Doanh thu dưới 200 tỷ đồng được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp

Sáng 19-6, tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.

Giải trình tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa là nhằm hỗ trợ chung cho các doanh nghiệp có thêm nguồn lực phục hồi, tăng tích lũy để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép không loại trừ các doanh nghiệp vẫn có tăng trưởng ra khỏi đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết.

Đối với đề nghị của nhiều đại biểu về việc mở rộng đối tượng giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp quy mô vừa, bỏ tiêu chí về số lao động, cơ quan giải trình tiếp thu cho rằng, Nghị quyết hướng tới các doanh nghiệp khó khăn có quy mô nhỏ và vừa, có khả năng tiếp cận vốn hạn chế, doanh thu thấp, thị trường hẹp, ít lao động. Do đó, tiếp thu đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Nghị quyết bỏ tiêu chí về số lao động đóng bảo hiểm để bảo đảm tính công bằng cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động và bổ sung đối tượng được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp có quy mô vừa.

Theo Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua, tiêu chí được giảm thuế là doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng, tương đương với tiêu chí về doanh thu để xác định doanh nghiệp có quy mô vừa trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng.

"Với việc thực hiện mở rộng đối tượng được giảm thuế nêu trên thì số giảm thu ngân sách nhà nước năm 2020 tăng từ 15.840 tỷ đồng lên khoảng 23.000 tỷ đồng", cơ quan thẩm tra nêu rõ.

Với một số ý kiến đề nghị kéo dài thời hạn hiệu lực của Nghị quyết đến hết năm 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đến nay, dịch Covid-19 đã cơ bản được khống chế, tình hình dịch bệnh trên thế giới đang có chiều hướng giảm. Việt Nam và các nước đang dần nới lỏng các biện pháp phòng ngừa, hoạt động sản xuất kinh doanh dần phục hồi.

Bên cạnh đó, kéo dài việc giảm thuế sẽ gây áp lực lên công tác điều hành ngân sách qua các năm. Do đó, trong trường hợp kinh tế nước ta vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn vào cuối năm hoặc sang đầu năm sau, nếu cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét trình Quốc hội kéo dài thời hạn hiệu lực. Như vậy, Nghị quyết quy định việc hỗ trợ giảm thuế chỉ áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2020.

* Cũng trong sáng 19-6, với đa số đại biểu biểu quyết tán thành (có 458 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết trong đó tán thành là 443, không tán thành 12, không biểu quyết 3), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc chuyển đổi phương thức đầu tư một số dự án thành phần tại Nghị quyết 52/2017/QH14 về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Trước đó, Chính phủ đã có Tờ trình gửi Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 gồm triển khai 3 dự án thành phần theo hướng đầu tư công (đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2) theo Nghị quyết 52/2017/QH14 của Quốc hội và 5 dự án thành phần theo hình thức PPP (gồm các đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo).

Ngoài ra, Chính phủ đưa ra phương án chuyển đổi hình thức đầu tư từ hình thức PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công đối với 3 dự án thành phần gồm dự án không có nhà đầu tư qua sơ tuyển (đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết) và 2 dự án quan trọng, cấp bách, kết nối với cửa ngõ các trung tâm chính trị, kinh tế lớn của đất nước (gồm đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây).

Chính phủ cũng điều chỉnh tổng mức đầu tư của Dự án là 100.816 tỷ đồng, bao gồm vốn Nhà nước tham gia thực hiện dự án là 78.461 tỷ đồng (55.000 tỷ đồng thuộc kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22-11-2017; phần còn thiếu (23.461 tỷ đồng) Chính phủ sẽ tổng hợp, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định theo đúng quy định của Luật Đầu tư công. Vốn huy động ngoài ngân sách là 22.355 tỷ đồng.

* Sáng cùng ngày, với 94,41% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia.

Hương Ly

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/970482/doanh-thu-duoi-200-ty-dong-duoc-giam-thue-thu-nhap-doanh-nghiep