Doanh nhân vững tin vượt khó
Sau nhiều năm ảnh hưởng của dịch Covid-19 và tình hình thế giới làm suy thoái kinh tế toàn cầu, hoạt động của các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng với sự quan tâm của tỉnh và bản lĩnh của mình, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Tuyên Quang đã 'vượt sóng cả' không 'ngã tay chèo', từng bước duy trì, đổi mới và đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, chung tay cùng các cấp chính quyền thực hiện công tác an sinh xã hội.
Bắt nhịp chuyển đổi số
Xác định chuyển đổi số là một trong những hoạt động mở đầu quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với sự chuyển mình của doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang đã tiên phong trong công tác chuyển đổi số. Việc nhận và phát hành văn bản đến và đi đều thực hiện trên hệ thống điều hành văn bản chung của tỉnh. Toàn bộ việc lưu dữ về dữ liệu và tài liệu của Hiệp hội được số hóa và thực hiện mô hình văn phòng không giấy mực. Hiệp hội tiên phong trong việc thực hiện phần mềm khảo sát trực tuyến DDCI - là Bộ chỉ số đánh giá năng lực điều hành cấp sở, cấp huyện thuộc tỉnh. Các hội viên trong hiệp hội đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh…
Tiên phong trong công tác chuyển đổi số, phải kể đến Công ty cổ phần Lâm Sản và Khoáng sản Tuyên Quang. Công ty đã đầu tư 3 Nhà máy gạch tuynel chất lượng cao, trong đó có 2 nhà máy thuộc xã Tràng Đà và phường An Tường (TP Tuyên Quang) và 1 nhà máy đang xây dựng ở tỉnh Hà Giang. Các nhà máy được đầu tư dây chuyền sản xuất theo công nghệ lò vòng với nhiều máy, thiết bị hiện đại. Nhà máy được tự động hóa với thiết bị nhập khẩu đồng bộ, chu trình khép kín từ tạo hình thành phẩm. Các công đoạn được cơ giới hóa bằng băng chuyền và robot. Việc xử lý khí thải, hệ thống tự động tận thu toàn bộ nhiệt và khí đưa vào nung sấy gạch mộc, khi phát thải lên trời chỉ có hơi nước và các chỉ số gây hại cho môi trường thấp nhất trong các nhà máy sản xuất gạch ở Việt Nam… Nhà máy của công ty được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận Nhà máy sản xuất gạch chất lượng cao hiện đại và đồng bộ nhất Việt Nam.
Ông Hà Thanh Luận, Giám đốc nhà máy cho biết, nhà máy có công suất hoạt động 300.000 viên/ngày, tương đương hơn 100 triệu viên/năm. Nếu so với công nghệ thủ công thì để làm ra được số gạch này cần tới cả nghìn người. Nhưng nhờ sử dụng dây chuyền sản xuất hiện đại, nay chỉ cần 60 - 70 người. Việc đầu tư dây chuyền hiện đại cũng đi kèm với đó là doanh nghiệp ứng dụng nền tảng công nghệ số để quản lý, điều hành. Điều này giúp doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí, nguồn nhân lực, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao được sức cạnh tranh của sản phẩm so với sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Thành Hưng là một trong những doanh nghiệp top đầu của tỉnh. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, yêu cầu khắt khe trong thi công các công trình, năm 2020, dù trong đại dịch Covid-19, Công ty đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất bê tông siêu tính năng (UHPC) để sản xuất các sản phẩm HPC và UHPC do Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) chuyển giao đạt các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. Năm 2020 Công ty được lựa chọn là nhà thầu chính triển khai thi công Dự án sửa chữa cầu Thăng Long (Hà Nội) với giá trị hợp đồng 242 tỷ đồng.
Những thành quả này khẳng định tay "chèo" của Tổng Giám đốc Công ty Thành Hưng Nguyễn Ngọc Đình trên mọi mặt trận, vượt "bão táp, phong ba" trên thương trường. Doanh nhân Nguyễn Ngọc Đình chia sẻ, chưa bao giờ làm doanh nghiệp vất vả như những năm vừa qua nhưng vượt qua khó khăn, doanh nghiệp sẽ phát triển vững chắc hơn.
Thắm tình doanh nghiệp, doanh nhân
Hoạt động thiện nguyện đã được cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh hưởng ứng tích cực, góp phần thực hiện mục tiêu của Thủ tướng Chính phủ và của tỉnh để mỗi người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn không ai bị bỏ lại phía sau. Ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh nhấn mạnh, hàng năm, các doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh ủng hộ hàng tỷ đồng cho các chương trình nhân đạo, từ thiện trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tích cực tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Cái tên Công ty TNHH Hiệp Phú đã gắn với hầu hết các công trình giao thông lớn của tỉnh. Với hơn 20 năm làm doanh nghiệp, Doanh nhân Phạm Quang Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Phú được coi là "lão làng" trong "làng" xây dựng các công trình giao thông. Hiện đơn vị đang tham gia thi công dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ. Không ngừng lớn mạnh cả về quy mô sản xuất, ngành nghề kinh doanh, chiến lược lâu dài. Hằng năm, Công ty đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn chục tỷ đồng/năm. Từ năm 2019 đến nay, Công ty đã tham gia đóng góp ủng hộ với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng…
Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Trung Thành hằng năm đóng góp trên 300 triệu đồng vào các chương trình an sinh của tỉnh và các địa phương trong tỉnh.
Các doanh nghiệp tài chính như Ngân hàng BIDV Tuyên Quang, VietinBank Tuyên Quang, Agribank tỉnh… cũng là một trong những doanh nghiệp tích cực tham gia vào công tác an sinh xã hội. Trong 5 năm gần đây, số tiền BIDV Tuyên Quang đã dành cho công tác an sinh xã hội gần 15 tỷ đồng.
Trong nhịp sống hối hả và sự cạnh tranh gay gắt của thương trường, nhưng đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân của tỉnh luôn hành động bằng cả tấm lòng, thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình với cộng đồng, xã hội.
Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/kinh-te/doanh-nhan-vung-tin-vuot-kho-181396.html