Doanh thu 0 đồng, cổ phiếu vẫn tăng phi mã bất chấp thị trường

Bất chấp sự điều chỉnh của thị trường, cổ phiếu PTC của CTCP Đầu tư và Xây dựng Bưu điện vẫn tăng trần 12 phiên, dù công ty không có doanh thu từ đầu năm đến nay.

Thị trường chứng khoán vừa chứng kiến nhịp điều chỉnh với nhóm cổ phiếu đầu cơ khi nhiều mã tăng nóng trong thời gian qua đồng loạt “nằm sàn” la liệt.

Thế nhưng, bất chấp sự điều chỉnh chung của thị trường, cổ phiếu PTC của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Bưu điện vẫn duy trì sắc tím. Tính đến phiên sáng ngày 24/11, cổ phiếu PTC tăng trần lên mức đỉnh lịch sử 26.100 đồng/cp.

Mã này bứt phá từ đầu tháng 11 và ghi nhận 12 phiên liên tiếp tăng trần. Cổ phiếu PTC đang được niêm yết trên sàn HNX và cũng là một trong những mã có mức tăng giá mạnh trên sàn này khi thị giá cao gấp 2 lần chỉ sau hơn 2 tuần giao dịch. Giá trị vốn hóa theo đó đang gần 395 tỷ đồng.

Cổ phiếu PTC tăng trần 12 phiên liên tiếp. (Nguồn: Trading view)

Cổ phiếu PTC tăng trần 12 phiên liên tiếp. (Nguồn: Trading view)

Đáng chú ý là mức tăng đột biến của PTC cũng đi kèm với thanh khoản được cải thiện đáng kể. Khi mà trước đó cổ phiếu PTC gần như không có giao dịch thì những phiên gần đây khối lượng khớp lệnh trung bình của mã này tăng lên đến hàng trăm nghìn đơn vị trong những phiên gần đây.

Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Bưu điện hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ xây lắp, thương mại viễn thông và bất động sản. Vốn điều lệ hiện tại xấp xỉ 180 tỷ đồng.

Tuy nhiên trái ngược với sự "thăng hoa" trên thị trường chứng khoán, kết quả kinh doanh của PTC lại không mấy khả quan do mấy năm gần đây không tiếp cận được các công trình, dự án mới. Năm 2020, doanh thu của PTC chỉ có 172 triệu đồng và lỗ gộp gần 5 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh chính. Tuy nhiên, nhờ nguồn thu từ hoạt động tài chính, PTC vẫn có lãi 58 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III của PTC, doanh nghiệp này không có doanh thu từ hoạt động chính mà chỉ có doanh thu 6 tỷ đồng từ hoạt động tài chính. Sau khi khấu trừ chi phí, PTC lãi ròng 53 triệu đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, PTC không ghi nhận doanh thu từ hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, nhờ nguồn thu tài chính hơn 28 tỷ đồng đã "cứu cánh" giúp PTC thoát lỗ. Khấu trừ chi phí, công ty báo lãi sau thuế gần 16 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ.

Có thể thấy, trong khi hoạt động kinh doanh chính bị bỏ ngỏ, đình trệ, thì hoạt động tài chính lại được công ty đẩy mạnh để tìm kiếm nguồn doanh thu mới.

Về hoạt động đầu tư, PTC đang sở hữu 48,89% cổ phần trong CTCP Khách sạn Bưu điện Nha Trang với giá trị hơn 64 tỷ đồng và 20% cổ phần CTCP Điện gió Hướng Linh 7 với giá trị gần 87 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tuy có lãi nhờ nguồn thu tài chính, song PTC vẫn chưa thoát khỏi diện kiểm soát từ năm 2018 do "những vấn đề ngoại trừ trên BCTC kiểm toán tồn tại đã lâu, công ty chưa khắc phục và có khả năng ảnh hưởng đến kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng như tình hình tài chính".

Với đà tăng mạnh của thị giá cổ phiếu, mới đây HĐQT PTC đã thông qua phương án bán 1,7 triệu cổ phiếu quỹ trong số 1,8 triệu cổ phiếu quỹ đang nắm giữ để bổ sung nguồn vốn kinh doanh.

Thực tế, bên cạnh PTC, trên thị trường xuất hiện những cái tên khá nổi như CEO, CMS thị giá tăng bằng lần dù doanh nghiệp làm ăn bết bát.

Cụ thể, cổ phiếu CEO của Tập đoàn C.E.O cũng tăng chóng mặt 3 lần chỉ sau một tháng bất chấp quý III lỗ 59 tỷ đồng - đây cũng là quý thứ 4 báo lỗ liên tiếp của doanh nghiệp này. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, CEO lỗ ròng 224 tỷ đồng và khiến dòng tiền kinh doanh âm 144 tỷ đồng. Tính đến phiên sáng ngày 24/11, cổ phiếu CEO tăng trần ở mức 35.200 đồng/cp.

Cổ phiếu CMS của CTCP Xây dựng và Nhân lực Việt Nam cũng tăng gấp hơn 4 lần chỉ trong vòng một tháng với chuỗi tăng trần 15 phiên. Hiện, giá cổ phiếu CMS ở mức 21.300 đồng/cp. Trong khi đó, 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp này lỗ ròng 9 tỷ đồng.

Hiện tượng doanh nghiệp làm ăn bết bát nhưng cổ phiếu vẫn tăng mạnh đang diễn ra thường xuyên hơn trên thị trường. Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới từ đầu năm nay vào khoảng 1,1 triệu đơn vị, lớn hơn 4 năm trước đó cộng lại.

Nhiều chuyên gia cho rằng, phần lớn dòng tiền đổ vào thị trường hiện nay hầu hết đến từ các nhà đầu tư mới (nhà đầu tư F0). Dòng tiền tìm đến các cổ phiếu đầu cơ cũng là dễ hiểu. Khi mà các nhà đầu tư F0 tham gia thị trường thường không quan tâm doanh nghiệp đó kinh doanh thế nào mà chỉ "đánh theo sóng, theo lái" hay nghe theo thông tin đồn thổi có game với mong muốn "chốt lời" nhanh.

Dương Thị Thu Nga

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/doanh-thu-dong-co-phieu-van-tang-phi-ma-bat-chap-thi-truong-a534876.html