Doanh nhân vĩ đại Nhật đọc 'Tứ thư', 'Ngũ kinh' lúc 6 tuổi

Shibusawa Eiichi thành công với triết lý đạo đức kinh doanh. Việc đọc sách từ nhỏ góp phần vào vốn kiến thức uyên bác mà ông áp dụng trong thực tế kinh doanh.

Shibusawa Eiichi (1840-1931) được biết đến là nhà khởi nghiệp, doanh nhân thành công của Nhật Bản, được mệnh danh là "cha đẻ của triết lý kinh doanh Nhật Bản", hay "ông tổ chủ nghĩa tư bản Nhật Bản"... Sách chiếm một vị trí quan trọng ngay từ thuở thơ ấu của ông.

 Giấy bạc mệnh giá 10.000 yên của Nhật Bản dự kiến phát hành năm 2024 sẽ có hình Shibusawa Eiichi. Ảnh: Fujico.

Giấy bạc mệnh giá 10.000 yên của Nhật Bản dự kiến phát hành năm 2024 sẽ có hình Shibusawa Eiichi. Ảnh: Fujico.

Được "khai tâm" học chữ từ người cha nông dân

Nói về việc đọc sách của Eiichi, trong Duy Tân thập kiệt, phần "Chương 10 Shibusawa Eiichi (Thiệp Trạch Vinh Nhất)" viết về ông có thông tin về học vấn. Cụ thể là:

"Eiichi có điều kiện học hành hơn các con em nhà khác. Ông vốn có tư chất thông minh. Lên 7 tuổi đã được cùng Odaka Junchu học Tứ thư, Ngũ kinh, Nhật Bản ngoại sử và nhiều tác phẩm kinh điển Nho học".

Trong tác phẩm Nhà tư bản lỗi lạc thời Minh Trị Shibusawa Eiichi, tác giả Shimuda Masakazu đã đánh giá cao tuổi thơ đam mê học hỏi của Eiichi.

Shimuda Masakazu cho biết Eiichi ngay từ nhỏ đã học thư pháp, học đọc và viết. Ngoài ra còn học kiếm thuật từ những người thân trong dòng họ.

Để biết sách gắn với tuổi thơ của Eiichi như thế nào, có thể xem chính tự sự của ông nơi tự truyện Vũ dạ đàm. Trong hồi ức của Eiichi, ông biết đọc năm lên sáu tuổi. Người đã hướng dẫn cho Eiichi là cha ông.

Cha Eiichi là một nông dân có bản tính mạnh mẽ quyết đoán và luôn có chí vươn lên. Dù không đọc nhiều sách, nhưng cha Eiichi đã xem qua Tứ thư, Ngũ kinh, "thậm chí còn có cái khí phong lưu thi thoảng làm thơ Hán hay sáng tác thơ Haiku khi có cảm xúc".

Eiichi được cha hướng dẫn ban đầu, và trong trí nhớ của mình, ông bắt đầu biết đọc ở tuổi lên 6 với những bài học về chữ Hán cổ được cha dạy trong những kinh điển của Nho giáo như sách Đại học, Trung dung...

Thay vì học vỡ lòng, vị doanh nhân tương lai tiếp thu từ nhỏ các tác phẩm kinh điển của Nho giáo. Điều đó góp phần làm nên một Eiichi sớm có kiến thức già dặn.

 Tự truyện Vũ dạ đàm của Shibusawa Eiichi. Ảnh: Trần Đình Ba.

Tự truyện Vũ dạ đàm của Shibusawa Eiichi. Ảnh: Trần Đình Ba.

Mê đọc sách đến nỗi rơi xuống hào nước

Khi lên 7, 8 tuổi Shibusawa Eiichi mới học với thầy dạy là Odaka Atsubaka, một người được biết đến với sự uyên thâm, trí nhớ và "rất thích sách vở".

Chính từ người thầy này, Eiichi dần chịu ảnh hưởng và thích đọc sách. Lời dạy của thầy được Eiichi khắc sâu:

"Thầy lại cho tôi đọc nhiều loại sách kinh điển. Sách Hán văn thì có Tiểu học, Mông cầu, Tứ thư, Ngũ kinh, Văn tuyển, Tả truyện, Sử ký, Hán thư, Thập bát sử lược, Nguyên Minh sử lược, ngoài ra còn có Quốc sử lược, Nhật Bản ngoại sử, Nhật Bản chính ký... và thêm hai ba loại sách phụ khác nữa".

Quá trình đọc, cậu học trò nhỏ tuổi đã được thầy luyện cho khả năng rút ra được điều gì đó sau khi gấp sách lại, chứ không phải là việc thuộc từng câu từng chữ. Cách dạy ấy giúp luyện khả năng tư duy độc lập.

Eiichi cho hay, ông dành tới 4-5 năm tập trung cho việc đọc sách. Phải đến năm 11 tuổi, sau một thời gian chìm đắm trong những con chữ, cậu bé mới nhận ra mình thích đọc những tác phẩm dân gian đại chúng hơn là những sách hàn lâm.

Biết được điều đó, thầy Odaka Atsubaka không ngăn cản mà khuyến khích cậu học trò đọc sách theo sở thích: "Tốt thôi, nếu em muốn nhiều lợi lạc từ sách vở, hãy cứ bắt đầu với những cuốn dễ đọc. Kể cả khi em thấy những sách Khổng giáo là quá khó, em cũng sẽ vẫn hiểu phần nào ở giai đoạn này. Sau này lớn và có nhiều kinh nghiệm hơn em sẽ nhận ra nhiều bài học giá trị và hữu ích hơn".

 Shibusawa Eiichi năm 1866 khi 26 tuổi trong trang phục samurai. Ảnh: nippon.com.

Shibusawa Eiichi năm 1866 khi 26 tuổi trong trang phục samurai. Ảnh: nippon.com.

Từ đó, Eiichi đọc quân ký, tiểu thuyết, đọc bất cứ sách gì kiếm được và xác nhận mình thành con mọt sách khi lên 12 tuổi.

"Hồi đó mình say mê đọc một cuốn sách nào đó đến nỗi rơi vào một cái hào khi đang đi chào hỏi đầu năm, bị mẹ mắng vì làm bẩn mất bộ kimono đẹp nhất", Eiichi hồi tưởng.

Vai trò của giáo dục, của việc đọc sách từ rất sớm có ảnh hưởng quan trọng đến sự nghiệp của Shibusawa Eiichi: "Ngay từ nhỏ, ông đã được học văn, học võ, học buôn bán và đó là những vốn kiến thức và kinh nghiệm để sau này hình thành trong ông những phẩm chất của một doanh nghiệp tài năng của Nhật Bản thời cận đại", sách Duy Tân thập kiệt kết luận.

Cùng nhận định trên, Shimuda Masakazu xác nhận với việc được giáo dục học đọc, học viết và kiếm thuật ngay từ nhỏ, "Eiichi đã có được một căn bản học vấn tổng quát theo phong cách của một gia đình samurai, một điều mà hầu như bất khả thi đối với một người được dạy dỗ trong một gia đình nông dân hay thương nhân vào thời kỳ ấy".

Trần Đình Ba

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/doanh-nhan-vi-dai-nhat-doc-tu-thu-ngu-kinh-luc-6-tuoi-post1129448.html