Doanh thu lĩnh vực công nghệ thông tin cán mốc gần 2 triệu tỷ đồng

Thông tin trên được đưa ra tại phiên họp lần thứ 9 trực tuyến với 63 tỉnh, thành và các bộ, ngành sơ kết 6 tháng đầu năm về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06, diễn ra chiều 10/7.

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, chuyển đổi số quốc gia trong 6 tháng đầu năm đã có nhiều tín hiệu tích cực. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình cả nước đạt 42%; bộ, ngành đạt 61%; địa phương đạt 17%.

Giao dịch chia sẻ dữ liệu giữa các nền tảng, hệ thống thông tin qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia 6 tháng đầu năm nay tăng mạnh 67% so với cùng kỳ năm 2023.

Đối với phát triển hạ tầng số, Việt Nam đã có thêm trên 3,8 triệu thuê bao sử dụng điện thoại thông minh. Tỷ lệ chuyển đổi sử dụng IPv6 Việt Nam đạt 60%, đứng thứ 8 toàn cầu. Việt Nam có thêm một trung tâm dữ liệu hiện đại, lớn nhất của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) với công suất 30MW. Trong việc triển khai cung cấp dịch vụ 5G, đã cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng công nghệ 5G cho Tập đoàn Viettel và VNPT.

Bộ Công an cấp trên 86,3 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip và đã thu nhận trên 75,7 triệu hồ sơ định danh điện tử. Tỷ lệ thủ tục hành chính được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 48%. Xác thực được hơn 97,6 triệu thông tin nhân khẩu trong cơ sở dữ liệu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý.

Điểm sáng nổi bật là kinh tế số 6 tháng đầu năm ước đạt tăng trưởng 22,4% và tỷ trọng kinh tế số trong GDP ước đạt 18,3%.

Ấn tượng hơn là doanh thu lĩnh vực công nghệ thông tin (kinh tế số ICT) ước đạt hơn 1,92 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 26% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng doanh số trên 5 sàn bán lẻ trực tuyến 6 tháng đầu năm 2024 đạt trên 97.000 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2023.

Tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt 87,08% (tăng 9,67% so với cuối năm 2023), vượt mục tiêu đề ra cho năm 2025.

Thời gian qua, công tác chỉ đạo, điều hành chuyển đổi số bài bản, bám sát thực tiễn hơn, thực hiện từ trung ương đến cơ sở đồng bộ, hiệu quả, mang lại kết quả thiết thực, tích cực hơn. Người dân, doanh nghiệp ủng hộ, đồng hành, tham gia tích cực. Chuyển đổi số đã đến từng ngõ, gõ từ nhà, rà từng người. Niềm tin của các cấp, ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp được củng cố và nâng lên, góp phần truyền cảm hứng và tạo động lực phát triển mới. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Bên cạnh việc biểu dương những kết quả đạt được trong thời gian qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong việc hoàn thiện thể chế, việc triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch của Ủy ban quốc gia, việc phát triển kinh tế số chưa tương xứng với tiềm năng.

Hạ tầng số, nền tảng số và dữ liệu số chưa khắc phục được tình trạng manh mún, cát cứ thông tin, co cụm dữ liệu. An ninh mạng, an toàn thông tin ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức.

Cùng với đó, việc cắt giảm thủ tục hành chính còn chậm. Chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa cao; nhân lực cho chuyển đổi số, Đề án 06 còn chưa đáp ứng nhu cầu cả về số lượng, chất lượng, phân bổ chưa đồng đều…

Sớm triển khai 30 dịch vụ công thiết yếu còn lại

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia và triển khai Đề án 06, thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương xử lý các nhiệm vụ quá hạn, tồn đọng trong giai đoạn 2023-2024. Trong đó, 12 bộ, ngành và 20 địa phương chưa ban hành kế hoạch chuyển đổi số năm 2024 trước ngày 20/7 tới.

Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải trực tiếp chỉ đạo nhiệm vụ này, ưu tiên nguồn lực, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về chuyển đổi số đã đề ra, với tinh thần chỉ bàn làm, không bàn lùi, đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm phải có sản phẩm, hiệu quả cụ thể.

Phấn đấu đến năm 2025, 100% dịch vụ công trực tuyến được thực hiện toàn trình; 50% dân số trưởng thành sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được gắn định danh cá nhân; 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng trong giải quyết thủ tục hành chính; 50% thủ tục, giấy tờ của người dân liên quan đến dữ liệu dân cư được cắt giảm...

Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 trong tháng 7/2024.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 trong tháng 7/2024.

Các bộ, ngành khẩn trương tổ chức các phiên họp chuyên đề số hóa các ngành, lĩnh vực phụ trách, đẩy mạnh số hóa, làm giàu cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương. Xây dựng và đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu dùng chung về thương mại điện tử, chuyển đổi số trong quản lý thuế và thực hiện đồng bộ các giải pháp về hóa đơn điện tử, nhất là hóa đơn điện tử trong bán lẻ trực tiếp.

Mặt khác, cần rà soát, xử lý nghiêm vi phạm của các cơ sở kinh doanh không xuất hóa đơn điện tử. Phát triển hạ tầng thanh toán điện tử, hạ tầng thông tin tín dụng đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán đa dạng, ngày càng tăng nhanh.

Đặc biệt, các ngành chức năng sớm triển khai 30 dịch vụ công thiết yếu còn lại, nhất là tích hợp, công bố nhóm thủ tục hành chính đăng ký thành lập hộ kinh doanh và đăng ký thuế lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu về người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo với giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh…

Hà Anh

Theo Cổng TTĐT Chính phủ

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/doanh-thu-linh-vuc-cong-nghe-thong-tin-can-moc-gan-2-trieu-ty-dong-31059.html