Doanh thu của 2 doanh nghiệp lớn ngành thủy sản giảm sút mạnh

Trong tháng đầu tiên của năm 2023, CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) và CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC) đều ghi nhận doanh thu sụt giảm khá mạnh.

Vĩnh Hoàn ghi nhận tháng thứ 3 liên tiếp doanh thu xuất khẩu thụt lùi. (Ảnh: Int)

Vĩnh Hoàn ghi nhận tháng thứ 3 liên tiếp doanh thu xuất khẩu thụt lùi. (Ảnh: Int)

Cụ thể, trong tháng 1 vừa qua, doanh thu xuất khẩu của CTCP Vĩnh Hoàn chỉ đạt 462 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp, doanh thu xuất khẩu của “nữ hoàng cá tra” thụt lùi và cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021.

Xét về cơ cấu sản phẩm, doanh thu xuất khẩu cá tra chỉ đạt 273 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ và là tháng đầu tiên đi lùi kể từ đầu năm tới nay. Tuy nhiên, xuất khẩu cá tra vẫn đóng góp tỷ trọng lớn vào doanh thu của CTCP Vĩnh Hoàn.

Doanh thu các ngành hàng khác cũng đều đồng loạt giảm sâu trong tháng đầu năm 2023. Cụ thể, sản phẩm phụ thu về 54 tỷ đồng, giảm 54% so với cùng kỳ, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, bánh phồng tôm giảm lần lượt 74%, 42%.

Xét theo thị trường, mặc dù Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu đạt 117 tỷ đồng nhưng so với cùng kỳ năm 2022, doanh thu xuất khẩu sang Mỹ giảm mạnh 65%. Tương tự, thị trường châu Âu giảm 28%, còn 116 tỷ đồng.

Kết quả kém tích cực ngay tại thị trường nội địa khi doanh thu giảm 34% so với cùng kỳ, đạt 140 tỷ đồng. Điểm sáng hiếm hoi tới từ thị trường Trung Quốc khi doanh thu cải thiện 22%, đem về 32 tỷ đồng, tuy nhiên tỷ trọng đóng góp vào doanh thu chung không lớn.

Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên giao dịch đầu tuần (20/2), cổ phiếu VHC dừng ở mức 65.000 đồng/cp.

Tương tự, Thực phẩm Sao Ta ghi nhận những bước tiến chậm lại với doanh thu 15,2 triệu USD, giảm 47,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong tháng 1, sản xuất tôm thành phẩm của FMC chỉ đạt 581 tấn, giảm 31%; sản xuất nông sản thành phẩm đạt 80 tấn, giảm 49%; tôm thành phẩm tiêu thụ đạt 1.111 tấn, giảm 47%. Ngược chiều, chỉ có duy nhất nông sản tiêu thụ tăng 42% so với cùng kỳ, đạt 163 tấn.

Các yếu tố trên đã kéo lùi doanh thu tháng 1 của Sao Ta xuống còn 15,2 triệu USD, tương đương khoảng 357 tỷ đồng, giảm 47% so với tháng 1/2022.

Lý giải về nguyên nhân doanh thu sụt giảm, Sao Ta cho biết, trong tháng 1, doanh nghiệp chỉ hoạt động 20 ngày (còn lại nghỉ Tết). Bên cạnh đó, nguyên liệu tôm khan hiếm do vào thời điểm cuối vụ và đơn hàng cũng ít hơn so với cùng kỳ năm 2022.

Trên sàn chứng khoán, chốt phiên ngày 20/2, cổ phiếu FMC đang dừng ở mức 37.350 đồng/cp.

Trong báo cáo ngày mới nhất, SSI Research cho rằng, lạm phát sẽ tiếp tục là một thách thức của các doanh nghiệp thủy sản trong bối cảnh hàng tồn kho còn lại luân chuyển chậm trong năm 2023. Dự báo hàng tồn kho sẽ được xử lý hoàn toàn vào khoảng thời gian nào đó trong quý III/2023, với các đơn đặt hàng bắt đầu nhận được vào thời điểm này.

Đồng thời, SSI Research cũng duy trì khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu VHC với mức giá mục tiêu trong năm 2023 là 69.200 đồng/cp.

CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo, sức cầu yếu có thể sẽ kéo tình trạng doanh thu của Sao Ta giảm đến 6 tháng đầu, trước khi phục hồi dần trong 6 tháng cuối năm 2023 khi nhu cầu tăng trở lại.

“Sang năm 2023, kết quả kinh doanh của Sao Ta có thể chỉ tăng trưởng một con số trước áp lực từ phía cầu”, VDSC đánh giá.

Châu Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//co-phieu/doanh-thu-cua-2-doanh-nghiep-lon-nganh-thuy-san-giam-sut-manh-1090900.html