Doanh thu của các công ty thực phẩm chức năng Nhật Bản trượt dốc sau vụ bê bối Kobayashi
Sau vụ bê bối Kobayashi, người tiêu dùng ở Nhật Bản đang 'lạnh nhạt' với các mặt hàng thực phẩm bổ sung và các loại thực phẩm chức năng khác do những lo ngại về sức khỏe.
Người tiêu dùng ở Nhật Bản đang “lạnh nhạt” với các mặt hàng thực phẩm bổ sung và các loại thực phẩm chức năng khác do những lo ngại về sức khỏe liên quan đến các sản phẩm men gạo đỏ của Công ty dược phẩm Kobayashi Pharmaceutical.
Năm người tử vong và hơn 100 người phải nhập viện sau khi dùng các sản phẩm có chưa men gạo đỏ của Kobayashi. Nhật Bản đã ban hành lệnh thu hồi các sản phẩm này.
Doanh thu các loại thực phẩm được dán nhãn là thực phẩm chức năng, kể cả đồ uống, đã giảm 11% trong tuần đầu tháng Tư so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu đã giảm từ trước đó trong năm nay do giá tăng, nhưng với mức giảm nhẹ hơn, chỉ 6,7% trong tuần đầu tháng Ba. Đà giảm này đã tăng lên 10,4% trong tuần bắt đầu vào ngày 18/3, thời gian mà Kobayashi thông báo thu hồi các sản phẩm men gạo đỏ. Mức giảm này vẫn duy trì ở mức khoảng 10% kể từ đó. Nhà sản xuất mỹ phẩm và thực phẩm bổ sung Fancl cho biết số lượt hủy dịch vụ mua định kỳ sản phẩm thực phẩm bổ sung giúp giảm cholesterol của công ty này đã tăng gấp 10 lần, dù sản phẩm này không có thành phần là men gạo đỏ của Kobayashi. Để trấn an khách hàng, Fancl đã nhấn mạnh chất lượng và độ an toàn của sản phẩm ở cả các cửa hàng và cả trang bán hàng trực tuyến. Nhà bán lẻ mỹ phẩm và thực phẩm bổ sung trực tuyến DHC đã nhận được khoảng 12.000 câu hỏi sau thông báo của Kobayashi. Tại các cửa hàng trực tiếp của DHC, nhân viên bán hàng phải đứng phát tờ rơi nhấn mạnh độ an toàn của các sản phẩm. Asahi Group Foods, công ty cung cấp các sản phẩm thực phẩm bổ sung với thương hiệu Dear-Natura, cũng ghi nhận số lượng hủy đơn hàng trực tuyến gia tăng. Người phát ngôn của Hiệp hội Marketing trực tiếp Nhật Bản, tổ chức có nhiều thành viên là các nhà sản xuất thực phẩm chức năng, cho biết các nhà sản xuất có thể đang ghi nhận doanh thu giảm 20-30%. Công ty nghiên cứu thị trường Fuji Keizai cho biết thị trường thực phẩm chức năng đã tăng 19% lên mức ước tính 686,5 tỷ yen (4,48 tỷ USD với tỷ giá hiện tại) trong năm 2023 và được dự đoán sẽ đạt 777 tỷ yen vào năm 2026. Khác các sản phẩm dược phẩm, thực phẩm dán nhãn thực phẩm chức năng không chịu sự quản lý theo các quy định về Thực hành sản xuất tốt (GMP) của Nhật Bản. Điều này có nghĩa là không có sự giám sát nào đối với các vấn đề như phương pháp sản xuất, thành phần hay nồng độ, những như hình thức của sản phẩm (dạng viên nén hay viên nang). Ở nhiều nước khác, các sản phẩm tương đương thực phẩm chức năng được quản lý chặt chẽ hơn. Mỹ có một khung quy định riêng cho các sản phẩm thực phẩm bổ sung, và các nhà sản xuất phải tuân thủ các tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng và sản xuất. Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) còn có các quy định nghiêm ngặt hơn.