Doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới của Việt Nam có thể lên 256,1 nghìn tỷ vào năm 2026
Con số được đưa ra trong báo cáo 'Người bán hàng địa phương, Khách tiêu dùng toàn cầu: Xu hướng xuất khẩu thông qua thương mại điện tử tại Việt Nam' vừa được Amazon công bố…
Doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới (B2C) của Việt Nam ước tính tăng trưởng trên 20% mỗi năm - Ảnh minh họa.
Báo cáo cho biết, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới (B2C) của Việt Nam ước tính tăng trưởng trên 20% mỗi năm, và đạt 75,4 nghìn tỷ đồng (3,3 tỷ USD) trong năm 2021. Dự kiến sẽ đạt 256,1 nghìn tỷ đồng (11,1 tỷ USD) vào năm 2026. Báo cáo này nhận định, nếu coi “Thương mại điện tử B2C” như là một ngành hàng xuất khẩu thì đây sẽ là ngành xuất khẩu thế mạnh đứng thứ 5 tại Việt Nam trong vòng 5 năm tới.
Báo cáo “Người bán hàng địa phương, Khách tiêu dùng toàn cầu: Xu hướng xuất khẩu thông qua thương mại điện tử tại Việt Nam” của Amazon.
Báo cáo “Người bán hàng địa phương, Khách tiêu dùng toàn cầu: Xu hướng xuất khẩu thông qua thương mại điện tử tại Việt Nam” của Amazon được thực hiện bởi Công ty Tư vấn và Nghiên cứu thị trường AlphaBeta, nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam có cái nhìn khách quan về xu hướng xuất khẩu thông qua thương mại điện tử.
AlphaBeta đã tiến hành khảo sát và phân tích về tiềm năng xuất khẩu trực tuyến của Việt Nam, quan điểm cách nhìn của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), và những rào cản, thách thức mà hiện nay họ đang phải đối mặt.
Cụ thể, khảo sát (với số mẫu khảo sát khá ít, chỉ hơn 300 doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam), theo đó cho biết, 88% doanh nghiệp được khảo sát nhận định thương mại điện tử rất quan trọng trong hoạt động xuất khẩu, đồng thời nhận định doanh số bán lẻ trực tuyến xuyên biên giới sẽ cao hơn doanh số bán lẻ online trong nước.
Bên cạnh những cơ hội phát triển, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu và mở rộng thị trường tiềm năng nhờ vào thương mại điện tử xuyên biên giới, vẫn tồn tại những bất cập đối với các doanh nghiệp Việt Nam trên các vấn đề chính, gồm: thông tin, năng lực, chi phí, quy định. 80% doanh nghiệp cho rằng thiếu thông tin về các quy định liên quan của thị trường nước ngoài.
85% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng họ gặp rào cản về năng lực cạnh tranh trong khu vực và trên toàn cầu. Và 81% doanh nghiệp thừa nhận chưa được chuẩn bị để đáp ứng được sở thích và tâm lý của người tiêu dùng nước ngoài.