Doanh thu của Vinaconex có thể tăng mạnh nhờ đầu tư công
Vinaconex nhận định nhóm xây dựng hạ tầng và công nghiệp sẽ phát triển trọng điểm hơn so với nhóm dân dụng nhờ sự dẫn dắt của các dự án đầu tư công.
Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex – Mã: VCG) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023, dự kiến tổ chức tại Hà Nội vào ngày 14/4.
Vinaconex sẽ trình cổ đông mục tiêu năm 2023 với tổng doanh thu hợp nhất 16.340 tỷ đồng, tăng 70% so với năm ngoái. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế hợp nhất dự kiến giảm 8% xuống còn 860 tỷ đồng.
Trong đó tổng doanh thu công ty mẹ kỳ vọng đạt 10.270 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 345 tỷ, tăng lần lượt 25% và 22% so với năm 2022.
Về kế hoạch cổ tức, Vinaconex dự kiến chia cổ tức với tỷ lệ 10% bằng cổ phiếu cho năm 2022, tương ứng với việc công ty sẽ phát hành hơn 48,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức. Sau phát hành, vốn điều lệ của công ty sẽ tăng lên hơn 5.344 tỷ đồng. Thời gian dự kiến phát hành trong năm 2023 và sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Đối với năm 2023, công ty dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 10% (không nêu rõ cổ tức bằng tiền mặt hay bằng cổ phiếu).
Năm 2023, Vinaconex dự kiến nền kinh tế thế giới sẽ đối mặt với nhiều thách thức như tăng trưởng kinh tế chậm dần, nguồn vốn FDI toàn cầu sẽ suy giảm do khủng hoảng kinh tế và xung đột địa chính trị.
Tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2023 không chỉ nằm trong khó khăn chung nêu trên mà còn phải đối mặt những vấn đề bất cập, hạn chế kéo dài như năng suất lao động thấp, sức cạnh tranh và khả năng đổi mới sáng tạo chưa cao.
Riêng trong lĩnh vực xây dựng được dự báo sẽ có sự phân hóa mạnh giữa các nhóm doanh nghiệp, trọng điểm phát triển được kỳ vọng ở nhóm xây dựng hạ tầng và công nghiệp, trong đó các dự án đầu tư công vẫn mang tính dẫn dắt.
Bộ Tài chính xác nhận rằng, trong tháng 2/2023, các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương đang tập trung triển khai phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án đầu tư công và đang hoàn thiện thủ tục đầu tư để giải ngân kế hoạch vốn nên tỷ lệ giải ngân cho đầu tư công đạt thấp.
Thị trường bất động sản sẽ tiếp tục khó khăn về nguồn cung bởi những ảnh hưởng về nguồn vốn, pháp lý, siết chặt tín dụng, thanh khoản thị trường được dự báo ở mức trung bình – thấp. Những kỳ vọng về sự ổn định kinh tế vĩ mô trong nước và việc giải quyết những nút thắt về pháp lý, thủ tục, trái phiếu bất động sản... sẽ tạo động lực phát triển mới cho các doanh nghiệp ngành xây dựng.
Năm nay, đối với hoạt động xây dựng, Vinaconex sẽ cố gắng gia tăng thị phần trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng, công nghiệp, nhất là các dự án có vốn đầu tư công,...
Về hoạt động đầu tư, tổng công ty sẽ hoàn thành bán hàng và bàn giao các căn hộ tại các dự án: Green Diamond số 93 Láng hạ; dự án khu dân cư đô thị tại Km3, Km4 phường Hải Yên, TP Móng Cái, Quảng Ninh; triển khai bán hàng tại Dự án khu đô thị Đại lộ Hòa Bình (Móng Cái), khu đô thị mới Cái Giá Cát Bà Amatina….
Bên cạnh đó, công ty sẽ hoàn thiện các thủ tục và triển khai thực hiện các dự án khác: Khu đô thị mới Thiên Ân; dự án khu đô thị nghỉ dưỡng Tuy Hòa, Phú Yên… Đồng thời sẽ khai thác có hiệu quả các dự án đã hoàn thành đầu tư đi vào hoạt động: Dự án thủy điện Đăkba, Dự án Trung tâm thương mại chợ Mơ,...
Nhìn lại năm 2022, Vinaconex là một trong những công ty trong nhóm xây dựng hạ tầng có lợi nhuận sau thuế tăng trưởng vượt bậc, chủ yếu nhờ triển khai thi công xây dựng một số gói thầu tại các dự án trọng điểm trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, xây dựng dân dụng, xây dựng công nghiệp có nguồn vốn từ ngân sách, vốn FDI.
Theo báo cáo của VNDirect, Vinaconex sở hữu năng lực thi công tốt, là một trong những đơn vị tham gia nhiều gói thầu nhất tại Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 (5 gói) và mới giành thêm 3 gói thầu lớn tại Cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2. Ước tính tổng giá trị các hợp đồng đã ký của tổng công ty tại cao tốc Bắc Nam cả hai giai đoạn lên tới 6.419 tỷ đồng.
Năm ngoái, mảng xây lắp đóng góp 70% cơ cấu doanh thu của Vinaconex, đạt 5.992 tỷ đồng (tăng 70% so với cùng kỳ), tiếp đó là sản xuất công nghiệp (giảm 11%), kinh doanh bất động sản (tăng 11 lần) và cuối cùng là mảng giáo dục (giảm 12%).
Theo dự báo của các công ty chứng khoán, các dự án đầu tư hạ tầng nhiều khả năng sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu hụt vật liệu đắp (đặc biệt tại đồng bằng Sông Cửu Long). Giá vật liệu đắp tại các dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2 dự báo sẽ cao hơn giai đoạn 1. Môi trường biến động giá nguyên vật liệu xây dựng có thể đe dọa đến biên lợi nhuận gộp của các nhà thầu xây lắp.
Bên cạnh đó, các gói thầu xây lắp mới trong chu kì đầu tư 2021 – 2025 sẽ tập trung nhiều hơn cho các doanh nghiệp có quy mô và tiềm lực tài chính lớn, nhất là khi giai đoạn trước, nhiều nhà thầu đã chịu thiệt hại về lợi nhuận và nguồn lực tài chính khi tham gia các gói thầu cao tốc do chi phí lãi vay và giá nguyên vật liệu leo thang. Đây sẽ là động lực tăng trưởng cho những công ty như Vinaconex vốn sở hữu năng lực thi công tốt và đã chứng minh khả năng qua các dự án thi công trước đó.