Doanh thu khởi sắc nhưng lợi nhuận doanh nghiệp cá tra vẫn ảm đạm

Các doanh nnghiệp lớn ngành cá tra như Vĩnh Hoàn, IDI, Navico ghi nhận kết quả 'đi lùi' về lãi ròng trong quý 2/2024 dù doanh thu tăng trưởng so với cùng kỳ.

CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) trong quý 2/2024 đã giảm 26% lợi nhuận sau thuế hợp nhất so với cùng kỳ năm trước (YoY), chỉ đạt mức 335 tỷ đồng. Mức giảm lợi nhuận của doanh nghiệp diễn ra trong bối cảnh doanh thu dù tăng nhưng giá cá tra tiêu thụ của doanh nghiệp giảm, khiến biên lợi nhuận của doanh nghiệp ở mức thấp.

Cụ thể, doanh thu thuần trong quý của Vĩnh Hoàn đạt 3.195 tỷ đồng, tăng 17% YoY. Tuy nhiên biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp chỉ đạt 14,4%.

Nửa đầu năm 2024, Vĩnh Hoàn thu về 6.051 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 22% YoY; lợi nhuận sau thuế đạt 524,9 tỷ đồng, giảm 23% YoY. Như vậy, VHC đã hoàn thành 65% kế hoạch lãi ròng cơ bản và 52% kế hoạch mức cao trong năm 2024 đối với kinh doanh hợp nhất.

Ngoài nội địa, Vĩnh Hoàn hiện xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường là Mỹ, Trung Quốc và châu Âu, trong đó Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất.

Đối với CTCP Đầu tư và Phát triển đa quốc gia I.D.I, quý 2/2024 doanh nghiệp thu về 1.934 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất, tăng 5,9% YoY. Biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp cũng ở mức thấp với 7,9%. Trong khi đó chi phí bán hàng tăng 42% YoY (do chi phí cước tàu tăng) đã góp phần khiến lãi ròng của doanh nghiệp này chỉ đạt 18,3 tỷ đồng, giảm 31% YoY.

Lũy kế 2 quý đầu năm 2024, doanh thu thuần của IDI đạt 3.564 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,6% YoY; lãi ròng cũng giảm 21%, còn 34,9 tỷ đồng. IDI mới hoàn thành 41% kế hoạch năm về doanh thu và 12% về lãi ròng sau hai quý.

Trong năm 2024, doanh nghiệp dự kiến xuất khẩu cá tra với tổng kim ngạch 136,3 triệu USD, tăng 27% YoY. IDI cho rằng, ngành cá tra năm 2024 sẽ tích cực hơn với triển vọng phục hồi từ Trung Quốc và Mỹ nhờ các chính sách hỗ trợ bất động sản/kích thích tiêu dùng ở Trung Quốc cũng như lạm phát hạ nhiệt tại Mỹ.

Theo FPT Securities, hiện Trung Quốc và Mexico là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của IDI khi chiếm tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu mỗi năm của doanh nghiệp.

Bộ Thương mại Mỹ cũng đã công bố kết quả thuế chống bán phá giá cho đợt rà soát POR 19, mức thuế của IDI ghi nhận giảm từ 2,39 USD/kg xuống mức 0,18 USD/kg.

Doanh thu thuần hợp nhất quý 2/2024 của CTCP Nam Việt (Navico) tăng 11% so với cùng kỳ, đạt 1.193 tỷ đồng. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp trong quý của doanh nghiệp lại chỉ đạt 11,9%. Điều này góp phần khiến lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp cũng chỉ đạt 17,5 tỷ đồng.

Lũy kế 2 quý đầu năm 2024, Navico thu về 2.209 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm nhẹ 0,8% YoY; lãi ròng đạt 34,4 tỷ đồng, giảm 16% YoY. Với kết quả hai quý đầu năm 2024, doanh nghiệp đã hoàn thành 44% kế hoạch doanh thu nhưng chỉ mới đạt 14% kế hoạch về lợi nhuận năm.

Biến động trái chiều về nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu chính

Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp lớn diễn ra trong bối cảnh ngành cá tra đang dần phục hồi xuất khẩu với +5% trong nửa đầu năm 2024, đạt 918 triệu USD. Tuy nhiên, nếu xét riêng, các thị trường chính đang cho thấy sự tăng trưởng trái chiều đối với nhu cầu cá tra từ Việt Nam.

Nửa đầu năm 2024, Trung Quốc & Hong Kong là thị trường tiêu thụ cá tra nhiều nhất của Việt Nam với 258 triệu USD. Tuy nhiên, giá xuất khẩu trung bình cá tra sang Trung Quốc trong nửa đầu năm nay lại giảm từ 7 – 18% so với cùng kỳ năm 2023. Theo VASEP, nền kinh tế Trung Quốc đang chững lại khiến người tiêu dùng thận trọng và e dè hơn trong chi tiêu.

Trái ngược với thị trường Trung Quốc, cá tra xuất khẩu sang Mỹ lại tăng trưởng với +14% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 260 triệu USD trong nửa đầu năm 2024. Kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang khối thị trường CPTPP cũng tăng 11% YoY, đạt 128 triệu USD...

Lê Hồng Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/doanh-thu-khoi-sac-nhung-loi-nhuan-doanh-nghiep-ca-tra-van-am-dam-31978.html