Doanh thu du lịch Ninh Bình tăng 43%

Phát triển du lịch một cách bài bản, có chiến lược, Ninh Bình tiếp tục gặt hái 'quả ngọt' khi tính chung 9 tháng đầu năm nay, số lượt khách đến các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn tỉnh ước đạt gần gần 7,3 triệu lượt khách, tăng 32 % so với 9 tháng năm 2023...

Đoàn du khách Ấn Độ xuống thuyền khám phá khu du lịch sinh thái Tràng An, Ninh Bình.

Đoàn du khách Ấn Độ xuống thuyền khám phá khu du lịch sinh thái Tràng An, Ninh Bình.

Theo thông tin từ Cục Thống kê tỉnh Ninh Bình, tổng sản phẩm xã hội (GRDP) trên địa bàn toàn tỉnh này 9 tháng đầu năm 2024 (theo giá so sánh 2010) ước tính đạt 41.384,2 tỷ đồng, tăng 8,45% so với 9 tháng năm 2023.

Trong đó, giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 3.466,2 tỷ đồng, tăng 3,0%, đóng góp 0,26 điểm phần trăm vào tốc độ tăng GRDP của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 14.390,1 tỷ đồng, tăng 10,77% đóng góp 3,67 điểm phần trăm (riêng công nghiệp ước đạt 10.971,4 tỷ đồng, tăng 11,09%, đóng góp 2,87 điểm phần trăm); khu vực dịch vụ đạt 16.242,8 tỷ đồng, tăng 9,43%, đóng góp 3,67 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 7.285,1 tỷ đồng, tăng 4,69% đóng góp 0,85 điểm phần trăm.

Trong 9 tháng đầu năm nay, sản xuất công nghiệp của tỉnh này đạt mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tháng 9/2024 ước tính tăng 13,73%. Tính chung lại 9 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh này tăng 11,92%, trong đó ngành khai khoáng tăng 15,62%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,42%; sản xuất và phân phối điện tăng 27,57%...

9 tháng đầu năm 2024 các sản phẩm công nghiệp của Ninh Bình có mức sản xuất tăng khá so với cùng kỳ năm 2023 là: Đá các loại 3,1 triệu m3, tăng 14,8%; giày dép các loại 51,0 triệu đôi, tăng 22,0%. Tuy nhiên, một số sản phẩm của tỉnh này có mức sản xuất giảm, là: Dứa đóng hộp 7,4 nghìn tấn, giảm 3,5%; thức ăn gia súc 19,6 nghìn tấn, giảm 14,8%; hàng thêu 0,7 triệu m2, giảm 50,8%...

Hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh này trong 9 tháng năm 2024 diễn ra sôi động, hoạt động du lịch phát triển mạnh kéo theo các ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng trưởng cao, hoạt động xuất, nhập khẩu phục hồi tích cực, hoạt động vận tải tăng khá, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa toàn tỉnh Ninh Bình ước thực hiện gần 59.077,3 tỷ đồng, tăng 25,9% so với 9 tháng năm 2023. Tất cả các nhóm hàng đều có doanh thu bán lẻ tăng, trong đó một số nhóm có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ như: Lương thực, thực phẩm 22.111,9 tỷ đồng, tăng 28,2%; hàng may mặc 2.979,8 tỷ đồng, tăng 32,2%.

Lượng du khách đến với Ninh Bình tăng cao trong thời gian qua góp phần làm tăng doanh thu của các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành. Trong 9 tháng đầu năm nay, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống của Ninh Bình ước đạt 7.012,4 tỷ đồng, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm 2023; doanh thu du lịch lữ hành 82,2 tỷ đồng, tăng 73,9%, doanh thu một số ngành dịch vụ khác 4.574,1 tỷ đồng, tăng 12,7%.

Các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Ninh Bình tiếp tục tập trung đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm có lợi thế, củng cố, nâng cao hiệu quả khai thác các thị trường truyền thống, đồng thời đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tìm kiếm mở rộng những thị trường mới, thị trường tiềm năng. Vì thế, hoạt động xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh này trong 9 tháng đầu năm 2024 ghi nhận dấu hiệu phục hồi tích cực và đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ.

Cụ thể, trong 9 tháng năm 2024, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh ước đạt trên 2.606,7 triệu USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn là: Giày, dép các loại ước đạt 756,0 triệu USD; camera và linh kiện 563,9 triệu USD; xi măng và clanke 417,5 triệu USD; quần áo các loại 259,2 triệu USD; linh kiện điện tử 111,6 triệu USD, linh kiện phụ tùng ô tô các loại 108,5 triệu USD...

Tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa cỉa tỉnh này ước đạt trên 2.379,6 triệu USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Trị giá các nhóm mặt hàng nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn là: Linh kiện phụ tùng ô tô các loại 709,5 triệu USD; linh kiện điện tử 640,9 triệu USD; phụ liệu sản xuất giày, dép 484,0 triệu USD; vải may mặc các loại 114,2 triệu USD; ô tô 40,7 triệu USD.

Phát triển du lịch một cách bài bản, có chiến lược, Ninh Bình tiếp tục gặt hái "quả ngọt" khi tính chung 9 tháng đầu năm nay, số lượt khách đến các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn tỉnh ước đạt gần gần 7,3 triệu lượt khách, đạt 97,3% kế hoạch năm, tăng 32 % so với 9 tháng năm 2023. Trong đó, khách trong nước hơn 6,3 triệu lượt khách, đạt 96,8% kế hoạch năm, tăng 22,2%; khách quốc tế hơn 907.000 lượt, bằng 100,8% kế hoạch năm, gấp 3,0 lần.

Tổng số lượt khách đến các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh Ninh Bình ước đạt hơn 1,5 triệu lượt khách, đạt 96,0% kế hoạch năm, tăng 55,3%; số ngày khách lưu trú ước đạt 1,7 triệu ngày khách, tăng 33,8%. Doanh thu du lịch 9 tháng qua tỉnh Ninh Bình ước đạt trên 7.251,0 tỷ đồng, đạt 87,9% kế hoạch năm, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu lưu trú 608,0 tỷ đồng, tăng 27,6%; doanh thu nhà hàng 3.609,8 tỷ đồng, tăng 40,0%.

Nguyễn Thuấn - Thiên Anh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/doanh-thu-du-lich-ninh-binh-tang-43.htm