trách nhiệm.

“Đừng coi thể hiện trách nhiệm cộng đồng, hoạt động từ thiện là cuộc chơi của doanh nghiệp lớn, đợi lớn mới thực hiện, mà hãy thực hiện từ thiện phát triển để lớn. Đó là trách nhiệm cộng đồng của từng doanh nghiệp”, bà Nguyễn Phương Linh nhấn mạnh.

Định vị thương hiệu cho doanh nghiệp

Trong tiến trình hội nhập và đổi mới đất nước, hình ảnh của doanh nghiệp ngày càng trở nên quan trọng hơn và đại diện cho hình ảnh đó chính là các sản phẩm, thương hiệu tạo được dấu ấn lớn đối với người tiêu dùng. Chính vì vậy, việc quảng bá hình ảnh, quảng bá thương hiệu trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Khi doanh nghiệp biết sẻ chia thì cũng là một cơ hội để xây dựng thành công lớn trong lòng khách hàng

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đã nhấn mạnh với Đại Đoàn Kết, trong bối cảnh cả thế giới đang hướng đến sự phát triển lâu dài và bền vững hiện nay, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ngày càng được chú ý. Nhiều doanh nghiệp thành công trên thị trường đã thực hiện rất tốt trách nhiệm cộng đồng, và ngược lại, thực hiện trách nhiệm cộng đồng tốt cũng là điểm cộng để doanh nghiệp xây dựng thương hiệu lớn mạnh. Định hướng cho xã hội và doanh nghiệp vì một cộng đồng tốt hơn, phát triển hơn đang là hướng đi tất yếu.

Giới chuyên gia cũng khẳng định, bản thân các doanh nghiệp trong nền kinh tế quốc dân cũng gặp khó khăn từ giai đoạn Covid-19, tiếp đó thương mại quốc tế sụt giảm. Nhưng trong khó khăn, điểm sáng "lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều" đã được nhân lên. Cộng đồng doanh nghiệp đã phát huy trách nhiệm xã hội cao nhất đóng góp cao cho tăng trưởng kinh tế.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, khi doanh nghiệp tham gia và chia sẻ khó khăn với người dân, ủng hộ cộng đồng, đây chính là xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó khi doanh nghiệp có thu nhập và tích cực đóng góp hoạt động xã hội thì có cơ chế phần đóng góp đó sẽ được giảm thuế.

Ngày hôm nay, bền vững trở thành một tiêu chuẩn tồn tại và phát triển cho bất cứ doanh nghiệp nào. Đó không còn là một phạm trù đạo đức đơn thuần, mà là triết lý tồn tại của những người làm kinh doanh. Người ta buộc phải có những thước đo và chứng thực về khả năng áp dụng và thực thi các tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội, quản trị) để có thể được chấp nhận trong một thế giới đã có trách nhiệm hơn. Nó khiến cho những doanh nghiệp lâu nay chỉ quan tâm đến lợi nhuận và tăng trưởng phải tự xem xét lại sứ mệnh của chính mình trong sự bền vững chung của cộng đồng và xã hội.

Sự bền vững đề cập khả năng đáp ứng nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng của các thế hệ tương lai trong việc đáp ứng nhu cầu của họ. Nó bao gồm việc quản lý tài nguyên một cách có trách nhiệm, cân bằng các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường để bảo đảm sự thịnh vượng và khả năng phục hồi lâu dài. Sự bền vững nhằm tạo ra các hệ thống và thực hành thúc đẩy sức khỏe sinh thái, công bằng xã hội và thịnh vượng kinh tế, đồng thời giảm tác động tiêu cực lên hành tinh và xã hội. Nó thường tập trung vào việc giảm tiêu thụ tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học và khuyến khích sự đổi mới hỗ trợ lối sống cân bằng và bền vững hơn. Mỗi doanh nhân thời đại mới buộc phải lựa chọn cho mình một mục đích xã hội và phấn đấu đưa doanh nghiệp của mình hướng theo một tầm nhìn vô hạn.

Như thế, kiến tạo một sứ mệnh với tầm nhìn vô hạn, gắn với triết lý phát triển bền vững đã không còn là một sự lựa chọn, mà là điều hiển nhiên đối với mỗi doanh nghiệp ngày hôm nay. Đó là câu trả lời cho câu hỏi làm thế nào để trở thành những doanh nghiệp trường tồn và được xã hội mong ước tồn tại.

Cũng chính trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng chịu nhiều tác động bởi thiên tai, bão lũ, ảnh hưởng xung đột chính trị song cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã và luôn nêu cao tinh thần chia sẻ đồng hành cùng đất nước, vượt khó, vượt khổ, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng với hoàn cảnh thách thức để duy trì hoạt động, duy trì công ăn việc làm cho người lao động, sinh kế cho người dân.

HỒ HƯƠNG

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/doanh-nhan-va-trach-nhiem-cong-dong-10292177.html